"Nữ tướng" FPT Retail: Những ai cùng làm với mình, cùng đi theo mình, thì mình phải đảm bảo quyền lợi cho họ
Nổi tiếng với biệt danh “người đàn bà thép”, CEO Nguyễn Bạch Điệp của FPT Retail, đơn vị chủ quản đứng sau chuỗi cửa hàng FPT Shop, đã chia sẻ về con đường ban đầu gây dựng công ty, những khó khăn gặp phải cũng như định hướng phát triển sắp tới
- 05-05-2017Quy mô lớn nhất Việt Nam nhưng tính theo số máy Galaxy S8 bán trên mỗi cửa hàng, TGDĐ kém rất xa FPT Shop, thậm chí cả CellphoneS
- 29-03-2017Doanh thu thị trường năm nay chỉ tăng 7%, FPT Shop & TGDĐ sẽ làm gì với gần 1.500 cửa hàng họ đã dựng lên?
Từ nhân viên bán hàng không lương…
Thời điểm những năm 90, Nguyễn Bạch Điệp, sinh viên ngành Quản trị kinh doanh, đại học Mở Hà Nội, đã từng thực tập với vị trí bán hàng ở một cửa hàng của FPT. Tại đây, chị có cơ hội rèn luyện kỹ năng lắng nghe cũng như tự đặt mục tiêu cho từng mốc thời gian cụ thể.
“Tôi buộc mình trong một tháng phải biết cách tư vấn để khách hàng chấp nhận mua hàng, làm sao để tăng dần tỷ lệ thành công, rồi tăng dần mục tiêu ấy, chẳng hạn như làm sao để lọt vào danh sách những người bán hàng tốt nhất ở shop, công ty...”, chị chia sẻ.
Trong suốt gần một năm làm việc, dù không nhận được lương thưởng nhưng nét văn hóa tôn trọng sự khác biệt, quý trọng nhân tài đã giúp chị Điệp quyết tâm bám trụ tại FPT. Kết quả là chị được bổ nhiệm lên vị trí quản lý cửa hàng.
Do tuổi đời trẻ và chưa có kinh nghiệm quản lý, thời kỳ đầu, chị gặp khá nhiều sự “chống đối” từ phía nhân viên, một số người thậm chí còn có ý định “lật đổ” người quản lý mới.
“Lúc đó, vừa giận người, vừa giận bản thân, tôi không tránh khỏi bị sốc trong một khoảng thời gian. Trấn tĩnh lại, tôi tìm cách đối thoại và từng bước hướng dẫn, giúp những nhân viên "bất mãn" đạt những mục tiêu công việc đề ra”, chị nói.
Từ vị trí quản lý cửa hàng, sau này chị Điệp đã có cơ hội làm việc tại nhiều công ty khác nhau trong tập đoàn FPT như Công ty Tích hợp hệ thống FPT (FPT IS), Công ty Công nghệ di động FPT, Công ty CP Viễn thông FPT (FPT Telecom) và Công ty TNHH Thương mại FPT (FPT Trading)...,
… đến “nữ tướng” của FPT Retail
Chị Điệp cho biết thực ra FPT Retail được thành lập từ một bộ phận bán lẻ của FPT. Giai đoạn đầu 2012, FPT đã có 5-7 cửa hàng bán lẻ nhưng chủ yếu làm “showroom” cho các hãng, nên chị mạnh dạn đề nghị với tập đoàn thành lập một công ty bán lẻ độc lập. Ngày 1/2/2012, FPT Retail chính thức ra đời nhằm thực hiện đề án chuỗi bán lẻ của tập đoàn.
Thời điểm FPT Retail thành lập, đã có khá nhiều “anh tài” trên thị trường nên công ty quyết định tập trung phát triển quy mô để tạo tiếng vang cũng như lợi thế cạnh tranh. Nhận thấy địa điểm là yếu tố tiên quyết đối với bất cứ cửa hàng bán lẻ nào, chị Điệp cùng một lãnh đạo nữa đã đích thân đi xuống từng địa phương để chọn ra vị trí phù hợp.
“Trong 1 tuần đi hết 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là chuyện bình thường”, chị chia sẻ.
Chị cũng cho biết trung bình từ lúc chưa có gì đến lúc khai trương, chị phải chạy đi chạy lại một địa điểm đến ba lần. Sau này các nhân viên hiểu ý hơn thì họ tự chọn địa điểm, chị cũng không cần đi nhiều nữa.
Trong 2 năm đầu tiên, ngoài áp lực về tìm địa địa điểm, chị Điệp cũng chịu nhiều sức ép khi xây dựng mọi thứ từ con số 0. Ví dụ phải làm sao để nhân viên bình thường đào tạo cần một tháng, thì chỉ cần đào tạo nửa tháng là có thể đứng bán hàng, đáp ứng tốc độ mở chuỗi nhanh. Làm sao để xây dựng quy trình từ trả hàng đến bán hàng, quy trình nhập hàng, luân chuyển hàng giữa các chuỗi, hệ thống phần mềm quản lý hàng hóa, tiền bạc, phát triển website…
Chị cho biết vấn đề nhân sự cũng là một thách thức lớn khi đó là một trong 2 yếu tố chiếm chi phí nhiều nhất của cửa hàng, bên cạnh chi phí về địa điểm. Với các nhân viên cần có chế độ thưởng phạt rõ ràng để vừa khích lệ vừa giúp họ tự phát triển bản thân.
“Mình nghĩ quan trọng nhất là sự chân thành. Khi mình thưởng hay phạt đều phải rõ ràng. Tại sao thưởng, tại sao phạt”.
“Trong quan điểm quản trị của mình, những người cùng làm với mình, cùng đi theo mình thì mình phải đảm bảo quyền lợi cho những người ấy. Đổi lại họ cũng biết là đi với chị Điệp có thể căng thẳng, bị áp lực, đòi hỏi nhiều thứ nhưng qua quá trình ấy họ sẽ trưởng thành”, chị chia sẻ.
Dưới sự lãnh đạo tài tình của chị, từ 2 cửa hàng ban đầu, đến nay FPT Shop đã có 400 cửa hàng trên cả nước. Năm 2014, FPT Retail không chỉ đạt đến điểm hòa vốn như kế hoạch mà còn lãi 40 tỷ đồng.
Năm 2016, FPT Retail trở thành đơn vị có mức tăng tưởng cao nhất FPT. Doanh thu của mảng bán lẻ là 10.585 tỷ đồng, tăng trưởng 35% và lợi nhuận trước thuế là 259 tỷ đồng, tăng trưởng 44,2%, đưa FPT Retail trở thành thế lực lớn thứ hai trong ngành bán lẻ công nghệ.
Nhìn lại khoảng thời gian 5 năm hình thành và phát triển, chị Điệp cho rằng kết quả trên không phải quá tệ. Tuy nhiên khoảng cách giữa FPT Retail và người đứng đầu vẫn còn “quá xa”, nên công ty vẫn phải cố gắng rút ngắn khoảng cách càng nhiều càng tốt.
“Mình không tham vọng ghê gớm đâu. Chỉ đơn giản là thấy còn nhiều thứ phải học. Tại sao họ làm tốt hơn mình, những chỗ này có gì học hỏi không? Giả sử mình đứng đầu thì không còn động lực như vậy rồi”, chị Điệp kết luận.
Chị cho biết trong năm 2017, công ty tiếp tục tập trung mở rộng chuỗi FPT Shop kết hợp với hoàn thiện chất lượng dịch vụ để không đánh mất miếng bánh thị phần trong ngành công nghệ thông tin. Chị cũng đang nghiên cứu mảng kinh doanh mới để đầu tư, tuy nhiên lĩnh vực kinh doanh mới sẽ có cửa hàng "size" nhỏ và vừa tương tự như mô hình của FPT Shop hiện tại, chứ không phải là điện máy.
Trí Thức Trẻ