Nữ ca sĩ được phong tặng danh hiệu NSND ở tuổi 81: Con gái duy nhất định cư Pháp, U90 vẫn làm việc, sống một mình trong căn tập thể đi thuê 20m2
Nữ ca sĩ này là một trong những giọng ca nhạc đỏ tiêu biểu trong giai đoạn 1965–1980, được phong tặng danh hiệu NSND cuối năm 2023.
- 30-05-2024Hôn nhân hai nghệ sĩ đều là đại tá quân đội - NSND Thu Quế và NSƯT Phạm Cường
- 30-05-2024Tuổi xế chiều của nữ diễn viên đầu tiên được phong NSND: Con gái thành đạt ở nước ngoài, U90 sống một mình vẫn mãn nguyện vì lý do này
- 28-05-2024NSƯT Chiều Xuân: "NSND Thụy Vân tát tôi mấy cái và tôi khóc nức nở"
Giọng ca nhạc đỏ lừng danh
NSND Tuyết Thanh tên đầy đủ là Đồng Thị Tuyết Thanh, sinh năm 1942 tại Hà Nội. Mặc dù gia đình không có ai theo nghệ thuật nhưng ngay từ nhỏ, bà đã bộc lộ niềm đam mê ca hát của mình. Năm 11 tuổi, Tuyết Thanh là thành viên đội Sơn ca của Đài Tiếng nói Việt Nam, tham gia đội hợp xướng của nhạc sĩ Mạc Hy nổi tiếng thời đó.
Tuy nhiên, gia đình Tuyết Thanh phản đối bà đi theo con đường nghệ thuật. Nghe theo định hướng của bố, Tuyết Thanh gác lại ước mơ nghệ thuật và trở thành nhân viên đánh máy chữ tại Văn phòng Chính phủ.
Thế nhưng niềm đam mê ca hát thôi thúc bà thi vào Nhà hát ca múa nhạc Trung ương, Đoàn văn công Tổng cục chính trị của quân đội và Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau khi đỗ cả 3, bà chọn về với Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Khi cha Tuyết Thanh biết tin, ông giận tới mức bỏ nhà lên Lạng Sơn một tuần.
Để chứng minh với gia đình về lựa chọn của mình, nữ danh ca đã nhanh chóng từ vị trí hát trong dàn đồng ca thành giọng ca chính của Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Với tư cách vừa là nghệ sĩ vừa là chiến sĩ, Tuyết Thanh đã nhiều lần vào chiến trường để biểu diễn phục vụ bộ đội.
Nhiều ca khúc do bà thể hiện lần đầu đã trở thành những dấu ấn kinh điển cho thời kỳ đó như "Bài ca Hà Nội" (1966), "Nổi trống lên rừng núi ơi" (1965), "Tiếng hò trên đất Nghệ An" (1964), "Miền Nam nhớ mãi ơn Người" (1969), "Bài ca phụ nữ Việt Nam" (1970), "Bến cảng quê hương tôi" (1968), và "Như có Bác trong ngày vui đại thắng" (1975). Một số ca khúc nổi tiếng khác cũng thường được Tuyết Thanh trình bày ngay sau khi các nhạc sĩ hoàn thành, đáp ứng tính thời sự.
Một trong những niềm tự hào nhất của Tuyết Thanh là thường xuyên được hát cho Bác Hồ nghe. Ca khúc bà hay hát cho Bác nghe là "Tiếng hò trên đất Nghệ An" của nhạc sĩ Tân Huyền và thường được Bác tặng kẹo nhưng không dám ăn, cất giữ như kỷ niệm. Nhưng vì kẹo chảy nước nên bà đành phải ăn, sau đó rửa sạch giấy bọc kẹo, lau khô và giữ gìn như báu vật.
Sau gần 30 năm tận tụy với nền âm nhạc cách mạng, Tuyết Thanh đã vinh dự nhận danh hiệu NSƯT từ Hội đồng Nhà nước vào năm 1988. Đến năm 2023, bà tiếp tục được công nhận với danh hiệu cao quý NSND.
Cuộc sống một mình ở tuổi U90
NSND Tuyết Thanh kết hôn năm 27 tuổi nhưng cuộc hôn nhân chỉ kéo dài 5 năm. Khi ấy con gái Tuyết Thanh mới lên 4. Cuộc chia tay diễn ra êm đẹp, không có tiếng cãi vã hay trách móc. Nữ nghệ sĩ trở thành mẹ đơn thân, quãng thời gian sau dù nhiều người muốn gắn bó nhưng bà đều từ chối.
Năm 1993, bà nghỉ hưu tại Đài Tiếng nói Việt Nam, trùng với thời điểm con gái lập gia đình. Không bao lâu sau, con gái Tuyết Thanh theo chồng sang định cư Pháp. Nữ nghệ sĩ cũng đến Pháp sống với con gái nhưng không thể ở lâu hơn 1 tháng vì "phải có âm nhạc mới sống được".
Nữ danh ca trở về Việt Nam, sống trong căn tập thể đi thuê vỏn vẹn gần 20m2 gần họ hàng để tiện cho việc chăm sóc khi ốm đau. Tuy nhiên, gần như mọi sinh hoạt của Tuyết Thanh chủ yếu diễn ra một mình. Suốt hơn 30 năm qua, nữ danh ca phải chống chọi với căn bệnh tiền đình.
Mỗi khi ở nhà, giọng ca sinh năm 1942 hay mở tivi chỉ để nghe thấy tiếng người, cho bớt đi cảm giác cô đơn. Nữ NSND duy trì lối sống điều độ, chăm vận động, suy nghĩ lạc quan. Ở tuổi U90, Tuyết Thanh vẫn dành thời gian cho công việc dạy nhạc tại nhà. Nữ nghệ sĩ duy trì công việc này vừa vì tình yêu với nghề, vừa để giữ cho trí não luôn hoạt động thường xuyên và khỏe mạnh.