MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Nửa cân bằng 1 cân thịt lợn” – Chê món này công nghiệp, thiếu vệ sinh nhưng người Trung Quốc vẫn than vãn về giá?

16-10-2023 - 14:55 PM | Lifestyle

Món ăn vặt công nghiệp này thường được bán đầy rẫy ở cổng trường học và các tạp hóa.

Món ăn công nghiệp thiếu vệ sinh?

Có thể bạn chưa từng nghe đến cái tên Liu Weiping nhưng nếu là một “con nghiện” món tăm cay (tại Trung Quốc được gọi là dải cay) chắc hẳn bạn đã từng ăn những sản phẩm dưới thương hiệu Weilong.

Vào năm 2001, Liu Weiping đã sáng lập ra thương hiệu hiện đang chiếm phần lớn thị trường dải cay Trung Quốc. Với doanh thu thường niên lên tới 50 tỷ nhân dân tệ, Weilong đã biến Liu Weiping đã trở thành tỷ phú.

Được sản xuất công nghiệp và với giá thành nguyên liệu thấp nên giá dải cay Trung Quốc rất rẻ, có những loại chỉ 1 nhân dân tệ (khoảng 3,3 nghìn đồng). Nhưng điều đó không đúng với dải cay Weilong khi giá bán lẻ sản phẩm rẻ nhất của họ đã là 5 nhân dân tệ (khoảng 16,7 nghìn đồng).

Dải cay Weilong không chỉ phổ biến ở các nước Đông Á và Đông Nam Á, chúng thậm chí còn được xuất khẩu sang Mỹ và được bán với giá 12 USD (khoảng 293 nghìn đồng), mức giá khó có thể nói là rẻ.

Mặc dù Weilong và Lao Ganma (một thương hiệu tương ớt) đã thực sự làm người dân Trung Quốc “mở mày mở mặt” nhưng trong mắt họ, việc sản xuất loại thực phẩm này không mấy hợp vệ sinh – dù điều đó không ảnh hưởng tới cám dỗ trong việc mua một gói.

“Nửa cân bằng 1 cân thịt lợn” – Chê món này công nghiệp, thiếu vệ sinh nhưng người Trung Quốc vẫn than vãn về giá? - Ảnh 1.

Dải cay Weilong được đóng gói tự động

Dải cay Weilong có hợp vệ sinh?

Một điều có thể khẳng định là việc dải cay Weilong có thể thâm nhập các thị trường khó tính như Đông Bắc Á và Mỹ cho thấy không có vấn đề về vệ sinh trong quá trình sản xuất.

Trong bối cảnh thị trường Trung Quốc có rất nhiều nhà sản xuất dải cay, Weilong đã nổi bật với các quảng cáo về quy trình sản xuất luôn đặt chất lượng lên hàng đầu, mang đến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh cho người tiêu dùng.

Theo Weilong tuyên bố, họ chọn bột mì từ “vùng sản xuất vàng” ở phía Bắc Trung Quốc, dầu đậu nành hạng nhất, hạt tiêu Cam Túc, thì là Tân Cương…

Về công nghệ, nhà sản xuất Trung Quốc nhấn mạnh vào việc sử dụng dầu nhưng không chiên, 0 axit béo chuyển hóa, và 0 chất tạo ngọt cyclamate, đồng thời đã đạt được tiêu chuẩn thực phẩm từ nhiều quốc gia.

Về sản xuất, Weilong tuyên bố rằng từ năm 2014 họ đã trang bị các dây truyền sản xuất vô trùng và hoàn toàn tự động.

Vào tháng 8/2022, một nhóm phóng viên của kênh truyền hình CCTV Trung Quốc đã đến thăm một nhà máy của Weilong và ghi hình toàn bộ quy trình nghiên cứu và phát triển (R&D), kiểm tra nguyên liệu, sản xuất và kiểm soát chất lượng.

Chính vì việc công khai sản xuất đã khiến Weilong nhận được sự tin tưởng của người tiêu dùng dù giá thành cao hơn so với các thương hiệu cạnh tranh khác.

“Nửa cân bằng 1 cân thịt lợn” – Chê món này công nghiệp, thiếu vệ sinh nhưng người Trung Quốc vẫn than vãn về giá? - Ảnh 2.

Dây chuyền sản xuất tự động của Weilong.

Dải cay Weilong nay còn đắt hơn thịt?

Trong 1 bài viết được Sohu đăng tải vào đầu tháng này, cây viết “Xin Huanghe” đã trực tiếp kiểm tra giá bán của các loại dải cay Trung Quốc.

Có khá nhiều loại dải cay bao gồm những loại “không được kiểm định chất lượng” có giá 2,9 nhân dân tệ cho 100 gam, và loại cùng cân nặng của Weilong là 9,9 nhân dân tệ - có một khoảng cách lớn.

Giá bán buôn dải cay Weilong trong nửa đầu năm 2023 là 20,8 nhân dân tệ/kg – mức tăng vọt so với 18,1 của năm 2022 và 14,3 của năm 2019.

Gần đây Weilong cũng ra mắt một sản phẩm mới có tên “Badao Xiongmao” (Gấu trúc bá đạo) được cho là cay hơn các sản phẩm truyền thống với giá mỗi 500 gam tương đương với 27,7 nhân dân tệ (92,7 nghìn đồng).

Và giá bán này cũng là lý do nhiều cư dân mạng Trung Quốc châm biếm rằng nửa cân dải cay đủ để mua 1 cân thịt lợn. Lý do đến từ đâu?

“Nửa cân bằng 1 cân thịt lợn” – Chê món này công nghiệp, thiếu vệ sinh nhưng người Trung Quốc vẫn than vãn về giá? - Ảnh 3.

Sản phẩm mới “Badao Xiongmao” của Weilong.

Cây viết “Xin Huanghe” cho rằng mức độ tăng giá hàng năm của Weilong đạt khoảng 27% thậm chí còn vượt xa mức tăng 10% đến 20% hàng năm của các mặt hàng xa xỉ như túi Louis Vuitton này là có lý do.

Vấn đề không đến từ chi phí nguyên liệu, mặc dù bột mì có tăng vào năm 2022 nhưng nó vẫn ổn định trong năm qua. Ngoài ra việc tự động hóa sâu cũng đã khiến xu hướng tăng chi phí nhân công không ảnh hưởng nhiều tới giá thành sản phẩm.

Từ góc độ thị phần, Weilong hiện đứng đầu ngành, nhưng thị phần chỉ chiếm 5,7%. Họ vẫn chưa có lợi thế dẫn đầu tuyệt đối và vị trí dẫn đầu trong ngành cũng không ổn định. Tuy nhiên họ vẫn phải tăng giá để tăng lợi nhuận.

Tất cả nhằm giữ giá cổ phiếu ổn định do chỉ mới được niêm yết tại thị trường chứng khoán Hong Kong từ cuối năm 2022.

Vấn đề là hành động mang tính chiến lược này có thể gây hại cho người tiêu dùng. Ban đầu những người không mấy nhạy cảm về giá sẽ trả tiền, nhưng khi nhận ra điều gì đó họ sẽ chuyển sang sản phẩm khác - dù để thay đổi thói quen sẽ mất khá nhiều thời gian.

Theo Hoài Giang

Phụ nữ mới

Trở lên trên