Nước mắm truyền thống có quyền khởi kiện Vinastas
Nếu quá trình điều tra phát hiện những cá nhân cụ thể tham gia vào việc thông tin sai sự thật về nước mắm, họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
- 24-10-20165 Bộ cùng thanh tra hoạt động và truy việc nhận tài trợ của Vinastas
- 24-10-2016Phải tìm ra ai đứng sau Vinastas
- 22-10-2016Thủ tướng chỉ đạo xem xét VINASTAS quanh thông tin nước mắm
Việc Vinastas công bố thông tin 67% mẫu nước mắm do hội này khảo sát bị nhiễm asen vượt mức cho phép đã khiến người tiêu dùng hoang mang, gây thiệt hại cho các cá nhân, doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh nước mắm trong cả nước. Đến ngày 22-10, thông tin trên bị bác bỏ khi Bộ Y tế công bố kết quả 247/247 (100%) mẫu nước mắm lấy tại năm tỉnh, thành hoàn toàn không có asen vô cơ (thạch tín) vượt ngưỡng.
Với hành vi thông tin sai sự thật, Vinastas và các cá nhân liên quan có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý như thế nào?
Thứ nhất, về xử phạt vi phạm hành chính, việc công bố thông tin sai sự thật của Vinastas có thể xem là hành vi truyền thông về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật. Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính từ 5 triệu đến 10 triệu đồng và có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như buộc thu hồi để tiêu hủy tài liệu, ấn phẩm vi phạm (căn cứ theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 27 Nghị định 178/2013 về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm).
Trường hợp có một bên thứ ba là DN khác thao túng vấn đề này thì đây được coi là một hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo quy định Luật Cạnh tranh 2004. Điều 43 Luật Cạnh tranh 2004 quy định: “Cấm DN gièm pha DN khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của DN đó”. Và DN “đứng sau” có hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 triệu đến 50 triệu đồng.
Nếu hành vi vi phạm được thực hiện trên phạm vi từ hai tỉnh, TP trực thuộc trung ương trở lên thì mức phạt sẽ nâng lên thành 50 triệu đến 100 triệu đồng. Các hình thức xử phạt bổ sung có thể là: Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm bao gồm cả tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm, buộc cải chính công khai (căn cứ theo quy định tại Điều 31 Nghị định 71/2014 về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh).
Thứ hai, Vinastas là một tổ chức hội nên theo quy định tại Điều 40 Nghị định 45/2010, nếu một cá nhân trong hội lợi dụng danh nghĩa hội để hoạt động trái pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp gây thiệt hại về vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Do đó, qua điều tra nếu phát hiện những cá nhân cụ thể tham gia vào việc thông tin sai sự thật về việc nước mắm nhiễm asen thì họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet” tại Điều 226 Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi 2009 nếu đáp ứng đủ các điều kiện cấu thành tội này. Trường hợp phạm tội có tổ chức/thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên/gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng… thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Cuối cùng, nếu chứng minh được các thiệt hại về uy tín và doanh thu, các DN sản xuất, xuất khẩu nước mắm truyền thống Việt Nam hoàn toàn có quyền yêu cầu Vinastas bồi thường thiệt hại theo quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng quy định tại Chương XXI Bộ luật Dân sự.
Trường hợp Vinastas không đồng ý bồi thường, các DN có quyền khởi kiện đến tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định pháp luật. Các chủ thể bị xâm phạm quyền lợi còn có thể yêu cầu Vinastas phải đăng thông tin đính chính một cách đầy đủ, rõ ràng nhằm trấn an dư luận và xin lỗi người tiêu dùng trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Vinastas bị thanh tra kết quả khảo sát nước mắm
Ngày 24-10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo Cục Quản lý cạnh tranh lập đoàn thanh tra liên ngành việc chấp hành quy định pháp luật của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas).
Đoàn thanh tra (gồm đại diện Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Bộ Công an, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) sẽ tiến hành kiểm tra, làm rõ tính chất, cơ sở pháp lý hoạt động khảo sát và công bố kết quả khảo sát của Vinastas, xác định mức độ vi phạm (nếu có). Đoàn cũng sẽ làm rõ việc nhận tài trợ từ DN hoặc tổ chức kỹ thuật, khoa học của Vinastas trong việc tiến hành các hoạt động khảo sát trong thời gian qua.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét cụ thể việc chấp hành các quy định pháp luật trong quá trình đưa thông tin trên báo chí của Vinastas, xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có) và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10-11.
Trà Phương
Kết luận của Vinastas về asen là quá vội vàng
Kết luận của Vinastas về asen vừa qua là quá vội vàng. Tôi xin nói rõ không chỉ cơ quan nhà nước mà các cá nhân khi cảm thấy lo ngại có thể mua sản phẩm, đem đến một trung tâm, đơn vị có chức năng kiểm nghiệm để phân tích dịch vụ. Nhưng khi có kết quả thì đơn vị kiểm nghiệm luôn chú thích rõ: Kết quả này chỉ có giá trị cho mẫu gửi mà không có giá trị chung cho toàn bộ.
Do là cơ quan quản lý nhà nước nên nếu chúng tôi lấy mẫu sẽ có sự khách quan hơn. Khi mẫu không đạt chất lượng sẽ phải lấy thêm một số mẫu cần thiết theo đúng tiêu chuẩn khoa học. Lúc đó mới có quyền kết luận về chất lượng của toàn bộ số mẫu đó, sản phẩm của đơn vị đó.
Bà Phạm Khánh Phong Lan,
Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM
Công bố thông tin phải có trách nhiệm và đạo đức
Anh không được lợi dụng việc bảo vệ người tiêu dùng để tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN. Trước khi công bố bất kỳ thông tin gì, anh phải đặt trách nhiệm, đạo đức lên hàng đầu.
Theo tôi, cần làm rõ là ai đã thuê Vinastas làm các khảo sát đó và khảo sát đó có khách quan không. Việc Vinastas công bố khảo sát này có nhằm phục vụ người tiêu dùng không. ở đây họ rất mập mờ thông tin. Chính sự mập mờ đó khiến DN nước mắm truyền thống gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng sinh kế của bao nhiêu con người.
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế
H.Giang ghi
Pháp luật TPHCM
Sự kiện: "Cuộc chiến" nước mắm
Xem tất cả >>- Báo cáo Thủ tướng kết quả xử lý vụ nước mắm trước 10-11
- Ông Nguyễn Đức Sơn: Nước mắm truyền thống đang đứng dưới ánh đèn sân khấu, cơ hội vàng để xây dựng thương hiệu là đây!
- Xem xét đình chỉ Vinastas sau vụ “nước mắm nhiễm asen“
- Thị trường nước mắm phục hồi sau ‘cú sốc asen’
- Phải trả lại tên cho nước mắm!