Nóng trong tuần: Những kết quả nổi bật của COP28 và Mỹ điều chỉnh lập trường về Israel
Tuần qua nổi lên một số sự kiện đáng chú ý như chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Ukraine, Mỹ thay đổi lập trường về Israel trong khi EU tổ chức cuộc họp thượng đỉnh cuối năm với nhiều vấn đề nóng.
- 17-12-2023Nhật Bản ưu đãi thuế 10 năm cho xe điện
- 17-12-2023Mark Zuckerberg xây hầm trú ẩn cho 'ngày tận thế'
- 17-12-2023Nhật Bản cam kết hợp tác cùng phát triển với ASEAN
Những kết quả nổi bật của COP28
Sau 2 tuần đàm phán căng thẳng, Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã chính thức khép lại vào ngày 13/12/2023 với một số kết quả nổi bật.
Thành công nhất tại hội nghị lần này là COP28 đã đạt được thỏa thuận lịch sử về chuyển đổi nền kinh tế toàn cầu thoát khỏi nhiên liệu hóa thạch, tạo tiền đề mới cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Được mô tả là kế hoạch dựa trên khoa học, thỏa thuận khí hậu vừa đạt được tại COP28 không sử dụng thuật ngữ "loại bỏ" nhiên liệu hóa thạch, mà thay vào đó kêu gọi "chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng một cách thỏa đáng, có trình tự và hợp lý, tăng tốc hành động trong thập kỷ then chốt này".
Thỏa thuận cũng nêu rõ quá trình chuyển đổi hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính toàn cầu bằng 0 vào năm 2050, trong đó giảm 43% lượng phát thải vào năm 2030 so với mức của năm 2019. Văn bản này cũng kêu gọi tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu vào năm 2030, đẩy nhanh nỗ lực giảm sử dụng than và tăng tốc các công nghệ như thu giữ và lưu trữ carbon để có thể làm sạch các ngành công nghiệp khó khử carbon.
Việc hội nghị đạt được thỏa thuận quan trọng về loại bỏ nhiên liệu hóa thạch này được cho là sẽ gửi thông điệp mạnh mẽ đến các nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách rằng thế giới giờ đây đã đoàn kết trong việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch - điều mà các nhà khoa học cho rằng là cơ hội tốt nhất cuối cùng để ngăn chặn các thảm họa khí hậu.
Ngoài thỏa thuận lịch sử về giảm thiểu sử dụng nhiên liệu hóa thạch, COP28 cũng ghi nhận một số kết quả nổi bật khác, đặc biệt là về tài chính khí hậu như: COP28 đã huy động được khoảng hơn 80 tỷ USD cam kết tài chính khí hậu dành cho các chương trình nghị sự biến đổi khí hậu khác nhau.
Quỹ Khí hậu Xanh - tập trung vào việc hỗ trợ các nước đang phát triển trong hành động khí hậu, đã nhận được khoản tăng thêm 3,5 tỷ USD cho lần bổ sung thứ hai, với cam kết tài trợ 3 tỷ USD từ Mỹ. Ngoài việc hỗ trợ thích ứng với biến đổi khí hậu, quỹ còn tài trợ cho các dự án giúp các nước chuyển sang sử dụng năng lượng sạch. Các dự án này sẽ được triển khai trong giai đoạn từ năm 2024 đến năm 2027.
Bên cạnh đó, hơn 120 nước đã ký vào Tuyên bố về khí hậu và sức khỏe: COP28 là năm đầu tiên hội nghị Bộ trưởng về sức khỏe được tổ chức và đã tạo ra sự liên kết giữa các lĩnh vực môi trường-biến đổi khí hậu-sức khỏe. Cùng với đó, 63 quốc gia cam kết tham gia vào Tuyên bố làm mát toàn cầu, hay còn gọi là Tiết kiệm năng lượng.
Ngoài ra, hơn 130 nước thông qua Tuyên bố nhấn mạnh ưu tiên phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm và nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuyên bố khẳng định các nước sẽ tăng cường chuyển đổi hệ thống thực phẩm, gắn nỗ lực này với kế hoạch quốc gia về giảm khí thải.
Mỹ điều chỉnh lập trường về Israel trong xung đột với Hamas
Theo kênh CNN (Mỹ) ngày 14/12, thương vong khủng khiếp ở Dải Gaza trong cuộc chiến giữa Israel và Hamas đang khiến Chính quyền Mỹ của Tổng thống Joe Biden phải điều chỉnh lập trường với Tel Aviv.
Cụ thể, Tổng thống Joe Biden đã là người ủng hộ Israel mạnh mẽ trong những ngày kinh hoàng sau cuộc tấn công của Hamas hôm 7/10. Nhưng hơn 2 tháng, sau những ngày Israel thực hiện cuộc tấn công vào Gaza khiến hàng nghìn dân thường thiệt mạng, căng thẳng chưa từng có đang gia tăng giữa Nhà Trắng và chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Tổng thống Biden đã cáo buộc Israel thực hiện vụ đánh bom “bừa bãi” trong một sự kiện chính trị không được công bố trên truyền thông trong tuần này.
Trong buổi gây quỹ không được truyền hình, ông Biden cảnh báo rằng Israel đang mất đi sự ủng hộ của quốc tế vì “các vụ đánh bom bừa bãi đang diễn ra”. Tiếp tục thẳng thắn đến mức đáng kinh ngạc trong những sự kiện như vậy, Tổng thống Biden cũng nói rằng chính phủ liên minh cánh hữu của Israel đang “làm cho mọi việc trở nên rất khó khăn”.
Lời chỉ trích mới của Tổng thống Biden cho thấy sự kiên nhẫn ngày càng giảm sút của ông với Israel. Bên cạnh đó, sự khác biệt rõ ràng đang nổi lên giữa Mỹ và Israel về những gì xảy ra với Gaza ngay sau xung đột kết thúc. Trong khi Mỹ có xu hướng ủng hộ giải pháp hai nhà nước, Israel cho rằng họ muốn triển khai một vùng đệm để có thể đảm bảo an ninh cho chính mình.
CNN cho rằng, sự điều chỉnh về lập trường của Chính quyền Mỹ về Israel do một số nguyên nhân sau: Thứ nhất, Nhà Trắng đang đặt câu hỏi liệu sự hỗ trợ vững chắc của Mỹ cho Israel có khiến Washington bị xa lánh bởi các nước bạn bè và đối tác theo cách có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến các mục tiêu an ninh quốc gia rộng lớn hơn hay không.
Và thương vong không ngừng đối với người Palestine cũng đang làm tăng cái giá chính trị mà ông Biden phải chịu ở trong nước cho việc ủng hộ Israel - đồng thời làm dấy lên nghi ngờ về khả năng tiếp thêm sinh lực cho liên minh chính trị của ông trước cuộc bầu cử năm 2024.
Xung đột Israel - Hamas đã gây ra thiệt hại khủng khiếp về người. Nhưng nó cũng gây ra những ảnh hưởng chính trị không lường trước được ở Mỹ. Nó gây ra một làn sóng mới của chủ nghĩa bài Do Thái và phơi bày sự mập mờ về sự phân biệt đối xử đối với người Do Thái. Đã có sự tức giận trước sự thương vong khủng khiếp ở Gaza giữa các cử tri người Mỹ gốc Arab, một nhóm quan trọng đối với Đảng Dân chủ ở một số bang chiến địa quan trọng như Michigan, nơi số phiếu bầu của ông Biden đang bị ảnh hưởng.
Thứ hai, sự lãnh đạo toàn cầu của Mỹ hiện có nguy cơ bị ảnh hưởng vì sự hỗ trợ của nước này dành cho Israel. Trong một động thái cực kỳ mang tính biểu tượng hôm 12/12, ba đồng minh thân cận nhất của Mỹ – Canada, Australia và New Zealand – đã đoạn tuyệt với Washington để hối thúc những nỗ lực khẩn cấp nhằm đồng ý ngừng bắn ở Gaza. Các thủ tướng của ba nước cho biết: “Cái giá để đánh bại Hamas không thể là sự đau khổ liên tục của tất cả người dân Palestine”.
Vấn đề này hiện đã gây ra sự chia rẽ hiếm hoi trong liên minh chia sẻ thông tin tình báo "Five Eyes", bao gồm cả Mỹ và Anh. Và ngay cả Anh, quốc gia đảm bảo chính sách đối ngoại của mình hầu như luôn đứng về phía Mỹ, cũng đang phòng ngừa các tổn hại của mình, sau khi bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc yêu cầu ngừng bắn mà Mỹ phủ quyết.
Nhiều vấn đề tranh cãi nổi lên tại hội thượng đỉnh cuối cùng của EU trong năm 2023
Từ ngày 14 – 15/12, Hội đồng châu Âu đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh cuối cùng trong năm 2023, tập trung vào các vấn đề liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine và Trung Đông, mở rộng và cải cách EU, khuôn khổ tài chính giai đoạn 2021-2027, an ninh và quốc phòng, di cư, quan hệ EU-Thỗ Nhĩ Kỳ, đấu tranh chống chủ nghĩa bài Do Thái, phân biệt chủng tộc và bài ngoại, và các chương trình nghị sự chiến lược khác.
Tuy nhiên, vấn đề khả năng gia nhập EU và việc phân bổ 50 tỷ euro cho Ukraine cho tới năm 2027 được quan tâm nhất do cả hai vấn đề này đều gặp phải sự phản đối quyết liệt của Hungary. Phát biểu tại Quốc hội Hungary, Thủ tướng Orban cho biết các cuộc đàm phán với Ukraine về việc gia nhập EU giờ đây sẽ là "vô lý và phù phiếm". Theo Reuters, bất chấp phản đối của Hungary, lãnh đạo các nước thành viên EU đã nhất trí tiến hành các cuộc đàm phán về việc kết nạp Ukraine và Moldova vào liên minh này, đồng thời cấp quy chế ứng cử viên gia nhập cho Gruzia.
Nhận định về quyết định trên, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel ca ngợi đây là “một tín hiệu chính trị rất mạnh mẽ”, trong khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen mô tả đó là “một quyết định chiến lược”. Tuy nhiên, EU chưa đạt đồng thuận về kế hoạch ngân sách, trong đó có vấn đề hỗ trợ Ukraine, do Thủ tướng Orban đã phủ quyết khoản hỗ trợ 50 tỷ euro (gần 55 tỷ USD) cho Kiev và đang phải hi vọng vào cuộc họp được tổ chức vào tháng 1/2024.
Liên quan đến vấn đề gia nhập EU của Ukraine, Thủ tướng Hungary Viktor Orban ngày 15/12 tuyên bố Budapest vẫn có khả năng chặn tiến trình này sau này nếu cần thiết, bởi EU đã đưa ra "quyết định tồi" khi quyết định khởi động đàm phán về tư cách thành viên của Ukraine.
Ngay cả khi không có khía cạnh “Ukraine”, sẽ rất khó để tìm được sự đồng thuận giữa 27 thành viên EU về việc sửa đổi ngân sách châu Âu. EC cho rằng cần phải tăng ngân sách giai đoạn 2021-2027 thêm 66 tỷ Euro, với 1.047 tỷ Euro (giá năm 2018) để đáp ứng các nhu cầu: viện trợ cho Ukraine, cung cấp nguồn lực cho chính sách di cư châu Âu, hỗ trợ tài chính cho các công nghệ chiến lược, hoàn trả lãi suất cho các khoản vay được cấp để tài trợ cho kế hoạch phục hồi sau COVID-19.
Đối với một số quốc gia, bao gồm Đức, Hà Lan và Áo, chỉ viện trợ cho Ukraine mới phải lấy từ nguồn tiền mới. Bỉ cũng nhấn mạnh cần phải có nguồn cung ngân sách để trả lãi cho các khoản vay của châu Âu. Mọi thứ khác phải đến từ việc tái triển khai các nguồn vốn hiện có. Nhưng các quốc gia thành viên khác như Italy đang yêu cầu tài trợ cho việc di cư. Và vẫn còn những quốc gia khác từ chối cắt giảm kinh phí cho chính sách nông nghiệp chung hoặc sự gắn kết.
Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Italy Giancarlo Giorgetti đã bày tỏ hoài nghi về cơ hội EU đạt được thỏa thuận về các quy tắc tài chính mới, vốn cần được sửa đổi sau khi bị đình chỉ vào năm 2020 do đại dịch COVID-19. Ông nói rằng có "rất ít cơ hội" để kết thúc các cuộc đàm phán vào tuần tới tại một cuộc họp trực tuyến của các bộ trưởng tài chính trong khối.
Cuộc xung đột Israel-Hamas cũng gây tranh cãi ở hội nghị của EU trong bối cảnh số dân thường thiệt mạng tiếp tục tăng, theo AP ngày 16/12. Trong nhiều năm, EU đã tìm cách thúc đẩy ý tưởng về một nhà nước Israel và Palestine với đường biên giới gần như giống như năm 1967 - trước khi Israel chiếm đóng Bờ Tây và Gaza.
Các quan chức hàng đầu của EU thừa nhận rằng các nỗ lực hòa bình quốc tế của họ cho đến nay vẫn chưa hiệu quả. Đây là cuộc chiến thứ năm giữa Israel và Hamas, và số người chết ở Gaza (hiện hơn 18.000 người) vượt xa tổng số người thiệt mạng trong bốn cuộc xung đột trước đó, ước tính là khoảng 4.000.
EU là nhà cung cấp viện trợ lớn nhất thế giới cho người Palestine và đang cố gắng sử dụng đòn bẩy ngoại giao của mình với tư cách là một khối gồm 27 quốc gia để khuyến khích các động thái hòa bình. Nhưng mặc dù là đối tác thương mại lớn nhất của Israel, EU hầu như bị Thủ tướng Benjamin Netanyahu phớt lờ.
Ngoài ra, các thành viên EU vẫn bị chia rẽ về vấn đề Israel và Palestine. Áo và Đức nằm trong số những quốc gia ủng hộ Israel mạnh mẽ nhất. Các nhà lãnh đạo của họ đã tới Israel để thể hiện tình đoàn kết sau vụ tấn công của Hamas. Ngược lại, Tây Ban Nha và Ireland tập trung vào hoàn cảnh khó khăn của người dân Palestine.
Thành công hạn chế từ chuyến thăm của Tổng thống Ukraine tới Mỹ
Từ ngày 11-12/12, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã có chuyến thăm Mỹ lần thứ 3 kể từ khi xung đột với Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022 trong nỗ lực kêu gọi các khoản viện trợ của Washington liên quan đến cuộc xung đột với Nga của Ukraine.
Tuy nhiên, theo CNN, chuyến thăm của Tổng thống Zelensky đã nhận được sự phản đối từ một số thành viên Đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ, trong đó có Thượng nghị sĩ J.D. Vance, người đã đăng trên X (trước đây là Twitter): “Giữa cuộc khủng hoảng biên giới lịch sử, ông Zelensky đến Washington và yêu cầu Quốc hội Mỹ quan tâm đến biên giới của ông ấy hơn là của chúng tôi”.
Bất chấp có một số tiếng nói ủng hộ Ukraine và việc Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bỏ qua Quốc hội để ký thoả thuận tiếp theo về phân bổ 200 triệu USD từ Lầu Năm Góc cho Kiev nhân chuyến thăm của Tổng thống Zelensky, khoản viện trợ lớn tiếp theo của Mỹ cho Ukraine vẫn không chắn chắn.
Trong chuyến thăm Mỹ của ông Zelensky, những người theo đường lối cứng rắn của Đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ bày tỏ sự thông cảm với xung đột kéo dài gần hai năm ở Ukraine. Nhưng họ không đồng ý bỏ phiếu cho dự luật viện trợ khẩn cấp trị giá 110 tỉ USD của Tổng thống Joe Biden (trong đó có hơn 60 tỷ USD cho Ukraine) nếu không đạt được thỏa thuận song song nhằm thực hiện các biện pháp an ninh biên giới và chính sách nhập cư của Mỹ cứng rắn, chặt chẽ hơn.
Một số thành viên Đảng Cộng hòa cho biết họ vẫn giữ nguyên lập trường sau khi nghe yêu cầu hỗ trợ của ông Zelensky, khẳng định Tổng thống Biden vẫn cần phải thương lượng. Sau cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên kéo dài khoảng 30 phút với Tổng thống Zelensky, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson nói rằng phản ứng của chính quyền Biden đối với các yêu cầu của Đảng Cộng hòa trong Quốc hội là "không đủ" và nhắc lại lập trường của ông rằng khó có thể đạt được một thỏa thuận nếu không có “sự thay đổi mang tính chuyển đổi” về vấn đề biên giới.
Nghị sĩ John Cornyn, nghị sĩ Đảng Cộng hòa của bang Texas, nó: “Tôi không biết liệu ông ấy có thể thay đổi tình hình hay không”. nghị sĩ J.D. Vance của bang Ohio - một người thẳng thắn chỉ trích việc tài trợ thêm cho Ukraine - đã bỏ dở giữa chừng cuộc gặp giữa Zelensky và các thượng nghị sĩ khác.
Về phần mình, Thượng nghị sĩ Markwayne Mullin - đảng viên Đảng Cộng hòa của bang Oklahoma, người cho biết ông ủng hộ viện trợ nhiều hơn cho Ukraine nếu điều đó gắn liền với chính sách biên giới cứng rắn hơn – nói rằng hy vọng về một thỏa thuận vẫn còn mong manh nếu không có sự nhượng bộ sâu rộng từ chính quyền Biden.
Trong khi đó Thượng nghị sĩ Tommy Tuberville, đảng viên Đảng Cộng hòa đến từ bang Alabama, đã thẳng thắn nói về lập trường kiên định của ông trong việc cung cấp thêm viện trợ cho Ukraine. Ông nói ngắn gọn: “Chúng tôi hết tiền”.
Gần đây, Đảng Cộng hòa ngày càng công khai bác bỏ nhu cầu tài trợ cho Ukraine, nói rằng Tổng thống Joe Biden cần dành nhiều sự quan tâm hơn cho an ninh trong nước, đặc biệt là ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp qua biên giới Mỹ-Mexico. Đảng Cộng hòa cũng đang đặt câu hỏi liệu Ukraine có nên tiếp tục chiến đấu hay không và nghi ngờ rằng tại sao Mỹ lại ủng hộ điều mà họ mô tả là tham vọng bất khả thi của Ukraine nhằm đẩy lùi toàn bộ lực lượng Nga.
Báo Tin tức