MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nữ sinh liệt hai chân 10 năm tìm chữ "trên đôi chân của mẹ"

26-09-2022 - 17:16 PM | Sống

Sinh ra với đôi chân dị tật khiến Thùy không thể đi lại như bao đứa trẻ khác. Suốt 10 năm qua, Thùy tìm chữ trên đôi chân của mẹ, dù vậy nữ sinh chưa bao giờ bỏ cuộc.

Chúng tôi gặp Nguyễn Thị Thùy, cô bé bị liệt đôi chân (17 tuổi) - cựu học sinh Trường THPT Hậu Lộc 4 vào những ngày Thu tháng 9 dịu mát. Căn nhà nhỏ của gia đình em nằm sâu trong con hẻm nhỏ ở làng chài Diêm Phố, thôn Nam Vượng, xã đảo Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa).

10 năm đến trường trên đôi chân của mẹ

Căn nhà chỉ rộng chừng 50m2, bên trong không có đồ vật gì đáng giá nhưng khá ngăn nắp, gọn gàng. Đây cũng là nơi sinh hoạt của 5 thành viên trong gia đình. Thấy có khách vào, Thùy nhanh nhảu chống đôi bàn tay xuống nền nhà, lết cơ thể về phía góc nhà, với chiếc chiếu rồi chải xuống nền nhà, mời khách ngồi.

Xong xuôi, nữ sinh lại lết ra chợ, đong gạo cắm nồi cơm trưa cho mẹ. Mọi công việc được Thùy thực hiện rất thành thục dù đôi chân bị dị tật bẩm sinh khiến cho em không thể đi lại bình thường như bao đứa trẻ khác.

Nữ sinh liệt hai chân 10 năm tìm chữ trên đôi chân của mẹ - Ảnh 1.

Chiếc xe của mẹ chở Thùy đi khắp xóm làng

Ngồi bên con, bà Bùi Thị Tới (52 tuổi, mẹ của Thuỳ) gạt vội dòng nước mắt khi kể về hoàn cảnh éo le của gia đình mình. "Cháu bị dị tật bẩm sinh. Lúc đó, bác sĩ nói bị nhau thai quấn chân nên không thể phát triển bình thường được. Dù gia đình đã vay mượn khắp nơi đưa con đi chữa trị ngoài Hà Nội nhưng điều trị suốt 3 năm vẫn không có hy vọng nên gia đình đành bỏ cuộc", bà Tới nghẹn ngào.

Kể từ lúc chào đời, thế giới của cô bé làng chài Diêm Phố chỉ quanh quẩn trong bốn bức tường chật hẹp. Lên 6 tuổi, Thùy được mẹ chở tới trường mầm non Ngư Lộc học chữ, thế nhưng chứng kiến các bạn ai cũng chạy nhảy tung tăng còn mình không thể đứng được với đôi chân co quắp. Quá tủi thân, cô bé Thùy khóc nức nở quyết không đến lớp sau ít hôm theo học.

Hai năm sau, Thùy được mẹ chở đến lớp học tình thương của bà giáo làng chài Nguyễn Thị Thông xin học với ý nghĩ được chữ nào hay chữ ấy. Thế nhưng, khi chứng kiến nhiều bạn có hoàn cảnh tương tự mình, Thùy dần bỏ được sự mặc cảm, tự ti. Với sự thông minh và sáng dạ, chỉ sau 3 năm theo học lớp tình thương, Thùy được bà giáo dẫn tới trường THCS Ngư Lộc xin đăng ký vào lớp 6.

Nữ sinh liệt hai chân 10 năm tìm chữ trên đôi chân của mẹ - Ảnh 2.
Nữ sinh liệt hai chân 10 năm tìm chữ trên đôi chân của mẹ - Ảnh 3.
Nữ sinh liệt hai chân 10 năm tìm chữ trên đôi chân của mẹ - Ảnh 4.

Được nhà trường tiếp nhận, Thùy trở thành học sinh đặc biệt ở xã đảo Ngư Lộc. Hàng ngày, Thùy được mẹ đạp xe chở đến lớp, dù trời mưa tầm tã hay nắng bỏng rát làn da, bà Tới vẫn đều đặn chở con đến lớp rồi đón con về.

"Nhiều hôm hai mẹ con ướt sũng vì gặp trời mưa, dù vậy cháu vẫn quyết tâm không bỏ buổi học nào", bà Tới nói.

Để có tiền nuôi các con đang tuổi ăn lớn, bà Tới nhận đi bóc tôm, xẻ cá thuê cho các đại lý ở làng chài. Công việc vất vả, nhiều hôm phải làm tới 9 - 10 giờ tối nhưng cũng không đều việc. Trong khi đó, chồng bà tuổi đã gần 60, hay ốm đau nhưng vẫn phải đi biển đánh cá thuê.

"Các chuyến đi biển của chồng tôi thường kéo dài nửa tháng, có chuyến đến cả tháng nhưng thu nhập cũng không được bao nhiêu. Có chuyến chẳng được đồng nào vì chủ tàu phải bù lỗ. Thế nhưng với người dân sinh ra ở làng chài, chúng tôi cũng chỉ biết bám biển mưu sinh", bà Tới bùi ngùi tâm sự.

Theo bà Tới, anh trai đầu của Thùy năm nay đã 31 tuổi nhưng bị bệnh thần kinh nên không thể lao động. Trong khi người anh thứ hai (28 tuổi) hiện đang làm thuê cho quán ăn ở Bắc Giang, thu nhập cũng ít ỏi. Gần như mọi chi tiêu, sinh hoạt trong gia đình đều phụ thuộc vào những chuyến đi biển của chồng và công việc làm thuê của bà.

"Nhìn các con bệnh tật khiến tôi vô cùng mệt mỏi, tủi thân nhưng vì các con tôi cũng chỉ biết động viên bản thân mạnh mẽ vươn lên", bà Tới trải lòng.

Mong ước trở thành lập trình viên

Mặc dù, sinh ra với cơ thể không lành lặn nhưng Thùy luôn nỗ lực vươn lên. Trong suốt những năm học cấp 2, cấp 3, nữ sinh đều đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi, được thầy cô và bạn bè yêu mến.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, Thùy đạt 25,5 điểm ở tổ hợp khối C00 (Ngữ văn: 8,75 điểm; Lịch sử: 8,5 điểm và Địa lý: 8,25 điểm). Mặc dù, đạt số điểm tương đối cao song nữ sinh lại quyết định "bẻ lái" xét tuyển học bạ vào ngành Công nghệ thông tin của Trường Đại học Hà Nội.

Nữ sinh liệt hai chân 10 năm tìm chữ trên đôi chân của mẹ - Ảnh 5.
Nữ sinh liệt hai chân 10 năm tìm chữ trên đôi chân của mẹ - Ảnh 6.

Chia sẻ về quyết định này, Thùy bộc bạch: "Hồi còn bé, em từng có ước mơ sẽ trở thành cô giáo để dạy các bạn nhỏ có hoàn cảnh như mình. Tuy nhiên, khi lớn lên em nhận thấy khiếm khuyết trên cơ thể có thể thành rào cản khiến em không thể thực hiện tốt được ước mơ ấy. Vì vậy, em quyết định chọn ngành Công nghệ thông tin để phù hợp hơn với bản thân mình. Hơn nữa, theo em tìm hiểu thì đây cũng là một ngành khá triển vọng".

Trong lúc chờ đợi thông báo từ trường đại học, mỗi ngày Thùy tranh thủ phụ giúp mẹ làm việc nhà, những lúc rảnh nữ sinh làng biển Nam Vượng dạy các cháu học bài. Thùy cảm thấy vui vẻ vì có thể phụ giúp mẹ được phần nào.

Nghĩ tới hành trình sắp tới, khuôn mặt của nữ sinh làng biển xứ Thanh hiện lên vẻ lo lắng. "Em khá lo vì Công nghệ thông tin là ngành học khó, trong khi việc đi lại của em rất khó khăn, mỗi khi lên xuống cầu thang gần như phải có sự trợ giúp. Lo lắng là vậy nhưng em sẽ không bao giờ bỏ cuộc", Thùy chia sẻ.

Nữ sinh liệt hai chân 10 năm tìm chữ trên đôi chân của mẹ - Ảnh 7.
Nữ sinh liệt hai chân 10 năm tìm chữ trên đôi chân của mẹ - Ảnh 8.

Gia đình dự kiến, sau khi nhà trường có thông báo nhập học, bà Tới sẽ theo con lên giảng đường. Sau 1-2 tháng, khi Thùy đã quen với môi trường học tập mới, bà Tới sẽ về lại quê làm thuê cuốc mướn chu cấp cho con gái ăn học.

"Tôi chỉ mong ước cho con được tiếp tục đi học để có tương lai tươi sáng. Giờ con không may bệnh tật như vậy, sau này khi hai vợ chồng tôi già cả, không biết ai sẽ là người lo cho con", bà Tới khóc nghẹn.

Ông Nguyễn Thành Luân - Trưởng thôn Nam Vượng cho biết: "Gia đình cháu Thùy có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở địa phương. Thường xuyên thuộc diện hộ nghèo hoặc cận nghèo. Những năm qua, chính quyền địa phương và các đoàn thể cũng thường xuyên vào gia đình thăm hỏi, động viên gia đình".


Theo Nhật Minh

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên