MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nước Mỹ sẽ ra sao với tổng thống mới là Clinton hoặc Trump?

09-11-2016 - 08:16 AM | Tài chính quốc tế

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, cho rằng, cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay có thể gay cấn tới hồi kết và tương lai nước Mỹ sẽ gặp thách thức lớn nhất khi Nga và Trung Quốc bắt tay dù ông Donald Trump hay bà Hillary Clinton đắc cử.

Cuộc chạy đua căng thẳng tới phút chót

- Cuộc đua vào Nhà Trắng đang sắp kết thúc. Những tình tiết bất ngờ khiến cục diện cuộc đua đang ngày càng trở nên khó đoán. Đã bao giờ nước Mỹ phải trải qua một cuộc đua khó khăn đến vậy?

Cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay có nhiều yếu tố đặc biệt. Thứ nhất, cả hai ứng cử viên đều nhiều tuổi bậc nhất trong lịch sử chính trường Mỹ. Ngoài ra, những chính sách của họ gây nhiều tranh cãi, ví dụ như chính sách giảm thuế cho người giàu và cho các doanh nghiệp của ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump.

Tuy nhiên, đây cũng chưa phải cuộc đua vào Nhà Trắng khó đoán nhất. Trong quá khứ, nhiều cuộc đua vị trí quyền lực nhất nước Mỹ là cuộc bám đuổi sít sao giữa các ứng viên và kết quả vô cùng bất ngờ. Chẳng hạn như chiến dịch tranh cử năm 2000 giữa ông George W. Bush của phe Cộng hòa và Al Gore của phe Dân chủ. Phải một tháng sau ngày bầu cử, ông Bush mới chính thức trở thành người chiến thắng với chênh lệch vài trăm phiếu phổ thông ở bang Florida.


Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia của Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, người từng nhiều năm theo sát các vấn đề chính trị quốc tế.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia của Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, người từng nhiều năm theo sát các vấn đề chính trị quốc tế.

Trở lại cuộc đua năm nay, hiện tại, kết quả thăm dò cử tri cho thấy bà Clinton đang dẫn trước ông Trump. Nhiều người cho rằng chênh lệch khoảng 3 điểm đủ đảm bảo chiến thắng cho ứng viên tổng thống đảng Dân chủ. Dù bà Clinton đang dẫn điểm ông Trump nhưng chúng ta vẫn cần chờ đợi tới sau cuộc tổng tuyển cử để biết tổng thống thứ 45 của nước Mỹ là ai. Trong quá khứ, một số ứng viên dẫn trước trong các cuộc thăm dò dư luận vẫn thất bại trong cuộc bầu cử chính thức do những diễn biến vào phút chót.

- Theo dõi quá trình tranh cử, dường như chính sách với nước Mỹ không phải trọng tâm tranh luận của các ứng viên. Thay vào đó, họ chọn chỉ trích các vấn đề cá nhân của đối phương. Phương pháp tranh cử này có khiến giới chuyên gia khó dự đoán các chính sách tương lai của nước Mỹ nhiệm kỳ tới?

Theo quan sát của tôi, ông Donald Trump là người sử dụng phương pháp công kích cá nhân nhiều hơn so với bà Clinton. Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ có cương lĩnh rõ ràng về mặt chính sách và bảo vệ chúng khá tốt trong những cuộc tranh luận vừa qua.

Ông Trump thường làm ngơ các câu hỏi, không trả lời vào thực chất vấn đề mà dùng lời lẽ công kích bà Clinton để thay thế. Có nhiều cách để lý giải hành động của ông Trump nhưng quan điểm được nhiều người ủng hộ đó là vị tỷ phú New York không có nhiều kinh nghiệm quản trị chính quyền nên không thấy thoải mái khi nói về chính sách. Ngoài ra, ông Trump là người khá bốc đồng, muốn sử dụng lời lẽ gây sốc để tạo ấn tượng với cử tri. Chính vì thế, Trump sa đà vào các chỉ trích cá nhân để ghi điểm.

Tuy nhiên, dù ông Trump hay bà Clinton giành chiến thắng, vai trò của người ngồi trên ghế tổng thống chỉ là một phần trong việc quyết định các chính sách của Mỹ. Phần còn lại dựa nhiều vào đội ngũ cố vấn, nội các…. Khoảng 1.000 người sẽ được bổ nhiệm vào các vị trí chính trị sau khi Mỹ có tổng thống mới. Họ sẽ là những người giúp tổng thống hoạch định và thi hành các chính sách của nước Mỹ.

Khi tranh luận, các ứng viên có thể sa đà vào việc công kích cá nhân nhưng khi triển khai các chính sách, mọi việc sẽ trở nên khác biệt.

- Có ý kiến cho rằng, cả bà Hillary Clinton và ông Donald Trump đều không thể làm thoả mãn mong đợi của người Mỹ về một nhà lãnh đạo tương lai. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?

Điều này dễ hiểu bởi nước Mỹ hiện tại đang bị chia rẽ. Bà Hillary Clinton và ông Donald Trump cũng ít nhiều đại diện cho những nhóm dân cư với quan điểm đối nghịch nhau. Ông Trump được những người da trắng bản địa lớn tuổi, người bài nhập cư hoặc chống các nhóm thiểu số ủng hộ. Trong khi đó, bà Clinton được lòng giới chính trị gia truyền thống, tầng lớp trung lưu hoặc các nhóm thiểu số người nhập cư ủng hộ.


Hí họa ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump (phải) và đối thủ Hillary Clinton.

Hí họa ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump (phải) và đối thủ Hillary Clinton.

Trong bất cứ cuộc bầu cử nào, luôn có những thành phần đối nghịch nhau. Tôi không nghĩ nó có thể ảnh hưởng tới khả năng lãnh đạo của Tổng thống tương lai. Tuy nhiên, dù ông Trump hay bà Clinton trở thành tổng thống, đảng Cộng hòa nhiều khả năng vẫn có thể duy trì thế đa số tại Hạ viện. Vì vậy, nếu bà Clinton chiến thắng nhưng đảng Dân chủ không giành được đa số ở Thượng viện thì các chính sách mới của bà sẽ rất khó được thông qua. Căng thẳng giữa tổng thống Dân chủ và Quốc hội Cộng hòa sẽ là điềm xấu cho tương lai nước Mỹ.

Thuận lợi và khó khăn với tổng thống Mỹ tương lai

- Là người có bề dày kinh nghiệm làm chính trị, nếu trở thành tổng thống Mỹ, bà Hillary sẽ gặp thuận lợi và khó khăn gì?

Là chính trị gia kỳ cựu, từng là Đệ nhất phu nhân, Thượng nghị sĩ và Ngoại trưởng Mỹ, bà Clinton có nhiều kinh nghiệm về quản lý chính quyền. Các cương lĩnh của bà có nhiều sự tiếp nối chính sách của các chính quyền trước, đặc biệt là chính quyền của đương kim Tổng thống Barack Obama.

Nếu bà Clinton đắc cử, chính sách của Mỹ nhiệm kỳ tới sẽ dễ dự đoán hơn và gây dựng được lòng tin tốt hơn từ cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, bà Clinton cần giải quyết một số vấn đề trong nước để lấy được lòng tin từ người dân. Nổi cộm trong số đó là bất bình đẳng thu nhập đang ngày càng gia tăng, công ăn việc làm cho tầng lớp thanh niên hay giải quyết các thách thức an ninh như khủng bố, người nhập cư….

Ngoài ra, vấn đề tuổi tác và sức khỏe của bà Clinton cũng là điều đáng lo ngại.

- Ngược lại, ông Donald Trump là người ít kinh nghiệm chính trường và thường xuyên có những phát ngôn gây sốc. Trong trường hợp tỷ phú New York đắc cử, nước Mỹ sẽ phải đương đầu với thách thức gì và lợi thế ra sao?

Lợi thế của Donald Trump chính là việc nhiều người coi ông không có mối quan hệ lợi ích với giới “tinh hoa”, và có thể lật đổ vai trò của họ để thỏa mãn mong muốn của một bộ phận cử tri vốn đã chán ngấy các chính trị gia “dòng chính” cầm quyền lâu nay. Ngoài ra, Trump còn đại diện cho tiếng nói của một bộ phận người dân bị bỏ rơi ở nước Mỹ, đặc biệt là tầng lớp lao động mất việc làm, bị gạt ra lề do tiến trình toàn cầu hóa, hay người da trắng bản địa lớn tuổi, những người cảm thấy vị thế của họ bị đe dọa bởi các nhóm dân cư khác, chẳng hạn người nhập cư.

Tuy nhiên, Trump cũng gặp thách thức như thiếu kinh nghiệm về quản lý chính quyền hay những phát ngôn phân biệt đối xử về tôn giáo và phụ nữ. Ngoài ra, tính khí của Trump bị nhiều người coi là không đủ ổn định và chín chắn để đảm đương tốt vai trò ông chủ Nhà Trắng. Đó là điều ông Trump cần khắc phục để giành sự ủng hộ của một nửa cử tri Mỹ hiện nay.

- Mối quan hệ giữa các nước lớn, đặc biệt là phương Tây và Nga đang ở mức tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Bên cạnh đó là sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc. Ngoài ra, Moscow và Bắc Kinh đang có những bước đi để tăng cường hợp tác. Đây có phải thách thức lớn nhất với tổng thống Mỹ tương lai trong nỗ lực giữ vị thế của Washington?

Trong thời gian qua, sự trỗi dậy của Trung Quốc là thách thức với Mỹ. Cho dù ai trở thành tổng thống thì họ vẫn phải xử lý vấn đề hóc búa này. Trong khi đó, Nga cũng thách thức mạnh mẽ vị thế của Mỹ, đặc biệt ở châu Âu và Trung Đông. Việc Nga và Trung Quốc bắt tay sẽ là thách thức lớn nhất của tổng thống Mỹ tương lai.


Nga và Trung Quốc tăng cường hợp tác khiến Mỹ quan ngại.

Nga và Trung Quốc tăng cường hợp tác khiến Mỹ quan ngại.

Để giải quyết vấn đề này, có hai xu hướng sẽ xảy ra bao gồm tăng cường đối đầu hoặc đẩy mạnh đối thoại, hòa giải. Nếu ông Trump giành chiến thắng, hướng đi hòa giải có thể chiếm ưu thế. Trong quá trình tranh cử, ông Trump tuyên bố tập trung vào các vấn đề trong nước, giảm sự can thiệp của Mỹ trong các vấn đề đối ngoại, để các nước có liên quan tự giải quyết với nhau. Trong trường hợp này, Nga và Trung Quốc sẽ được hưởng lợi và duy trì mối quan hệ ít căng thẳng hơn với Mỹ.

Trường hợp bà Clinton giành chiến thắng, nếu bà không tỏ ra cứng rắn hơn với Trung Quốc và Nga thì ít nhất bà có khả năng vẫn duy trì chính sách hiện tại của ông Obama - không trực tiếp đối đầu hay gây căng thẳng liên tục nhưng giữ vững nguyên tắc để kiềm chế Nga và Trung Quốc nhằm duy trì ưu thế chiến lược của Mỹ trên thế giới.

Ai thắng cử và chính sách của Mỹ nhiệm kỳ tới chính xác ra sao vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Tuy nhiên, Mỹ sẽ không từ bỏ lợi ích căn bản của mình, đó là tìm cách tiếp tục duy trì vị trí siêu cường số một thế giới bất chấp những thách thức từ Nga hay Trung Quốc cũng như các cường quốc khác.

TPP trước nguy cơ chết lâm sàng

- Cả hai ứng viên tổng thống Mỹ đều lên tiếng phản đối Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Liệu Việt Nam có chịu ảnh hưởng gì từ việc nước Mỹ có chính quyền mới sau khi ông Obama mãn nhiệm?

Hiện tại, hy vọng lớn nhất cho TPP là việc ông Obama thuyết phục được Quốc hội phê chuẩn Hiệp định trong kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa cũ, diễn ra sau tổng tuyển cử ngày 8/11 và trước khi Quốc hội mới nhóm họp. Nếu nó được thông qua, bài toán hóc búa sẽ được hóa giải. Ngược lại, TPP sẽ chết lâm sàng trong nhiệm kỳ tổng thống mới bởi cả ông Trump và bà Clinton đều phản đối hiệp định này.

Trong quá khứ, bà Clinton từng hậu thuẫn TPP nhưng tuyên bố cần xem xét lại các điều khoản của hiệp định này trong quá trình tranh cử. Nếu bà Clinton trở thành tổng thống, TPP vẫn còn cơ hội được thông qua dù hiện thực hóa việc này sẽ rất khó khăn. TPP có thể bị đình trệ ít nhất trong vài ba năm cho tới khi có những thay đổi để hồi sinh.

Linh Anh thực hiện

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên