MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nửa năm, láng giềng tuyên bố FDI tăng mạnh, Việt Nam gấp 5 lần

Láng giềng ghi nhận vốn đầu tư nước ngoài đạt 3,2 tỷ USD trong 6 tháng 2024, gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.

Khmer Times dẫn báo cáo từ Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC) cho biết CDC đã phê duyệt 3,2 tỷ USD đầu tư nước ngoài cho 190 dự án trong sáu tháng đầu năm 2024, gần gấp đôi (tăng 194%) so với mức đầu tư 1,1 tỷ USD được ghi nhận trong cùng kỳ năm ngoái.

Theo đó, cơ quan này đã phê duyệt 190 dự án đầu tư. Và khoản đầu tư mới dự kiến sẽ tạo ra khoảng 168.572 việc làm.

Các dự án được đầu tư mới vào nhà máy sản xuất điện tử, nhà máy lắp ráp xe đạp điện - xe máy, nhà máy thép, nhà máy dệt may, cùng nhiều dự án khác.

CDC cho biết Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu vào Campuchia, đóng góp 42,64% tổng vốn đầu tư trong giai đoạn này. Tiếp theo là đầu tư từ Singapore, Việt Nam, Ấn Độ, Hàn Quốc, Malaysia, Úc, Canada và Nhật Bản.

Nửa năm, láng giềng tuyên bố FDI tăng mạnh, Việt Nam gấp 5 lần- Ảnh 1.

Trung Quốc vẫn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Campuchia.

Ông Lim Heng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Campuchia, cho rằng diễn biến tích cực này là do niềm tin của nhà đầu tư tăng cao nhờ sự ổn định chính trị, môi trường hòa bình và mạng lưới các hiệp định thương mại tự do (FTA) của Campuchia.

Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Campuchia nói với Khmer Times: “Các FTA của Campuchia với Trung Quốc, Hàn Quốc và việc nước này tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) khiến nước này trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài”.

Ông nói thêm: “Những thỏa thuận này mang lại khả năng tiếp cận thị trường rộng rãi, chính sách thuận lợi và tiềm năng tăng trưởng đáng kể”.

Ông Sun Chanthol, Phó Chủ tịch thứ nhất CDC, cho rằng với lực lượng lao động trẻ – chiếm 60% trong tổng số gần 17 triệu dân dưới 35 tuổi – Campuchia có lợi thế hơn các nước khác.

“Điều đặc biệt hơn nữa là chính phủ hoàn toàn hỗ trợ khu vực tư nhân vì nó đã thúc đẩy nền kinh tế Campuchia hướng tới tầm nhìn trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia có thu nhập cao vào năm 2050”, ông Chanthol nói.

Năm 2024: Việt Nam có thể hút FDI đến 40 tỷ USD

Với Việt Nam, trong 6 tháng đầu 2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 15,19 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu của Tổng cục Thống kê; tức gấp gần 5 lần Campuchia ở giai đoạn này.

Trong số 57 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 4,01 tỷ USD, chiếm 42,1% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) 1,18 tỷ USD, chiếm 12,4%; Trung Quốc 1,01 tỷ USD, chiếm 10,6%; Nhật Bản 979 triệu USD, chiếm 10,3%; Thổ Nhĩ Kỳ 730,1 triệu USD, chiếm 7,7%; Đài Loan (Trung Quốc) 529,8 triệu USD, chiếm 5,6%.

Mới đây, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho hay ghi nhận rất nhiều dự án mới, quy mô lớn được đầu tư và mở rộng.

Đối với kỳ vọng của 6 tháng cuối năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kỳ vọng hết sức lạc quan, không chỉ đánh giá của các cơ quan trong nước mà kể cả phía nước ngoài đánh giá.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, đánh giá của các tổ chức tài chính trong và ngoài nước về triển vọng thu hút FDI, xu hướng tích cực vẫn được duy trì nhờ 3 yếu tố hết sức quan trọng.

Thứ nhất, chiến lược đa dạng hóa thích ứng của các nhà đầu tư. Xu thế này đã được thực hiện sau Covid-19, đây cũng là cơ hội để Việt Nam đón nhận vốn đầu tư của thế giới.

Nửa năm, láng giềng tuyên bố FDI tăng mạnh, Việt Nam gấp 5 lần- Ảnh 2.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kỳ vọng hết sức lạc quan cho 6 tháng cuối 2024.

Thứ hai, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở quý I rất khả quan và người ta sẽ kỳ vọng rất nhiều vào nền kinh tế có sức phục hồi lớn, đây sẽ là yếu tố tốt để tác động đầu tư.

Thứ ba, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là khó khăn từ bên ngoài liên quan đến vấn đề giá cả một số mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới nhưng kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định; chỉ số CPI vẫn ở mức khoảng 4% trong phạm vi mục tiêu Quốc hội đề ra. Chỉ số lạm phát ở mức hơn 2%, cho thấy nền kinh tế vĩ mô ổn định. Đây là điều quan trọng nhà đầu tư rất cần để đầu tư được bảo đảm.

Điều tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với nền kinh tế của Việt Nam vẫn đang rất tích cực, thể hiện mong muốn được tiếp tục đầu tư ở Việt Nam. Qua đó, chúng ta có thể kỳ vọng thu hút đầu tư vốn FDI cả năm 2024 vẫn cố gắng đạt khoảng 39-40 tỷ USD, tương đương hoặc cao hơn chút so với cùng kỳ năm 2023, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Theo Dy Khoa

Đời sống và Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên