MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nữ tướng ngành logistics được chấp thuận làm 2 KCN tổng mức đầu tư 4.500 tỷ tại Bắc Giang và Hà Nam trong cùng 1 ngày: Đại gia năng lượng PC1 góp vốn nghìn tỷ

17-07-2024 - 00:03 AM | Doanh nghiệp

Trong HĐQT của công ty do nữ đại gia sáng lập còn có ông Trịnh Văn Tuấn, thành viên HĐQT là Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn PC1 và ông Trần Anh Vương - người cũng được biết đến với tên gọi Shark Vương.

2 KCN TỔNG DIỆN TÍCH HƠN 350HA ĐƯỢC CHẤP THUẬN ĐẦU TƯ

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 636/QĐ-TTg ngày 12/7/2024 chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Yên Lư (phần mở rộng) giai đoạn 1, tỉnh Bắc Giang. Theo Quyết định, Công ty cổ phần đầu tư Western Pacific là nhà đầu tư dự án.

Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Yên Lư (phần mở rộng) giai đoạn 1 được thực hiện tại xã Yên Lư, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang với quy mô 119,83 ha; vốn đầu tư 1.543 tỷ đồng, trong đó vốn góp của Nhà đầu tư là 308 tỷ đồng.

Nữ tướng ngành logistics được chấp thuận làm 2 KCN tổng mức đầu tư 4.500 tỷ tại Bắc Giang và Hà Nam trong cùng 1 ngày: Đại gia năng lượng PC1 góp vốn nghìn tỷ- Ảnh 1.

Khu công nghiệp Yên Lư (phần mở rộng)

Theo Quyết định phê duyệt Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Lư (phần mở rộng) của UBND tỉnh Bắc Giang ngày 11/4/2023, KCN Yên Lư (phần mở rộng) có tính chất là KCN tổng hợp đa ngành, KCN công nghệ cao, công nghiệp không gây ô nhiễm.

Trong đó thu hút các ngành công nghiệp theo định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh, cụ thể: công nghiệp chế biến hàng tiêu dùng; công nghiệp điện, điện tử, công nghệ thông tin; công nghiệp cơ khí, lắp ráp chế tạo máy, tự động hóa; các ngành công nghiệp có công nghệ sạch, công nghệ cao và thân thiện môi trường như: công nghiệp tin học, phần mềm; công nghiệp chế biến sâu nông thủy sản, thực phẩm đồ uống; công nghiệp dược, thiết bị y tế, công nghiệp thủ công mỹ nghệ; công nghiệp hỗ trợ; Logistics, kho vận...

Đồng thời, trong cùng ngày 12/7, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 635/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Đồng Văn V giai đoạn 1 (tại Hà Nam).

photo-1721112272660

Khu công nghiệp Đồng Văn V

Theo Quyết định, mục tiêu dự án là đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Đồng Văn V giai đoạn 1 với quy mô sử dụng đất của dự án là 237,29 ha, trong đó bao gồm phần diện tích đất hành lang an toàn lưới điện 110kV theo quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Đồng Văn V đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nhà đầu tư của dự án là Công ty cổ phần Hạ tầng Hà Nam.

Tổng vốn đầu tư của dự án là 2.911 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 437 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án 50 năm kể từ ngày được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư. Địa điểm thực hiện dự án tại phường Tiên Nội, các xã Tiên Ngoại và Yên Nam, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Đáng chú ý, chủ đầu tư của cả 2 dự án này đều là công ty con của CTCP Western Pacific.

NỮ ĐẠI GIA LOGISTICS KÍN TIẾNG

CTCP Đầu tư Western Pacific được thành lập vào tháng 4/2021, có trụ sở chính tại TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang do bà Phạm Thị Bích Huệ (SN 1977) là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc và người đại diện theo pháp luật. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty là kinh doanh bất động sản. Công ty có vốn điều lệ 450 tỷ đồng, trong đó CTCP Western Pacific nắm 51% vốn, bà Phạm Thị Bích Huệ nắm 36% và ông Trương Hữu Nhân 13%.

Còn CTCP Hạ tầng Hà Nam được thành lập tháng 3/2021, có trụ sở chính tại thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam do ông Trần Anh Vương làm Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật. Ngành nghề chính của công ty là kinh doanh bất động sản, vốn điều lệ đạt 590 tỷ đồng. Hồi mới thành lập, vốn điều lệ của công ty là 120 tỷ đồng, trong đó CTCP Western Pacific là công ty mẹ nắm 51%, CTCP Cảng Quốc tế Hà Nam nắm 36% và bà Phạm Thị Bích Huệ 13%.

CTCP Western Pacific từng có tên là Công ty TNHH Giao nhận – Xây dựng – Thương mại Tây Thái Bình Dương do bà Phạm Thị Bích Huệ sáng lập vào tháng 9/2006, hiện cũng do bà Huệ làm Chủ tịch HĐQT kiêm người đại điện theo pháp luật. Tháng 4/2022, công ty nâng vốn điều lệ từ 500 tỷ lên 615 tỷ đồng, không rõ cơ cấu cổ đông.

Còn tại đăng ký doanh nghiệp ngày 11/4/2018, vốn điều lệ của công ty là 100 tỷ đồng, bà Phạm Thị Bích Huệ nắm tới 98% vốn của công ty, 2 cổ đông còn lại là Phạm Bá Bùng và Phạm Bá Tuấn mỗi người nắm 1%.

Theo báo cáo tài chính quý 1 của PC1, CTCP Western Pacific là công ty liên kết của PC1 với tỷ lệ sở hữu 30,08% vốn điều lệ. Giá trị ghi sổ theo phương pháp vốn chủ sở hữu của khoản đầu tư này tại 31/3/2024 là 1.159 tỷ đồng.

Nguồn vốn để PC1 mua cổ phần của Western Pacific là từ 2 lô trái phiếu với tổng giá trị huy động 1.200 tỷ đồng, đáo hạn vào năm 2027. Trái phiếu được đảm bảo bởi một số cổ phiếu phổ thông của PC1 do cá nhân có liên quan nắm giữ và một số cổ phiếu phổ thông của CTCP Thủy điện Trung Thu và CTCP Đầu tư Năng lượng miền Bắc do PC1 sở hữu.

Nữ tướng ngành logistics được chấp thuận làm 2 KCN tổng mức đầu tư 4.500 tỷ tại Bắc Giang và Hà Nam trong cùng 1 ngày: Đại gia năng lượng PC1 góp vốn nghìn tỷ- Ảnh 3.

Bà Phạm Thị Bích Huệ

Bà Phạm Thị Bích Huệ cũng đang là người đại diện pháp luật của nhiều doanh nghiệp như CTCP Quản lý Chuỗi Cung ứng Sài Gòn, CTCP Hạ tầng Western Pacific, CTCP Xây lắp Cảng Hà Nam, CTCP Cảng Quốc tế Hà Nam, CTCP Đầu tư Phát triển Năng lượng Hiệp lực;...

Bà Huệ là Tiến sĩ Logistics, bà đã có 25 năm kinh nghiệm trong ngành Logistics và bà đang là Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nhiệm kỳ VI & VII.

Trong Hội đồng quản trị của CTCP Western Pacific còn có ông Trịnh Văn Tuấn, thành viên HĐQT là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn PC1 và ông Trần Anh Vương - người cũng được biết đến với tên gọi Shark Vương, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc là Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam trẻ nhiệm kỳ VI.

photo-1721072843080

HĐQT của CTCP Western Pacific

 Theo đăng ký kinh doanh, ngành nghề kinh doanh chính của Western Pacific là hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải bao gồm Gửi hàng; Sắp xếp hoặc tổ chức các hoạt động vận tải đường sắt, đường bộ, đường biển; Giao nhận hàng hóa; Thu, phát các chứng từ vận tải và vận đơn; Hoạt động của đại lý làm thủ tục hải quan; ...

Theo giới thiệu trên website, Western Pacific Group là đơn vị tiên phong phát triển Cụm liên kết giữa Khu Công nghiệp và Logistics, là một hệ sinh thái khép kín bao gồm: khu công nghiệp, hệ thống cầu cảng, trung tâm phân phối, kho hàng không kéo dài, kho ngoại quan, kho kiểm soát nhiệt độ, khu nhà ở và hậu cần dành cho công nhân, chuyên gia, cùng các hoạt động vận hành Logistics chuyên nghiệp.

Hiện tại, Western Pacific Group đang triển khai mô hình LIC tại nhiều dự án trọng điểm như: Khu công nghiệp Yên Phong II-A, Cụm công nghiệp Yên Lệnh,..

Nữ tướng ngành logistics được chấp thuận làm 2 KCN tổng mức đầu tư 4.500 tỷ tại Bắc Giang và Hà Nam trong cùng 1 ngày: Đại gia năng lượng PC1 góp vốn nghìn tỷ- Ảnh 5.

Cụm công nghiệp Yên Lệnh của CTCP Western Pacific (Ảnh: Western Pacific)

Ngọc Điệp

An ninh Tiền tệ

Trở lên trên