MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nữ nhân viên che ô khi làm việc bị sa thải, đòi bồi thường hơn 1 tỷ đồng: Nghe lý do ai cũng bật cười!

03-10-2023 - 14:05 PM | Sống

Hành động của cô Zhang đã gây ảnh hưởng đến môi trường làm việc.

Cô Zhang (Trung Quốc) làm việc cho một công ty vào tháng 10/2013 với chức vụ Phó phòng quản lý tín dụng. Ngày 24/6 vừa qua, công ty đã lắp đặt rất nhiều camera độ phân giải cao tại khu vực làm việc. Cô Zhang bức xúc cho rằng những chiếc camera này có thể làm lộ đi sự riêng tư của cô. Vì thế cô đã dùng chiếc ô để che chỗ mình ngồi.

Tuy nhiên, công ty lại tin rằng, vị trí đặc biệt của cô Zhang trong tổ chức tài chính khác với công việc thông thường. Dù gì, cô cũng là quản lý cấp trung và việc lắp đặt giám sát camera nhằm đáp ứng các yêu cầu quy định của tổ chức tài chính. Khi thấy hành xử của cô Zhang, giám đốc nhân sự đã nhắc nhở 2 lần nhưng cô nhất quyết che ô trong hơn 10 ngày làm việc tiếp theo.

Đến ngày 17/7, công ty chấm dứt hợp đồng lao động với cô Zhang, lý do là vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. Công ty khiển trách cô nhằm muốn trốn tránh sự quản lý hàng ngày nên đã cố tình che ô lại. Đồng thời, hành vi của cô gây ảnh hưởng tiêu cực đến các nhân viên khác, vi phạm kỷ luật lao động cơ bản cũng như quy tắc ứng xử mà người lao động phải tuân thủ. 

Cô Zhang không đồng tình với cách xử lý của công ty và đã nộp đơn yêu cầu công ty bồi thường 335.124 NDT (khoảng 1,1 tỷ đồng) vì việc chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Công ty không chấp thuận nên sau đó, cô tiếp tục nộp đơn ra toà án. 

Nữ nhân viên che ô khi làm việc bị sa thải, đòi bồi thường hơn 1 tỷ đồng: Nghe lý do ai cũng bật cười! - Ảnh 1.

Cô Zang đã dùng ô để che camera.

Quyết định của toà án như sau:

Người lao động vi phạm kỷ luật, không có thái độ cầu thị sửa chữa. Lần hầu toà đầu tiên, toà án bác bỏ yêu cầu bồi thường của cô Zhang. Cô không hài lòng và kháng cao. Lần hầu toà thứ hai, toà án tiếp tục khẳng định việc công ty lắp đặt camera giám sát văn phòng không sai. Việc cô Zhang cho rằng những bộ phận riêng tư trên cơ thể có thể bị lộ, bị chụp lén là điều phi lý và công ty không phải bồi thường.

Cô Zhang không hài lòng và tiếp tục gửi đơn yêu cầu xét xử lại. Toà án tái thẩm, tập trung vào 2 vấn đề.

1. Về vấn đề công ty lắp đặt camera giám sát tại văn phòng có xâm phạm quyền riêng tư cá nhân hay không? 

Thông báo của công ty về việc sa thải cô Zhang, mục đích lắp đặt camera giám sát là để đảm bảo an toàn cho con người, tài sản nơi làm việc. Và khu vực lắp đặt là nơi công cộng, có nhiều người làm việc với vị trí ở góc trên trần nhà. Hành vi này hợp lý, không có gì sai trái. 

Cô Zhang lại cho rằng, camera với vị trí ngay trên đầu có thể dễ dàng ghi lại sự riêng tư của cô. Tuy nhiên, phân tích chi tiết về các bức ảnh và bằng chứng khác mà cô cung cấp không chứng minh được điều này. Do vậy, toà án không chấp nhận lý do trên. 

2. Về việc cô Zhang có vi phạm kỷ luật lao động nghiêm trọng hay không?

Người lao động có nghĩa vụ chấp hành kỷ luật lao động của công ty. Theo các tình tiết mà toà sơ thẩm tìm thấy, cô Zhang nhất quyết cầm ô ở nơi làm việc hơn 10 ngày để tránh bị giám sát. Trong thời gian này, giám đốc nhân sự đã nhắc nhở cô 2 lần kèm thư cảnh báo. Nhưng cô vẫn không chịu sửa đổi, dù bản thân là quản lý cấp trung. 

Hành vi của cô Zhang không chỉ ảnh hưởng đến trật tự làm việc mà còn gây khó chịu cho những đồng nghiệp xung quanh. Như vậy, công ty chấm dứt lao động của cô là hoàn toàn hợp lý. Còn việc cô Zhang yêu cầu công ty bồi thường do chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là thiếu cơ sở.

Camera được lắp đặt ở nơi làm việc như thế nào là đúng?

Khi một công ty lắp đặt camera trong văn phòng, công ty đó phải đáp ứng các yêu cầu:

- Nhân viên phải được thông báo bằng văn bản hoặc khu vực lắp đặt có biển báo cụ thể.

- Việc giám sát được giới hạn ở các khu vực cụ thể cần thiết cho việc quản lý an ninh, chẳng hạn như lối vào công ty, văn phòng, hội nghị hoặc hành lang. Không được phép giám sát ở những nơi khác như phòng vệ sinh, phòng thay đồ, phòng tắm,… Nếu không, bất kể nhân viên có được thông báo hay không cũng đều bị nghi ngờ là xâm phạm quyền riêng tư cá nhân.

- Doanh nghiệp phải đảm bảo rằng việc lắp đặt và sử dụng camera tuân thủ đúng quy định pháp luật. Họ cũng có trách nhiệm thông báo cho nhân viên về việc sử dụng camera và mục đích của việc này. Đồng thời cần đảm bảo rằng dữ liệu thu thập được bảo mật và chỉ sử dụng cho mục đích công việc.

Theo Ứng Hà Chi

Phụ nữ số

Trở lên trên