Nữ bác sĩ BV Chợ Rẫy được Forbes vinh danh: Bệnh nhân chuyển đi hết, tôi biết mình đang đối mặt với kẻ thù nguy hiểm
"Sự vinh danh của tôi ngày hôm nay đều có sự hỗ trợ của đồng nghiệp. Nếu không có sự đóng góp của tất cả đội ngũ y bác sĩ trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 thì không có thành công của tôi ngày hôm nay", bác sĩ Thơ chia sẻ.
LTS: Ths.BS Võ Ngọc Anh Thơ (39 tuổi), Phó Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy, người được đồng nghiệp biết đến là “đóa hoa hồng nơi tuyến đầu chống dịch”.
Bác sĩ Thơ là nữ bác sĩ duy nhất trong đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy chi viện các tỉnh khi xảy ra dịch.
Forbes Việt Nam đã vinh danh bác sĩ Thơ là gương mặt điển hình cho tinh thần tận tụy của đội ngũ y tế Việt Nam trong công tác phòng chống Covid-19.
Tôi chỉ là người may mắn được để ý
Một ngày bình thường của tháng 4, bác sĩ Thơ nhận được cuộc điện thoại chúc mừng từ đồng nghiệp: "Thơ ơi! Biết tin gì chưa? Thơ được tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh là một trong 20 người phụ nữ truyền cảm hứng và có ảnh hưởng tới cộng đồng!" Bác sĩ Thơ khi nhận tin đó đã quá đỗi bất ngờ vì là người bác sĩ chị chỉ cố gắng làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, không nghĩ nhiều hơn tới việc khác.
Sau sự bất ngờ khó tin đó là cảm giác vui sướng, hân hoan bác sĩ Thơ vui mừng như một đứa trẻ vì nhận được món quà tinh thần rất lớn.
Bác sĩ Thơ trả lời phỏng vấn báo chí.
"Bất kỳ ai cũng vậy khi làm việc được mọi người ghi nhận thì sẽ vui và hạnh phúc, tôi không phải là một ngoại lệ. Cảm giác vui đó chẳng khác gì một đứa con nít (trẻ con) được nhận quà. Khi làm được một việc được mọi người thừa nhận thì quá hạnh phúc rồi. Tôi cảm thấy khá bất ngờ, vì thường chỉ làm chuyên môn chứ không quan tâm tới các vấn đề ngoài xã hội nhiều.
Nhiều người hỏi tôi đã làm những gì mà được Forbes vinh danh, câu hỏi này thật là khó trả lời đối với tôi, vì tôi không phải là người tự vinh danh.
Thực ra tôi không biết mình có đóng góp nhiều hơn các đồng nghiệp khác trong ngành hay không? Ngay từ lúc chọn học và theo ngành y tôi chỉ mong cố gắng hoàn thành thật tốt công các chuyên môn, cứu chữa cho nhiều bệnh nhân. Tôi không ngờ tới một này nào đó mình sẽ được tổ chức này, tạp chí kia vinh danh.
Ngành y là một nghề có tính đặc thù liên quan tới tính mạng con người cho nên bác sĩ luôn phải tập trung để điều trị tốt nhất cho bệnh nhân của mình. Phụ nữ làm ngành y rất nhiều. Thực tế, rất nhiều bác sĩ đang âm thầm hy sinh, rất nhiều bác sĩ còn đóng góp nhiều hơn tôi. Chắc tôi là một người may mắn được để ý tới mà thôi.
Sự vinh danh của tôi ngày hôm nay đều có sự hỗ trợ của đồng nghiệp. Như bạn biết đó, nếu không có sự đóng góp của tất cả đội ngũ y bác sĩ trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 thì không có thành công của tôi ngày hôm nay", bác sĩ Thơ chia sẻ.
Những ngày đầu "tay không bắt giặc"...
Ngày 23/1/2020, đúng vào 29 Tết âm lịch khi cả nước đang chuẩn bị đón Tết Nguyên cổ truyền của dân tộc, Việt Nam ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên. Đó là hai bệnh nhân người Trung Quốc Li Zichao cùng với bố - ông Li Ding - phát hiện mắc Covid-19 được chuyển tới Bệnh viện Chợ Rẫy. Khoa Truyền nhiễm đã tiếp nhận điều trị cho 2 bệnh nhân này.
Thời điểm đó, thông tin về SARS-CoV-2 rất nhiễu loạn, đứng trước một "kẻ thù chưa lộ diện", khi điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ Thơ không khỏi lo lắng. Do kiến thức về bệnh còn rất hạn chế, phác đồ chưa được Bộ Y tế đưa ra… việc điều trị cho bệnh nhân chủ yếu theo kiểu "dò đường", dựa vào kinh nghiệm của các bệnh truyền nhiễm khác.
Cũng đúng thời điểm này, rất nhiều câu chuyện mang tính "dọa nạt" về đường lây nhiễm, sự chết chóc cũng xuất hiện gây ra dao động cho mọi người rất nhiều.
Lúc đó, bác sĩ Thơ cũng chỉ biết đó là một loài virus lây qua đường hô hấp gây tổn thương phổi, mức độ lây lan và tỷ lệ tử vong khá cao. Bác sĩ Thơ biết rằng SARS-CoV-2 sẽ là một thảm kịch trước mắt mà nhân loại phải đối phó.
"Tất cả những điều chúng tôi biết về kẻ thù "vô hình" của mình có vậy. Cho nên điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 không khác gì "tay không" bắt giặc. Điều trị theo cách cá thể hóa từng bệnh nhân", bác sĩ Thơ nói.
Khi tiếp nhận 2 trường hợp bệnh nhân Trung Quốc mắc Covid-19 vào khoa điều trị mọi thứ trong khoa phải bố trí lại để đảm bảo công tác phòng chống dịch. Các trường hợp bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm khác đã được chuyển đi hết, khoa vô cùng trống trải.
Lần đầu tiên sau hơn chục năm công tác tại khoa, bác sĩ Thơ mới thấy khoa truyền nhiễm trống trải tới vậy. Điều này cũng nhắc nhở bác sĩ Thơ "kẻ thù" chị đang đối mặt là rất nguy hiểm.
"Khi khám cho bệnh nhân chúng tôi sẽ phải mặc áo bảo hộ, mặc được chừng 10 phút mồ hôi trong người vã ra như tắm. Cảm giác nóng vô cùng và mất nước nên bác sĩ mất sức rất nhanh. Nhưng sau đó, chúng tôi cũng bắt quen với công việc.
Còn về phía bệnh nhân, lúc đầu người bố (ông Li Ding) không hợp tác điều trị do có những bất đồng về ngôn ngữ. Nhưng khi thấy hình ảnh 2 bố con ở trong phòng cách ly tôi cảm thấy họ rất tội vì vừa mắc bệnh lại ở xa quê...
Rồi những lúc người bố chuyển biến xấu, suy hô hấp, chúng tôi đã nghĩ tới nguy cơ tử vong. Có thời điểm người bố sốt, suy hô hấp, tôi đã nói với các bạn trong êkip trực có thể sẽ phải đặt nội khí quản nếu như bệnh nhân không tiến triển tốt lên. Nhưng rất may sau đó bệnh nhân đã có tiến triển tốt lên.
Sau này, khi nhớ về 2 bệnh nhân Covid-19 đầu tiên này, điều làm tôi luôn nhớ đến là sự ân cần của người con đối với bố mình. Ở trong hoàn cảnh nào thì tình cảm con người luôn khiến cho người ta cảm động", bác sĩ Thơ nói.
Lâu lâu, virus SARS-CoV-2 lại đưa ra "độc chiêu" bất ngờ
Tháng 12/2019 đại dịch Covid-19 chỉ là một "đốm lửa nhỏ" tại Vũ Hán Trung Quốc, nhưng ngay sau đó "kẻ thù bé nhỏ, vô hình" - virus SARS-CoV-2 - đã lây lan nhanh chóng, số ca tử vong tăng lên từng ngày. Bóng ma dịch bệnh đã bao trùm toàn bộ Vũ Hán, Trung Quốc và lan rộng khắp ra toàn thế giới. Gần 2 năm trôi qua, đại dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Tại Việt Nam, từ thời điểm ghi nhận ca bệnh đầu tiên vào ngày 23/1/2019, đã gần 2 năm chúng ta phải chung sống với Covid-19. Dịch bệnh đã đảo lộn cuộc sống của rất nhiều người trong đó đặc biệt là đội ngũ bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch.
Cho đến nay điều mà bác sĩ Thơ bất ngờ nhất về SARS-CoV-2 đó chính là tốc độ lây lan quá nhanh. So với các dịch bệnh "khủng kiếp" còn ghi lại trong y văn như cúm mùa Tây Ba Nha thì tốc độc lây lan và tử vong Covid-19 cũng tương đương.
Bác sĩ Thơ (ở giữa) chụp ảnh cùng các bác sĩ và nhân viên y tế trong khoa.
Cúm Tây Ban Nha xảy ra vào năm 1918, lúc đó y tế còn yếu cho nên tỷ lệ tử vong là khá cao. Còn đối với Covid-19, hiện nay, dịch đã lây lan ra khắp thế giới. Tuy nhiên, hiện nay y học phát triển, chúng ta đang tìm ra được các giải pháp phòng ngừa, tiên đoán được nguy cơ. Chúng ta biết đến từng mức độ nguy hiểm của bệnh nhân để có thể hồi sức cho bệnh nhân. Nhờ vậy mà số lượng bệnh nhân tử vong được khống chế.
Bác sĩ Thơ nhận định dịch bệnh Covid-19 là một "thảm hoạ" đáng sợ mà nhân loại đang phải đối mặt.
"Dù y học có phát triển tới đâu thì đại dịch Covid-19 vẫn là một dịch bệnh đáng sợ, ảnh hưởng trên toàn cầu. Nhiều nước số ca mắc tăng nhanh đã đẩy hệ thống y tế của một số nước vào tình trạng "vỡ trận".
Ở Việt Nam công tác phòng chống dịch bệnh tốt, số ca nhiễm không quá nhiều, bác sĩ còn sức lực và thời gian cứu chữa cho bệnh nhân. Giả dụ Việt Nam rơi vào "thảm kịch" như Ấn Độ số ca mắc bệnh quá nhiều thì những người thuộc nhóm nguy cơ cao trở nặng sẽ tăng đột biến. Hệ thống y tế của mình sẽ không đáp ứng nổi và số lượng người tử vong sẽ tăng", bác sĩ Thơ nói.
Theo bác sĩ Thơ cuộc chiến với Covid-19 dù kẻ thù đã lộ ra trước mắt, các nghiên cứu về SARS-CoV-2 có thể là nhiều nhất so với các loại virus từ trước tới nay, tuy nhiên, virus SARS-CoV-2 có nhiều "món võ" lâu lâu lại đưa ra 1 một chiêu độc khiến cho chúng ta bất ngờ.
SARS-CoV-2 nằm một nhóm virus corona đã được xác định trước, nhưng vũ khí của nó rất đa dạng, cơ chế gây bệnh khác hẳn các loại virus bác sĩ từng gặp. Đây là một kẻ thù khá là "thú vị" về mặt chuyên môn.
Một kẻ thù "thú vị" nhưng cuộc chiến kéo dài khiến cho bác sĩ Thơ cũng cảm thấy mệt mỏi và mong cuộc chiến này sẽ sớm kết thúc để mọi người có thể quay trở lại cuộc sống bình thường.
"Cuộc chiến với Covid-19 kéo dài đã gần 2 năm, khiến tôi cũng rất mệt mỏi. Cách đây vài ngày, tôi mới trở về từ Kiên Giang. Về đến nhà, tôi không kịp thay đồ cứ thế theo lên giường ngủ như chết một mạch tới sáng. Tôi chỉ mong dịch kết thúc để mọi người có cuộc sống bình thường trở lại. Thời gian dịch bệnh chỉ kéo dài gần 2 năm thôi, nhưng tôi có cảm giác 5-7 năm", bác sĩ Thơ nói.
Tuy công việc chống dịch luôn chất cao như núi, nhưng bác sĩ Thơ vẫn không quên dừng lại ở những khoảnh khắc rất đời thường.
"Lúc đó, khoảng 2-3 giờ đêm tôi xuống hội chẩn ở khoa Cấp cứu của Bệnh viện. Trên đường vào khoa, tôi gặp một cặp vợ chồng già, vợ chăm chồng cấp cứu phù phổi cấp. Khi nhìn hình ảnh 2 người đầu bạc chăm sóc nhau, không có con cái đi theo chăm sóc, tôi có cảm xúc rất thương cảm và ái ngại. Tôi có hỏi kỹ thì được biết con của bệnh nhân là bác sĩ ở tỉnh và đang đi tham gia phòng chống dịch bệnh. Cũng vì đang chống dịch nên bố ốm nặng đi cấp cứu mà bác sĩ đó cũng không thể về chăm sóc. Lúc đó, tôi lại cảm thấy nhớ bố mẹ mình và nghĩ nhiều về gia đình hơn.
Rất may mắn cho bệnh nhân đã điều trị thành công. Lần cuối tôi lên khoa cấp cứu hội chẩn lại bác trai đã khỏe rất nhiều, khuôn mặt đã nở nụ cười hạnh phúc", bác sĩ Thơ chia sẻ.
Vừa làm truyền nhiễm, vừa làm hồi sức, vất vả nhân đôi
Trong suy nghĩ của tôi (PV) Truyền nhiễm là một ngành vất vả thường xuyên phải đứng trước nguy cơ phơi nhiễm bệnh tật. Thực tế, nhiều bác sĩ không muốn chọn ngành học này. Bác sĩ Anh Thơ không chỉ lựa chọn ngành Truyền nhiễm, chị còn làm về Hồi sức, vất vả được nhân lên gấp đôi. Nhưng ở người phụ nữ "đặc biệt" này, tôi cảm thấy được sự nhiệt huyết của một người bác sĩ truyền nhiễm.
"Chắc do quen vất vả từ thời sinh viên cho nên tôi dường như đã miễn nhiễm và thấy rất bình thường. Đương nhiên, người bác sĩ nữ khi làm việc sẽ gặp ít nhiều vấn đề về thể lực và sức khoẻ. Nhưng điều đó, không làm cho tôi cảm thấy mình đang phải làm việc vất vả hơn so với bác sĩ nam", bác sĩ Thơ nói.
Bác sĩ Thơ ở giữa chụp ảnh trước khi lên đường tới hỗ trợ Kiên Giang.
Dù biết truyền nhiễm là chuyên ngành vất vả, thu nhập không cao so với ngoại khoa nhưng do quá yêu nên bác sĩ Thơ vẫn đang đam mê theo đuổi. Bác sĩ Thơ nhận thấy tại Việt Nam bệnh truyền nhiễm sẽ không thể thanh toán được do khí hậu nhiệt đới nhiều mặt bệnh truyền nhiễm. Bên cạnh bệnh dịch, thì truyền nhiễm sẽ có rất nhiều vấn đề khác về kiểm soát nhiễm khuẩn, kháng kháng sinh… Truyền nhiễm sẽ bước song hành và phát triển cùng với các chuyên khoa khác.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy bác sĩ Thơ là một trong những nữ bác sĩ duy nhất luôn có mặt tăng cường cho các đợt dịch tại Gia Lai, Kiên Giang… Dẫu biết rằng dịch bệnh chưa thể kết thúc ngay, nhưng bác sĩ Thơ vẫn luôn mong muốn mọi người sớm có cuộc sống bình an. Và dự định duy nhất lúc này của chị là: "Chuẩn bị tinh thần để đối phó với dịch bệnh lần thứ 4", bác sĩ Thơ chia sẻ.
Doanh nghiệp và tiếp thị