MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nước cam tốt như thang thuốc bổ nhưng lại có hại với 7 đối tượng sau đây

20-05-2021 - 11:42 AM | Sống

Một số đối tượng được khuyên không nên uống nhiều nước ép cam vì hại nhiều hơn lợi, chưa thấy bổ dưỡng đâu đã thấy mang bệnh thêm vào người.

Một cốc nước cam tốt như thang thuốc bổ. Thật đúng như vậy, ngoài vai trò là một thức uống giải khát, nước cam còn là một loại nước cung cấp nhiều vitamin C, chất dinh dưỡng và các khoáng chất cần thiết, giúp tăng cường năng lượng, nâng cao sức đề kháng. Đó là lý do vì sao khi ốm, bác sĩ thường khuyên chúng ta nên ăn nhiều cam.

Nước cam tốt như thang thuốc bổ nhưng lại có hại với 7 đối tượng sau đây - Ảnh 1.

Nước cam là một loại nước cung cấp nhiều vitamin C, chất dinh dưỡng và các khoáng chất cần thiết...

Nước cam có thể xuất hiện trong bữa sáng hoặc sau một buổi tập thể dục mệt mỏi. Nhiều người cũng thích lưu trữ nước cam trong một chiếc bình và nhấm nháp chúng cả ngày để nhận về tác dụng giảm cân do nước cam không có chất béo, chứa lượng calo cực thấp. Tuy nhiên, dù nước cam ngon và tốt như thế nhưng chẳng phải ai cũng biết cách uống sao cho đúng để tận dụng trọn vẹn tất cả dinh dưỡng của nó. Đặc biệt, một số đối tượng được khuyên không nên uống nhiều nước ép cam vì hại nhiều hơn lợi, chưa thấy bổ dưỡng đâu đã thấy mang bệnh thêm vào người.

7 đối tượng không nên uống nhiều nước cam

1. Người mới phẫu thuật dạ dày, ruột: Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội), trong Đông y, cam vị chua ngọt, nhiều axit citric nên những người mới phẫu thuật dạ dày, ruột có vết mổ chưa hồi phục nên thận trọng khi uống nước cam quýt để tránh hiện tượng chảy máu ở chỗ vết thương.

2. Người bị viêm loét dạ dày tá tràng: Vì trong nước cam chứa axit, các chất hữu cơ làm tăng axit trong dạ dày, gây chứng ợ nóng (nhói tim) và khiến tình trạng viêm loét thêm trầm trọng.

3. Người có bệnh về đường tiêu hóa: Không nên uống nhiều nước cam vì có thể gây hại cho hệ tiêu hóa và gây ra tiêu chảy.

Nước cam tốt như thang thuốc bổ nhưng lại có hại với 7 đối tượng sau đây - Ảnh 2.

Cam vị chua ngọt, nhiều axit citric nên những người mới phẫu thuật dạ dày, ruột có vết mổ chưa hồi phục nên thận trọng khi uống nước cam quýt.

4. Người đang đói: Nước cam nhiều axit, uống lúc bụng đói sẽ có thể làm loét dạ dày.

5. Người đang uống thuốc, đặc biệt là kháng sinh: Thành phần axit trong nước cam có thể phá vỡ cấu trúc hóa học của thuốc, khi đó thuốc kháng sinh sẽ không còn tác dụng kháng khuẩn, bệnh nhân có nguy cơ nhiễm khuẩn kéo dài.

6. Người bị bệnh thận: Việc dùng quá nhiều nước ép cam có thể dẫn đến việc tiêu thụ nhiều vitamin C và tăng acid oxalic chuyển hóa trong cơ thể, điều này sẽ dẫn đến sỏi tiết niệu và sỏi thận.

7. Người vừa uống sữa: Protein trong sữa sẽ phản ứng với axit tartaric và vitamin C có trong cam, như vậy sẽ ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa, thậm chí gây chướng bụng, đau bụng, tiêu chảy...

Vậy uống nước cam như thế nào là đúng cách?

Theo các chuyên gia, thời điểm thích hợp nhất để uống nước cam là khi bạn không cảm thấy no cũng không quá đói. Thường thì nó sẽ là khoảng 1-2 giờ sau khi ăn. Tốt nhất là uống sau bữa ăn sáng vì loại nước này có nhiều dưỡng chất như khoáng chất, sắt, vitamin và các nguồn dưỡng chất khác… sẽ giúp chúng ta nạp đầy năng lượng cho cả một ngày hoạt động năng suất.

Nước cam tốt như thang thuốc bổ nhưng lại có hại với 7 đối tượng sau đây - Ảnh 3.

Thời điểm thích hợp nhất để uống nước cam là khi bạn không cảm thấy no cũng không quá đói.

Nước cam sau khi ép nên để ở ngăn mát một lúc sau đó mới sử dụng sẽ giúp cơ thể có thể hấp thụ nhiều chất chống oxy hóa hơn nước ép tươi.

Nước cam chứa nhiều vitamin C xong không nên lạm dụng, đàn ông chỉ nên bổ sung khoảng 90mg vitamin C trong khi nữ giới chỉ cần khoảng 75mg vitamin C mỗi ngày. Lượng này tương đương 1 trái cam vừa phải với kích thước có đường kính khoảng 4-5 cm.

Theo Tiểu VY

Pháp luật và bạn đọc

Trở lên trên