Nộp ngân sách gần 330 tỉ đồng từ chống buôn lậu, hàng giả
Trong 6 tháng đầu năm 2016, lực lượng Quản lý thị trường trên cả nước đã phát hiện, xử lý 54.424 vụ vi phạm liên quan đến buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (giảm 810 vụ so cùng kỳ năm trước); thu nộp ngân sách gần 330 tỉ đồng.
- 05-05-2016Cục điều tra chống buôn lậu đã bàn giao hồ sơ vụ việc vi phạm của doanh nghiệp XNK Thành Minh cho cảnh sát điều tra
- 18-02-2016Cuộc chiến chống buôn lậu thuốc lá: Cầm dùi gõ vào trống thủng
- 23-01-2016Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu thua kiện
Báo cáo của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) mới đây cho thấy, hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu vẫn diễn biến khá phức tạp trong 6 tháng đầu năm 2016, nhất là vào dịp gần Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng có giá cả chênh lệch lớn giữa trong nước và ngoài nước, mức thuế nhập khẩu cao hoặc bị áp dụng hạn ngạch như: rượu, thuốc lá, mỹ phẩm, thuốc tân dược, điện tử..., các mặt hàng tiêu thụ nhiều như bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm, hàng may mặc...
Đáng chú ý, buôn lậu rượu ngoại, thuốc lá điếu và đường cát tiếp tục diễn ra tại khu vực biên giới miền Trung và miền Tây Nam bộ; tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép các loại thực phẩm tươi sống như gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm vẫn còn xảy ra chủ yếu ở các tỉnh biên giới phía Bắc; bên cạnh đó là tình trạng vận chuyển hàng lậu trên tuyến đường sắt từ các tỉnh biên giới phía Bắc về Hà Nội (chủ yếu là tuyến Lào Cai - Hà Nội, Lạng Sơn - Hà Nội) và tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Đối với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ tập trung vào các nhóm hàng may mặc, thiết bị điện tử, đồ gia dụng, hàng tiêu dùng... các mặt hàng này chủ yếu được làm giả từ nước ngoài và vận chuyển trái phép vào Việt Nam bán cho các cơ sở lén lút gia công, đóng gói, sản xuất ngay trong nước.
Theo đó, đối tượng chủ yếu tìm mua các loại hàng hóa, nguyên liệu bán thành phẩm giá rẻ, không rõ chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ và bao bì, nhãn mác nhái các thương hiệu nổi tiếng, sau đó tổ chức đóng gói thủ công hoặc sử dụng dây chuyền, máy móc thô sơ để gia công, dán nhãn và cung cấp ra thị trường; các sản phẩm này được bán trà trộn với hàng thật hoặc đưa về vùng sâu, vùng xa tiêu thụ, gây nguy cơ ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe người tiêu dùng.
Trong thị trường nội địa, tình hình sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa không rõ nguồn gốc, các loại hàng “xách tay” như: rượu ngoại, thuốc lá điếu ngoại, sản phẩm công nghệ, quần áo, giày, dép, mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng... vẫn còn xảy ra trên nhiều địa phương; vi phạm về niêm yết giá bán hàng, kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ có chiều hướng gia tăng trong các dịp lễ, Tết.
Đáng chú ý, tình trạng tổ chức, cá nhân sử dụng trái phép các loại chất, phụ gia thực phẩm, vật tư nông nghiệp không đảm bảo, sử dụng chất cấm trong sản xuất, canh tác, chăn nuôi... có dấu hiệu diễn biến phức tạp, gây bất an dư luận, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhân dân.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra 87.093 vụ; phát hiện, xử lý 54.424 vụ vi phạm/59.775 hành vi (giảm 810 vụ, giảm 1,5 % so với cùng kỳ năm 2015); với tổng số thu nộp ngân sách 329,86 tỉ đồng (tăng 96,34 tỉ đồng, tăng 41,2% so với cùng kỳ năm 2015); trị giá hàng tiêu hủy 82,28 tỉ đồng.
Trong đó, có 9.387 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, 2.530 vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, 7.560 vụ vi phạm trong lĩnh vực giá, đầu cơ găm hàng, 9.624 vụ vi phạm an toàn thực phẩm, 21.264 vụ vi phạm trong kinh doanh và 9.410 vụ vi phạm khác, đồng thời lực lượng QLTT cũng chuyển sang cơ quan điều tra 38 vụ.
Song song với việc xử phạt, lực lượng QLTT cũng chú trọng công tác tuyên truyền, đến nay đã có 8 đợt tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương; tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho 4.974 tổ chức, cá nhân kinh doanh thông qua hoạt động kiểm tra kiểm soát; tổ chức ký cam kết đến 1.942 đối tượng kinh doanh.
Theo Lao động