'Nữ hoàng điền kinh' Nguyễn Thị Oanh: Đời tư ít biết, giản dị khi nói về hạnh phúc riêng
Nguyễn Thị Oanh, nữ VĐV điền kinh của Hà Nội, người được mệnh danh là “Nữ hoàng làng chạy” là một trong những vận động viên điền kinh Việt Nam thành công nhất tại đấu trường SEA Games.
- 01-08-2021Nữ hoàng tốc độ Jamaica lấy bình luận tiêu cực làm năng lượng, phá kỷ lục 33 năm của điền kinh Olympic
- 31-07-2021Quách Thị Lan: Viên ngọc thô xứ Mường trở thành nữ hoàng điền kinh Việt', giành vé đặc cách vào phút chót và làm nên lịch sử tại Olympic Tokyo 2020
Nguyễn Thị Oanh 'nhanh như một cơn gió' giành 2 HCV điền kinh trong ngày
SKĐS - Nguyễn Thị Oanh lập cú đúp HCV cho điền kinh Việt Nam ở nội dung chạy 1500m nữ và 500m nữ trong ngày đầu khởi tranh tại SEA Games 31.
Sáng 14/5, tại sân Mỹ Đình, Nguyễn Thị Oanh đem về tấm huy chương vàng đầu tiên cho điền kinh Việt Nam tại SEA Games 31. Tiếp ngay sau đó, sau khi giành hai tấm HCV nội dung chạy 1.500m, 5.000m trong ngày thi đấu đầu tiên, VĐV điền kinh Nguyễn Thị Oanh tiếp tục giành thêm tấm HCV thứ 3 ở nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật và kỷ lục Đại hội.
Vận động viên Nguyễn Thị Oanh và đồng đội Phạm Thị Hồng Lệ khoác lên mình lá cờ Tổ quốc sau khi cả hai băng băng về đích ở cự ly 500m nữ.
Trong ngày thi đấu thứ 2 của bộ môn điền kinh, tuyển thủ Nguyễn Thị Oanh đã xuất sắc bảo vệ được tấm HCV ở nội dung chạy 3.000m vượt chướng ngại vật với thông số 9 phút 52 giây 6, đồng thời phá vỡ kỷ lục chính cô lập nên vào năm 2019 tại SEA Games 30 trên đất Philippines với thông số 10 phút 00 giây 02.
Nguyễn Thị Oanh quê Bắc Giang, mảnh đất nổi tiếng sản sinh ra nhiều VĐV trụ cột của các môn điền kinh, cầu lông, đá cầu. Thời học sinh, cô giống như nhiều bạn bè đồng trang lứa, dành phần lớn thời gian cho học hành và phụ giúp bố mẹ việc nhà.
Bước ngoặt đưa cuộc đời Oanh rẽ sang hướng khác đến khá sớm, khi 9 tuổi. Ngay lần đầu chứng kiến một cuộc thi điền kinh đúng nghĩa, cô học sinh tiểu học lập tức dán mắt vào những bước chạy của người chị ruột trên đường đua. "Tôi vốn không có sở thích đặc biệt gì. Nhưng tiếng hò reo, ánh mắt ngưỡng mộ của mọi người dành cho chị khiến tôi ao ước. Tôi nghĩ một ngày nào đó mình cũng có thể được như vậy", Oanh nhớ lại.
Nữ hoàng điền kinh Nguyễn Thị Oanh mang về Huy chương vàng cho thể thao Việt Nam tại SEA Games lần này. (ảnh: Tuấn Anh/SKĐS)
Từ đó, tại quê hương Mỹ Hà, huyện Lạng Giang, trong cái nắng những buổi chiều tà trên những ngọn đồi, Oanh vẫn ngày ngày đến trường. Nhưng cô học sinh lớp 4 lúc này đã chuẩn bị sẵn cho mình một tâm thế - trở thành nhà vô địch điền kinh.
Thầy cô ở trường tạo điều kiện cho Oanh tham dự các giải điền kinh cấp huyện, tỉnh và giành những tấm huy chương đầu đời. Cô nhanh chóng bộc lộ tố chất của một vận động viên triển vọng. Oanh nhanh hơn và mạnh hơn đối thủ cùng tuổi dù thua về ngoại hình.
Ở đó, Oanh đã lọt vào mắt xanh của những tuyển trạch viên đoàn thể thao Bắc Giang. Tuy vậy, chiều cao khá khiêm tốn, chỉ khoảng 1m50 và nặng chưa tới 40kg suýt nữa khiến cô không được chọn.
Năm 15 tuổi, Nguyễn Thị Oanh khăn gói hành lý, xuống Trường năng khiếu thể dục thể thao Bắc Giang để theo đuổi con đường trở thành vận động viên chuyên nghiệp. Kể về giai đoạn này, VĐV Nguyễn Thị Oanh thừa nhận mình có thời điểm khá bồng bột: "Có một điều đặc biệt bây giờ tôi mới chia sẻ là khi xuống trường năng khiếu đơn vị ở Bắc Giang được một tuần vì nhớ nhà tôi đã khóc suốt mấy tiếng trời để đòi về. Khi bố mẹ đi xe xuống đón, ngồi nói chuyện với huấn luyện viên tôi lại đổi ý ở lại. Bây giờ nghĩ lại tôi thấy ái náy vì làm khổ bố mẹ. Trời giữa đêm mưa to gió lớn, bố mẹ phải đi từ nhà bằng xe máy xuống trường tôi học hơn 20km với mong muốn của tôi là đón về mà đến nơi ngồi một lúc lại phải đi về. Những bồng bột của tuổi trẻ cũng dễ hiểu vì tôi một mình với bao lo lắng thường trực."
Nguyễn Thị Oanh (phải) và Phạm Thị Hồng Lệ (trái). Ảnh: Tuấn Anh/SKĐS
Những tưởng thành công từ đây sẽ trải rộng thì bất ngờ cuối năm 2014, Oanh gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Sau tấm HC Bạc 3.000m vượt chướng ngại vật giành được trên đất Myanmar, Oanh "mất tích" khỏi làng điền kinh khá lâu.
"Đó là một ngày cuối tháng 12/2014, tôi thấy mặt mình bỗng nhiên có nhiều chỗ sưng tấy. Mọi người nói chỉ bị dị ứng, nhưng tôi cảm thấy bất an, tôi biết rõ cơ thể mình nên đi khám bác sĩ và được chuẩn đoán mắc viêm cầu thận", Oanh cười nhẹ khi nhắc lại giai đoạn đó. Với VĐV, những căn bệnh tim và thận luôn là nỗi ám ảnh, có thể là dấu chấm hết cho sự nghiệp.
"Ý nghĩ đầu tiên của tôi là giải nghệ. Thật khó chấp nhận. Nhưng rồi sau một thời gian theo dõi, tôi được biết bệnh của mình chỉ mới chớm, còn có cơ hội chữa được", Oanh kể.
Cô buộc phải bỏ hết các giải trong một khoảng thời gian dài sau đó để tập trung điều trị. "Tôi luôn nghĩ đến khó khăn mình đã phải trải qua trong suốt năm tháng qua. Những điều đó thôi thúc tôi phải cố gắng, chiến đấu và chiến thắng chính bản thân mình", chân chạy sinh năm 1995 nói. Sự nghiệp điền kinh của Oanh lần đầu đứt quãng. Cô rời xa đường đua trong gần một năm.
Với VĐV chuyên nghiệp, lấy lại phong độ sau biến cố chưa bao giờ là dễ dàng. Nguyễn Thị Oanh kiên trì với những bài tập phục hồi để tìm lại cảm giác đỉnh cao. Cô cũng thay đổi mình để làm quen với những nội dung mới, không bó buộc ở một tấm huy chương duy nhất.
Oanh là ngôi sao hàng đầu của khu vực Đông Nam Á ở nội dung sở trường 3.000 m vượt chướng ngại vật. Tuy nhiên, phải đến năm 2019, cô gái quê Bắc Giang mới thực hiện được ước mơ đứng trên bục vinh quang với tấm HCV ở nội dung này. Cô nàng "hạt tiêu" ví nó như những trở ngại, thử thách trong quá trình tập luyện.
Oanh luôn cảm thấy hạnh phúc khi chinh phục được những chướng ngại vật cuộc đời và thi đấu. Nữ vận động viên biết mình có thể kiệt sức, mệt mỏi, gục ngã nhưng khi mọi sự cố gắng và ý chí mạnh mẽ được phát huy, cô tự hào vì hình ảnh cờ đỏ sao vàng trên ngực áo của mình.
Gia đình của nữ hoàng điền kinh Nguyễn Thị Oanh chung vui cùng khoảnh khắc vinh quang. Ảnh: Tuấn Anh/SKĐS.
SEA Games 30 năm 2019 xếp 3.000 m vượt chướng ngại vật và 5.000 m thi chung một ngày. Nhưng rồi, khoảnh khắc vỡ òa trong sung sướng khi Oanh phá kỷ lục SEA Games nội dung 3.000 m vượt chướng ngại vật vào buổi tối và tấm HCV 5.000 m lúc sáng. Chẳng có một rào cản nào có thể ngăn bước nhà vô địch SEA Games Nguyễn Thị Oanh vươn mình. Trước đó, cô gái "ốc tiêu" cũng bảo vệ thành công danh hiệu ở nội dung 1.500 m. Và "Ỉn Oanh" là một trong số ít VĐV thành công ở cả 2 cự ly trung bình và trung bình dài.
Trong kỳ đại hội trên sân nhà, Oanh hoàn thành chặng đường đầu tiên với tấm HCV 1.500 m nữ. Trong buổi chiều 14/5, cô tiếp tục giành HCV 5.000 m và sau đó là HCV với nội dung sở trường 3.000 vượt chướng ngại vật.
Nói về hạnh phúc riêng, Nguyễn Thị Oanh từng chia sẻ giản dị: "Tôi quan điểm khi duyên tới gặp được người trân trọng mình, hiểu được cuộc sống của mình đấy mới là tình yêu mong ước chứ không phải họ đến chỉ vì vẻ ngoài. Trước đây tôi từng rung động nhưng thời điểm hiện tại vẫn đang bận rộn với lịch tập luyện và thi đấu dày đặc nên vẫn chưa tập trung chuyện tình cảm. Tôi mong muốn bạn đời của mình sẽ hiểu, yêu thương mình hơn bởi thể thao là môn khắc nghiệt, đặc biệt môn điền kinh phải tập luyện ngoài trời, kể cả những khi trời nắng hay mưa rất vất vả."
Khoảnh khắc trên đường đua điền kinh SEA Games
Sức khỏe đời sống