MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nửa chung cư Hà Nội chưa bàn giao phí bảo trì, đề nghị chuyển cơ quan điều tra

18-06-2019 - 13:06 PM | Bất động sản

Theo Bộ Xây dựng, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có hơn một nửa chung cư thương mại chưa bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung cho Ban quản trị. Trước thực trạng trên, Bộ này kiến nghị chuyển cơ quan điều tra để xử lý nghiêm những trường hợp chiếm dụng phí bảo trì trái quy định.

Bộ Xây dựng vừa có báo cáo gửi UBND TP Hà Nội về công tác quản lý Nhà nước về quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP Hà Nội.

Theo Bộ Xây dựng, việc xử lý các tranh chấp phát sinh trong quản lý nhà chung cư còn chậm, hiệu quả chưa cao do các cấp chính quyền cơ sở, các Sở, ngành chưa vào cuộc hoặc vào cuộc nhưng không đạt yêu cầu; chưa xử lý, giải quyết dứt điểm những vụ việc thuộc thẩm quyền.

Bộ Xây dựng nêu số liệu, hiện trên địa bàn thành phố vẫn còn số lượng rất lớn chung cư (254/492 chung cư thương mại, chiếm 52%; 33/82 chung cư tái định cư, chiếm 40%) chưa bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung cho Ban quản trị, trong đó phát sinh 39 trường hợp chung cư thương mại có tranh chấp về kinh phí bảo trì này.

100/492 (chiếm 20%) chung cư thương mại, 35/82 (chiếm 43%) chung cư tái định cư chưa bàn giao được Hồ sơ nhà chung cư cho Ban quản trị; 154/492 (chiếm 31,3%) chung cư thương mại chưa bàn giao diện tích sở hữu chung cho Ban quản trị, trong đó có 23 trường hợp (chiếm 4,7%) phát sinh tranh chấp về diện tích chung – riêng.

Ngoài ra, vẫn còn số lượng khá lớn chung cư (253/745 chung cư thương mại, chiếm 34%; 60/153 chung cư tái định cư, chiếm 29%) chưa tổ chức được Hội nghị của nhà chung cư và thành lập Ban quản trị; Công tác PCCC vẫn còn nhiều tồn tại...

Việc chậm trễ bàn giao quỹ bảo trì là nguyên nhân chính dẫn đến "bùng nổ" tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân.

Trước thực trạng trên, Bộ Xây dựng kiến nghị chuyển cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo quy định đối với các chủ thể có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư, đặc biệt là hành vi chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư trái quy định của pháp luật.

Đồng thời kiến nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn. Trong đó cần tập trung xem xét, giải quyết đối với các chung cư đang có tranh chấp như: Hồ Gươm Plaza, Star City 81 Lê Văn Lương, Goldmark City, một số dự án của doanh nghiệp tư nhân Điện Biên, Usilk City…

Liên quan đến vấn đề chủ đầu tư "om" phí bảo trì, được biết, năm 2018, UBND TP. Hà Nội đã ban hành văn bản yêu cầu 19 chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì 2% cho Ban quản trị; ban hành 2 Quyết định cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì 2% đối với 2 Chủ đầu tư là Vinaconex 3, Sông Đà Thăng Long; thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng 13 chủ đầu tư có vi phạm về quản lý, sử dụng nhà chung cư.

Mới đây, trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về tình trạng chiếm đoạt quỹ bảo trì chung cư, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, Thanh tra Sở xây dựng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra 92 dự án chung cư; xử phạt vi phạm hành chính 5,5 tỷ đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với 2 chủ đầu tư đã tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần diện tích chung nhà chung cư .

“Qua thanh tra chưa phát hiện trường hợp lạm dụng tín nhiệm quỹ bảo trì chung cư, đến nay chưa chuyển vụ việc nào sang cơ quan điều tra”, Bộ trưởng Xây dựng nói.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, hành vi chiếm đoạt quỹ bảo trì chung cư đã cấu thành tội phạm. Việc Thanh tra Xây dựng không phát hiện ra chứng tỏ “hoặc là năng lực yếu hoặc không làm hết trách nhiệm.

Theo Đình Phong

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên