"Nữ tướng" ngành dược Vũ Thị Thuận: Hành trình 21 năm ở vị trí số 1 thị trường đông dược hiện đại và chặng đường mới ở tuổi U70
Bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Quỹ Đầu tư và Phát triển Nutricare, Ủy viên BCH Hanoisme (Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội), Nguyên chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP Traphaco
Xuất phát điểm với số vốn gần 10 tỷ đồng , sau 20 năm ngồi ghế nóng tại Traphaco, "nữ tướng" Vũ Thị Thuận đã biến một xí nghiệp nhỏ thành công ty đông dược lớn nhất Việt Nam, với doanh thu hơn 2.000 tỷ và lợi nhuận hơn 250 tỷ đồng mỗi năm.
Những năm 2000, khi Luật Doanh nghiệp vừa ra đời, một xí nghiệp dược phẩm và thiết bị vật tư y tế trực thuộc Bộ Giao thông vận tải bắt đầu hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần. Trong khi hầu hết doanh nghiệp dược của các tỉnh tập trung vào sản xuất tân dược, bà Vũ Thị Thuận, nguyên Tổng Giám đốc Traphaco đã quyết định rẽ theo một đường ngách: đưa công nghệ để hiện đại hoá đông dược, biến đinh lăng từ một cây cảnh trở thành nguyên liệu cho công nghiệp dược phẩm, cây trồng làm giàu cho nông dân. Đây chính là nguyên liệu sản xuất sản phẩm Hoạt huyết dưỡng não nổi tiếng.
Sau khi nghỉ tại Traphaco, bà Vũ Thị Thuận vừa đảm nhận vai trò Chủ tịch Quỹ đầu tư của CTCP Dinh dưỡng Nutricare, công ty chuyên về các sản phẩm Dinh dưỡng y học hỗ trợ điều trị. Vị lãnh đạo từng lọt "Top 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất của Forbes Việt Nam" hào hứng chia sẻ về chặng đường sắp tới ở độ tuổi U70.
Chỉ 3 tháng sau khi từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT tại Traphaco, bà đã quyết định đảm nhận vai trò Chủ tịch quỹ của Nutricare. Sau hơn 40 năm công tác, bà có thấy mấy tháng nghỉ ngơi như vậy là quá ngắn?
Đúng ra là 42 năm, trong đó 21 năm ở vị trí CEO và Chủ tịch HĐQT. Tôi bắt đầu nhận nhiệm vụ Tổng giám đốc Traphaco từ năm 2000-2011, xây dựng công ty từ những năm khó khăn nhất đến khi Traphaco trở thành công ty đại chúng và lọt vào Top 50 doanh nghiệp hiệu quả nhất sàn chứng khoán TP HCM.
Năm 2011, mặc dù đến tuổi nghỉ hưu nhưng được sự tín nhiệm của cổ đông, tôi vẫn ở lại làm Chủ tịch HĐQT. Đến năm nay là 2 nhiệm kì và tôi chủ động không ứng cử. Một là lí do sức khoẻ, hai là tôi muốn thời gian tới, dùng kiến thức, kinh nghiệm của bản thân để hỗ trợ cho các doanh nhân trẻ và các công ty trẻ có mong muốn vươn lên mạnh mẽ.
Tại sao tôi đến với Nutricare chỉ sau 3 tháng? Tôi biết các bạn ấy từ khi khởi nghiệp (những năm 2010) bởi một sáng lập viên là người thân của tôi. Ban lãnh đạo Nutricare là những người bạn học cùng nhau từ phổ thông, họ đều là những người có kinh nghiệm kinh doanh trên thương trường, CEO Nguyễn Đức Minh học bác sĩ, thạc sĩ về dinh dưỡng tại Hoa Kỳ, anh Tùng (Phó TGĐ) học dược và có thời gian dài làm việc tại Traphaco,...
Các bạn ấy trẻ, dám xây dựng sự nghiệp thì tôi rất ủng hộ.
Tôi làm Giám đốc Traphaco khi đã 45 tuổi, nên tôi quý trọng những người trẻ tuổi có tri thức, dám chấp nhận sự khắc nghiệt của kinh tế thị trường. Họ là những người dũng cảm và có như thế chúng ta mới có nhiều doanh nghiệp tốt.
PV: Là nữ tướng 21 năm của Traphaco, giờ trong vai trò mới là Chủ tịch Quỹ đầu tư và Phát triển của Nutricare, định hướng của bà tới đây như thế nào?
Vì đã theo dõi sự phát triển của Nutricare trong 10 năm, tôi quyết định nhận lời mời về làm Chủ tịch quỹ đầu tư và Đại sứ thương hiệu sản phẩm cho người lớn của Nutricare chính thức vào tháng 7 vừa qua.
Đội ngũ lãnh đạo muốn tôi đảm nhận vai trò Chủ tịch quỹ với nhiệm vụ tư vấn cho thế hệ kế tiếp triển khai các dự án trọng điểm của công ty.
Từ năm 2021, Nutricare sẽ chuyển sang giai đoạn "đổi mới vươn tầm". Chúng tôi có một số dự án quan trọng và hình thành Quỹ từ vốn đầu tư để lại, đội ngũ lãnh đạo muốn tôi đảm nhận vai trò Chủ tịch quỹ với nhiệm vụ tư vấn cho thế hệ kế tiếp triển khai các dự án trọng điểm của công ty như dự án phát triển nguồn nguyên liệu ở Vĩnh Phúc và xây dựng nhà máy sữa trong Nam, thúc đẩy lộ trình IPO và làm mới văn hóa doanh nghiệp.
Đến tuổi này sức khoẻ là ưu tiên số một, nhưng tôi đến với Nutricare vì tình yêu và trân trọng sứ mệnh họ đang theo đuổi đó là xây dựng một hệ sinh thái y dưỡng chăm sóc sức khoẻ cộng đồng.
PV: Bà đánh giá sao về định hướng phát triển hiện tại của Nutricare và liệu mục tiêu công ty đặt ra có khả thi?
Tôi thấy hướng đi của Nutricare rất giống thời khởi nghiệp của Traphaco. Năm 2000 khi hầu hết các doanh nghiệp dược tỉnh và trung ương sản xuất tân dược thì Traphaco đi vào hiện đại hoá đông dược. Từ số 0, chúng tôi đã đi vào một cái ngách của thị trường dược phẩm, khó khăn đấy, đi đường mòn đấy nhưng chúng tôi đã thành công. Đến nay, vốn hoá thị trường của Traphaco hơn 3.000 tỷ, có lúc cao điểm lên đến 5.000 tỷ, vốn điều lệ hơn 400 tỷ là gấp mấy chục lần rồi.
Trong khi đó Nutricare đi theo hướng dinh dưỡng y học, một ngách của thị trường sữa. 10 năm qua, Nutricare cũng duy trì mức tăng trưởng bình quân 40%/năm. Năm 2018 và 2020 Nutricare được nhà nước công nhận là Thương hiệu Quốc gia và Thương hiệu duy nhất về Dinh dưỡng y học với các sản phẩm cho trẻ thấp còi, cho người tiểu đường, người cần hồi phục sức khỏe sau ốm, sau phẫu thuật…
Mỗi anh chọn một quy mô, các ông sữa lớn đã có chỗ đứng trên thị trường. Xã hội có nhu cầu thì mình làm, tại sao không? Như tại Nutricare hiện nay, tôi tin là nếu khởi nghiệp mình làm nghiêm túc thì dù có đi từ thị trường ngách vẫn có đất phát triển. Họ đều là những nhà khoa học trở thành doanh nhân như tôi. Nên tôi trân trọng họ và lĩnh vực tôi có kinh nghiệm thì sẽ giúp họ.
Nhìn lại sự nghiệp hơn 40 năm vừa rồi bà có cảm thấy mình là người được thời?
Tôi nghĩ mình cũng có gặp may mắn, "gặp thời một tốt cũng thành công" chưa kể chúng tôi được đào tạo đầy đủ. Giai đoạn năm 2000, ít người hiểu về cổ phần hoá, nhưng Traphaco là một trong các doanh nghiệp tiên phong.
May là cơ hội đến và được tập thể giao, tôi cũng nhạy bén với thời buổi mới. Mặc dù học cao học dược nhưng khi nhận nhiệm vụ giám đốc, tôi đã hoàn thành tất cả các chứng chỉ về quản trị, kinh tế, học ngoại thương để làm nhiệm vụ… Với sự nỗ lực và kiến thức của mình góp phần đưa Traphaco phát triển từ nhỏ đến lớn, tăng trưởng mấy trăm lần. Đó cũng là một doanh nghiệp đặc biệt.
Thời điểm khó khăn nhất trong sự nghiệp của bà?
Để chuẩn bị niêm yết năm 2008, năm 2007 Traphaco phải kiểm toán 5 năm liền trước đó. Hồi đấy nghĩ kiểm toán như thanh tra, mình làm thật thà thì ai kiểm tra nhưng khi lên sàn phải kiểm toán, rồi xây dựng phương án sử dụng tiền phát hành, tổ chức roadshow giới thiệu công ty... Khối lượng công việc nhiều kinh khủng.
Bố mẹ tôi là thầy lang, đó là kinh tế gia đình nên từ bé tôi đã hiểu, làm thế nào giữ được uy tín, kinh doanh thuốc không thể cẩu thả.
Quan điểm của tôi là làm gì thì làm không được sai pháp luật, thuế má từ đầu rõ ràng, 11 năm làm tổng giám đốc không biết từ đáo hạn ngân hàng là gì và luôn cố tình cho ngân hàng nhìn vào dòng tiền của doanh nghiệp, có thời điểm Traphaco vay đến 70% vốn. Năm 2004 khánh thành nhà máy 58 tỷ, 2007 thành lập một công ty con 100 tỷ, cứ thế trong 10 năm xây dựng vùng nguyên liệu tại Sapa, chia năm xẻ bảy phát triển từ 300 lên 1000 người. Tại sao lại không biết đáo hạn vì lúc đấy tôi muốn ngân hàng giám sát mình. Cuối giờ các chi nhánh chỉ giữ lại 50 triệu tiền mặt còn tất cả giao dịch tiền chuyển về tài khoản công ty mẹ ở Hà Nội, một tháng giao dịch 100 tỷ tại sao họ không cho tôi vay 50 tỷ? Mình không thể lấy tiền ngân hàng này trả ngân hàng kia. Không biết đó là khôn hay dại.
Lãnh đạo doanh nghiệp trên sàn chứng khoán có thể mua gom cổ phiếu, thậm chí "đánh lên đánh xuống"… Bà rời ghế Chủ tịch Traphaco chỉ với 1% cổ phần thì có phải là thiệt thòi quá không?
Tôi muốn mọi người cùng tham gia làm cổ đông, và mình thì gương mẫu không gom cổ phiếu. Hãy để cho mọi người đều có tài sản, để mọi người cùng đóng góp thì cùng được hưởng. Khi Traphaco lên sàn thì không có nhiều tiền để mua, muốn giàu nhanh thì phải mua đi bán lại cổ phiếu, tiền đâu mà mua mãi, phải bán đi chứ, còn cổ tức thì bao nhiêu mới đủ. Mình thì không làm thế, lúc đấy chỉ "cắm đầu" xây dựng công ty lớn mạnh. Kinh doanh chứng khoán mệt lắm, những gì mình có quá nhiều rồi. Tôi dành thời gian cho hoạt động xã hội, các tổ chức giảng dạy, muốn cống hiến chia sẻ với các bạn trẻ kinh nghiệm để các bạn khỏi vấp.
Thường người ta nói kinh doanh đông y thu gom bằng tấn và bán bằng cân tiểu ly, biên lợi nhuận rất lớn, bà thấy có đúng không?
Đông y khó hơn tân dược rất nhiều vì tân dược lý hoá rõ ràng, nguyên liệu toàn nhập khẩu chứ VN đã sản xuất được nguyên liệu đâu. Đông dược sản xuất từ thô nhưng để con người hiện đại chấp nhận không dễ. Như ông lang chỉ bán cho quanh hàng xóm, còn công ty dược bán cho cả trăm triệu người. Hiện đại hoá đông dược chuyển thô thành tinh, không đơn giản. Chứng minh đông được để có giá trị như tây dược rất khó. Bác sĩ hiện nay được đào tạo theo hướng tây hoá, ngại dùng đông dược. Nhưng nay họ cũng đã hiểu.
Ngành dược VN chỉ ở mức trung bình của thế giới, hầu như không có phát minh. Nhưng chúng ta có lợi thế về nền y học cổ truyền, có sự phong phú, đa dạng về cây thuốc. Traphaco đã phải mất nhiều năm để xây dựng niềm tin của xã hội vào thuốc chiết xuất từ đông dược.
Forbes Việt Nam đã 2 năm liền bầu chọn bà vào Top50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam, bà có thấy mình là một người quyền lực không?
Bạn đến Traphaco hỏi chắc không ai sợ tôi (cười), đấy là phong cách từ lâu vì tôi luôn đặt cái chung lên trước. Tôi xuất phát từ Phó Giám đốc kiêm Chủ tịch công đoàn, nếu một người lãnh đạo hiểu nhân viên cần gì thì quá tốt, đáp ứng được họ thì bảo họ gì cũng làm. Phong cách của tôi là không xa rời người lao động, không gây áp lực mà tạo điều kiện để cấp dưới hoàn thành nhiệm vụ, điều hành là đồng hành. Rõ ràng khi mình lãnh đạo mà cán bộ nhân viên ủng hộ và thực hiện mục tiêu mình đặt ra là hiệu quả của quyền lực, quyền lực ở đây phải hiểu quyền lực cứng và quyền lực mềm.
Một ngày đi làm trước đây của một "nữ tướng ngành dược" sẽ như thế nào?
Mặc dù là Chủ tịch thường trực nhưng tôi luôn ý thức hình ảnh và tấm gương, luôn đến văn phong đúng giờ, 7h30 là có mặt, hội họp bao giờ cũng đến trước để các bạn thấy ai đó chưa đúng giờ, cho dù giờ giấc là một cái khó khăn đối với người lớn tuổi. Một tổ chức phải có kỷ luật thì mới mong phát triển được. Đấy là ý thức, là Văn hóa doanh nghiệp
Tôi là chủ tịch khác với các chủ tịch khác. Chủ tịch không nắm giữ nhiều cổ phiếu, Chủ tịch chi phối thì ngồi đâu cũng là sếp nhưng tôi không nghĩ đến quyền đại diện vốn. Chủ tịch là người xứng đáng với vị trí đối nội đối ngoại, với anh em, tham gia chủ động sao cho điều hành hoạt động hiệu quả nhất.
Văn hoá học hỏi, có thể học để cho mọi người học theo, tôi lớn tuổi tại sao vẫn học, kiến thức là vô biên, học không phải vài câu lý thuyết mà là vấn đề ý thức, vấn đề làm gương rất quan trọng.
Câu hỏi cuối cùng, theo bà, trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài và tác động mạnh như hiện tại, "vaccine" nào sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua thời kỳ khó khăn này?
Hiện nay, nhiều người nói chuyển đổi số là một loại "vaccine" cho doanh nghiệp, nhưng theo tôi, đó chỉ là động lực, là một giải pháp để nâng cao năng suất lao động và khắc phục các hạn chế do giãn cách xã hội gây ra chứ không hẳn là vaccine. Mà vaccine chính là văn hóa doanh nghiệp với các giá trị tạo nên sức mạnh từ bên trong của doanh nghiệp. Sự chia sẻ, gắn kết giữa các thành viên trong nội bộ doanh nghiệp và giữa các doanh nghiệp với nhau, cũng như sự chia sẻ với cộng đồng để tạo ra sức đề kháng tốt hơn, cùng vượt qua đại dịch.
Xin cảm ơn bà.