Nước mắt sau Tết: Người nông dân nhổ bỏ cải bắp, su hào vì ế không bán được
Trước và sau Tết Nguyên Đán Tân Sửu, lượng tiêu thụ chậm do dịch bệnh khiến giá rau xanh tại các vùng chuyên canh rau của Hoài Đức giảm mạnh, nông dân ra đồng chẳng buồn nhổ.
- 08-02-2021Dự báo lạc quan về xuất khẩu nông - lâm - thủy sản năm 2021
- 01-02-2021Quảng Ninh hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân vùng bị phong tỏa
- 04-01-2021Triển vọng xuất khẩu nông lâm thủy sản
Cả làng không bán được rau
Thời gian gần đây, dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại đã ảnh hưởng đến hầu hết mọi mặt của đời sống xã hội. Tại Hà Nội những ngày sau Tết đường phố vắng vẻ, nhiều hàng quán phải đóng cửa, tiểu thương không bán được hàng, cuộc sống của nhiều người dân bị đảo lộn…
Đặc biệt, tại vùng chuyên canh thuộc các xã: Tiền Yên, Song Phương (huyện Hoài Đức)…nhiều loại rau xanh như bắp cải, su hào, cải các loại... đến lứa thu hoạch song vẫn vắng bóng người mua. Tình trạng này kéo dài đến cả sau Tết.
Cánh đồng rau ở thôn Tiền Lệ
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các loại rau tại đây tiêu thụ rất chậm, giá chỉ còn bằng 1/3 so với trước khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Thời điểm trước Tết một tuần, giá rau cải 5.000 đồng/kg, cải cúc 3.000 đồng/mớ, nay chỉ còn 2.000 đồng/kg rau cải và 1.000 đồng/mớ cải cúc. Giá quá rẻ, nhiều người dân chẳng buồn thu hoạch khiến rau quá lứa, ế đầy đồng.
Ông Nguyễn Văn Chuyền (thôn Tiền Lệ, xã Tiên Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, đa số người dân trồng rau trong làng thời điểm sau Tết đều không bán được rau vì dịch bệnh.
"Nhà tôi có trồng 2 sào rau gồm su hào, bắp cải, hành lá… nhưng do dịch bệnh hàng quán, trường học đóng cửa nên không có đơn vị thu mua, rau không tiêu thụ được", ông Chuyền than thở.
Ông Chuyền buồn bã vì rau rẻ không bán được
Su hào rẻ như cho nhưng không ai mua, ông Chuyền phải nhổ vứt bỏ
Theo ông Chuyền, bằng thời điểm này năm ngoái, gia đình ông đã bán hết rau nhưng hiện tại giá rau quá rẻ, bán không đủ vốn. "Thời điểm trước Tết, giá rau cải cao nhưng giờ chỉ còn 1000 đồng/mớ thôi, thậm chí không có người mua, nhiều người phải nhổ vứt đi do rau quá lứa bị già".
Giống nhà ông Chuyền, gia đình cô Hằng tại thôn Tiền Lệ cũng đang đứng ngồi không yên bởi giá đang rẻ như cho mà vẫn không có người mua. Theo cô Hằng, từ tháng 11 năm ngoái giá rau bắt đầu giảm mạnh.
Quá nhiều rau bị vứt bỏ ngoài đồng
Nhiều hộ gia đình không buồn cắt rau
Su hào, rau cải quá lứa vẫn không được thu hoạch
Trước đó, bắp cải có giá 10.000 – 15.000 đồng/kg rồi xuống dần chỉ còn 5.000 đồng/kg; su hào từ 15.000 đồng/kg giảm xuống còn 5.000 đồng/kg (giờ chỉ 2.000 đồng/củ). Đây là mức giá rẻ chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây.
Bán được đồng nào hay đồng đó
Ngồi cách đó không xa, bà Nguyễn Thị Bao buồn bã vì nhổ cả ngày được 500 mớ cải cúc nhưng chỉ bán được 120 nghìn đồng. Bà Bao kể "Thôn chúng tôi năm nay, nhà ai cũng bị thiệt hại mấy sào rau. Rau quá rẻ, bán thì không đủ vốn nhưng để ngoài đồng thì xót nên đành phải ra đồng nhổ thôi".
Bà Bao buồn bã vì rau không bán được
Người này nhổ rau già, bỏ vào gốc ổi, đợi sau khi rau hỏng sẽ thành phân bón cho ổi.
Theo bà Bao, mọi năm bà cũng như người dân trong thôn khai xuân ra đồng từ mùng 2 Tết nhưng năm nay rau rẻ, đến tận mùng 5 mới ra đồng.
"Nói chung bây giờ chúng tôi làm để cho vui thôi, nếu đất đai để lâu cỏ cũng sẽ mọc nên chúng tôi bắt buộc phải làm. Mình cũng là nông dân mà, chẳng nhẽ lại để rau đó, không bán được thì nhổ rau vứt đấy thôi.
Nhà tôi trồng nhiều súp lơ, hôm 30 Tết giá chỉ 1,5 nghìn đồng/cây nhưng đến giờ cũng không ai mua. Tiểu thương cũng vậy, nếu tiêu thụ với giá cao, họ sẽ mua rau của chúng tôi với giá cao nhưng nếu không bán được, họ sẽ không mua", bà Bao nói tiếp.
Hiện tại, bà cũng như nhiều người dân phải cắt từng cân rau mang ra chợ bán lẻ với hy vọng, "bán được đồng này, hay đồng đó".
Tổ Quốc