Xuất khẩu cá tra, ta hại mình
Cứ tưởng cơ hội để phục hồi giá cá tra XK sang Mỹ lên ở mức có lợi cho cả ngành hàng cá tra đã tới, nào ngờ niềm vui ngắn chẳng tày gang.
Sau khi phán quyết cuối cùng của POR8 (tháng 3/2013) đối với cá tra có hiệu lực, giá cá tra XK sang Mỹ đã có sự tăng lên đáng kể.
Cứ tưởng cơ hội để phục hồi giá cá tra XK sang Mỹ lên ở mức có lợi cho cả ngành hàng cá tra đã tới, nào ngờ niềm vui ngắn chẳng tày gang. Chỉ một thời gian ngắn sau, giá cá tra Việt Nam xuất sang Mỹ lại ào ào đi xuống và hiện chỉ còn ở mức khoảng 1,4 - 1,45 USD/pao. Đây là mức giá mà ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch VASEP cho rằng còn thấp hơn cả trước khi có phán quyết cuối cùng của POR8. Vì sao lại có chuyện đáng buồn như vậy?
Theo phản ánh của một số DN XK cá tra, trong tháng 4 vừa rồi, do sợ giá cá sẽ tăng nhiều sau phán quyết cuối cùng của POR8, các nhà nhập khẩu Mỹ đã đẩy mạnh việc nhập khẩu cá tra từ Việt Nam.
Trong khi đó, nhiều trong số 9 DN vẫn có thể XK cá tra sang Mỹ nhờ mức thuế thấp, rất thấp, thậm chí là bằng 0% (Cty Vĩnh Hoàn tuy là bị đơn bắt buộc của POR8 nhưng chỉ phải chịu mức thuế vẫn có thể cầm cự được là 0,19%, 8 công ty khác được giữ nguyên thuế xuất từ 0 - 0,03% như trong POR7 do không tham gia xuất cá tra sang Mỹ trong thời điểm xem xét POR8), lại thiếu sự tỉnh táo, và không loại trừ cả lòng tham, khi đã tận dụng cái cơ hội từ “trên trời rơi xuống”, để ồ ạt đưa cá cá tra sang Mỹ một cách quá nhiều.
Mục tiêu của nhiều DN khi đẩy một lượng lớn cá tra sang Mỹ sau POR8 là nhằm gia tăng thị phần hay chiếm thị phần của những DN đang phải tạm ngưng xuất cá tra sang Mỹ vì bị áp thuế cao.
Bên cạnh đó, theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, việc XK cá tra sang các thị trường khác vẫn gặp khá nhiều khó khăn (5 tháng đầu năm nay, XK cá tra sang EU giảm 17% về giá trị, sang Mexico giảm 7,3%, sang Colombia giảm 3,4%…), nên các DN vẫn còn đường sang Mỹ cũng dồn thêm lượng hàng cá tra đưa vào thị trường này.
3 yếu tố nói trên đã làm cho lượng cá tra đưa vào Mỹ tăng lên khá nhiều so với bình thường. Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Cty CP Vĩnh Hoàn, cho rằng lượng cá tra đưa sang Mỹ trong tháng 4 đã tăng gấp đôi so với trước đó. Và chính vì thế, theo quy luật cung - cầu, giá cá tra sang Mỹ vừa nhích lên đưa chút ít đã lại giảm mạnh xuống.
Đây là một bất lợi lớn đối với cá tra Việt Nam, vì việc giá XK sang Mỹ giảm mạnh không chỉ ảnh hưởng tới lợi nhuận của nhà XK, tới giá bán cá nguyên liệu của nông dân, mà còn gây ra mối lo lớn khi DOC tiến hành POR9 đối với cá tra Việt Nam. Bởi khi giá cá tra xuất sang Mỹ càng thấp, trong khi lượng cá đưa sang đó lại nhiều lên, thì nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá ở mức cao lại càng lớn.
Mức thuế quá cao của POR8 đã khiến cả ngành hàng cá tra phải xây xẩm mặt mày, nếu lại bị áp thuế cao cỡ đó hoặc hơn ở POR9, chẳng biết con cá tra tội nghiệp có còn đủ sức để “bơi” sang Mỹ nữa hay không?
Về chuyện này, ông Trần Thiện Hải, đặt ra câu hỏi: “Chỉ còn 9 DN XK cá tra sang Mỹ mà sao lại để xảy ra tình trạng như vậy?”. Rồi ông Hải phân tích: “Vấn đề là ở cái “tôi” của các DN. Bên ngành hàng tôm, khi cùng bị “dính” vào vụ kiện chống bán phá giá, các DN XK tôm đã kìm chế cái “tôi” của mình khá tốt để cùng chung sức theo đuổi, đấu tranh trong vụ kiện này. Nhờ đó, thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam từ mức rất cao hiện đã xuống còn rất thấp. Ổng Hải khẳng định: “Chỉ có làm ăn nghiêm túc, không giành giật thị trường, không phá đám lẫn nhau thì các DN mới có thể cùng thắng trên thị trường Mỹ”.
Có lẽ các DN cá tra cũng đã nhận ra điều này. Mới đây, 9 DN vẫn đang XK cá tra sang Mỹ đã cùng ngồi lại với nhau, và cùng đồng ý rằng sẽ hạn chế lượng cá đưa sang Mỹ nhằm kích giá tăng trở lại. Tuy nhiên, lại cũng chỉ là lời hứa với nhau, nên chẳng biết sắp tới, 9 DN nói trên có làm được điều đó hay không? Đành phải trông chờ vào sự tự giác của họ mà thôi.
Theo Thanh
Sơn