Nữ founder khiến Shark Erik "đánh liều" đầu tư: Lập doanh nghiệp lọt top 3 nhà sản xuất dế toàn cầu chỉ sau 5 năm, gọi vốn cộng đồng được hơn 180 triệu trong 3 ngày
Dù đánh giá thương vụ với startup làm snack dế Rec Rec khá mạo hiểm, Shark Erik vẫn quyết định "đầu tư vào người sáng lập" là chị Bicky Nguyễn. Ông thừa nhận Bicky "nói chuyện rất hay và có tính thuyết phục". Trên thực tế, nữ founder này từng nhận nhiều giải thưởng uy tín dành cho doanh nhân và startup, cũng là người sáng lập CricketOne – đơn vị cung cấp nguyên liệu cho Rec Rec.
Bicky Nguyễn – Co-founder & CEO của startup Rec Rec xuất hiện trong tập 9 chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 6 nhằm kêu gọi tối đa 250.000 USD để chuyển đổi cổ phần cho vòng gọi vốn tiếp theo, với mức định giá tối đa là 1,5 triệu USD.
Sản phẩm của Rec Rec khá "độc lạ" là đồ ăn vặt làm từ dế, bao gồm snack dế sấy nguyên con và bánh phồng dế. Dù có ưu điểm là thân thiện với môi trường, tốt cho sức khỏe và đảm bảo ngon miệng, snack của Rec Rec vướng phải rào cản lớn về tâm lý người tiêu dùng. Minh chứng là Shark Lê Hàn Tuệ Lâm chưa thử sản phẩm.
Do đó, bất chấp màn pitching đầy thuyết phục và trả lời rành mạch mọi câu hỏi từ hội đồng đầu tư của Bicky Nguyễn, các "cá mập" lần lượt rút lui. Người duy nhất ra deal là Shark Erik Jonsson bởi ông "thích cách Bicky trả lời câu hỏi của các Shark", mặc dù thừa nhận việc đầu tư vào Rec Rec khá mạo hiểm.
"Thực ra đây là thương vụ đầu tư vào người sáng lập. Rõ ràng bạn là người thông thạo, nói chuyện rất hay và có tính thuyết phục. Tôi vẫn muốn đầu tư 100.000 USD với định giá là 1 triệu USD", Shark Erik đề nghị với Bicky. Nữ founder đã đồng ý với thỏa thuận này.
Người đứng sau doanh nghiệp thuộc top 3 nhà sản xuất dế trên thế giới
Rec Rec là dự án hợp tác giữa hai startup trong lĩnh vực foodtech (công nghệ thực phẩm) là CricketOne và FoodMap. Theo đó, CricketOne phụ trách phần nguyên liệu đầu vào, sản xuất và đóng gói, còn FoodMap phụ trách truyền thông thương hiệu và bán hàng. Trên sóng Shark Tank, Bicky Nguyễn tiết lộ mỗi bên nắm 50% cổ phần của Rec Rec.
Bản thân Bicky Nguyễn chính là Co-founder của CricketOne. Bắt đầu làm R&D (nghiên cứu và phát triển) từ giữa năm 2016, tới giữa năm 2017 CricketOne chính thức được thành lập, với mục tiêu cung cấp nguồn protein mang tính bền vững với giá cả phải chăng từ con dế, thay thế cho protein từ động vật và ngũ cốc thông thường, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.
Cricket One bắt đầu bán thương mại từ giữa năm 2018. Đơn hàng đầu tiên là gần nửa tấn bột dế có giá khoảng 6.000 USD, được bán cho một công ty ở Anh để họ trộn với bột mì làm bánh. Hiện tại, CricketOne bán chủ yếu qua kênh B2B và thị trường chính ở nước ngoài, bao gồm khoảng 20 nước.
"Thị trường lớn nhất của CricketOne là Mỹ, size trung bình của một đơn hàng thường là 1 container 20 feet, dao động từ 5 đến 7 tấn", Bicky Nguyễn từng chia sẻ với truyền thông.
Năm 2020, CricketOne đạt điểm hòa vốn và đến 2021 bắt đầu có lãi. Chỉ trong hơn 5 năm, CricketOne đã lọt top 3 nhà sản xuất dế trên thế giới, với 60% doanh thu đến từ Mỹ, 30% đến từ châu Âu và 10% đến từ Nhật Bản.
Với việc Cricket One được cấp phép bán hàng vào toàn châu Âu, là doanh nghiệp thứ 2 trong ngành và duy nhất ngoài châu Âu đạt được thành quả này, trong tương lai cơ hội của họ ở thị trường châu Âu rất rộng mở.
Chủ nhân của hàng loạt giải thưởng uy tín
Ý tưởng nuôi dế để sản xuất nguồn protein bền vững giá hợp lý đã đem về vị trí Quán quân Giải thưởng Doanh nhân Cộng đồng (Blue Venture Award) năm 2019 cho Bicky Nguyễn, với phần diễn thuyết được đánh giá trôi chảy, tự tin và vô cùng gãy gọn.
Dưới sự dẫn dắt của Bicky Nguyễn và nhà đồng sáng lập Nam Đặng, CricketOne còn gọi vốn thành công tại chương trình Doanh nhân Xã hội trẻ (YSE) năm 2018 do Quỹ Quốc tế Singapore tổ chức, với số vốn 20.000 SGD (hơn 360 triệu đồng).
Ngoài ra, CricketOne còn là quán quân cuộc thi Khởi nghiệp Việt toàn cầu (Vietchallenge) năm 2020 và nhận giải thưởng 15.000 USD; đạt giải nhất chương trình Thách thức Công nghệ Nông nghiệp vùng Mekong 2018.
Với nền tảng vững chắc của CricketOne và sự hỗ trợ từ FoodMap – startup thương mại điện tử chuyên về nông sản, Rec Rec đã nhận được 10.000 SGD (hơn 180 triệu đồng) trong vòng 3 ngày gọi vốn cộng đồng trên nền tảng Indiegogo, trong đó có các thị trường khó tính như Mỹ, Singapore, Úc, Đài Loan.
"Thị trường có snack gì, chúng tôi có snack đó, nhưng chúng tôi ngon hơn, dinh dưỡng hơn, thân thiện với môi trường và mang lại giá trị bền vững cho xã hội", Bicky Nguyễn tự tin vào dự án Rec Rec.
An ninh tiền tệ