MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nước nghèo ở châu Âu vội "quay xe" với Gazprom: Chấp nhận khí đốt Nga với 2 điều kiện

05-10-2023 - 21:07 PM | Tài chính quốc tế

Nước nghèo ở châu Âu vội "quay xe" với Gazprom: Chấp nhận khí đốt Nga với 2 điều kiện

Hãng tin Reuters (Anh) đưa tin, Moldova nêu điều kiện tiếp tục sử dụng khí đốt từ Nga.

Moldova, một trong những quốc gia nghèo nhất của châu Âu, vướng vào một cuộc tranh cãi về những khoản nợ đối với tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga.

Nước nghèo ở châu Âu vội "quay xe" với Gazprom: Chấp nhận khí đốt Nga với 2 điều kiện - Ảnh 1.

Điện Kremlin khẳng định quan hệ giữa Moldova và Gazprom vẫn đang tiếp tục. Ảnh: AFP

Bất đồng về khoản nợ

Vào cuối năm 2021, Gazprom công bố khoản nợ của Moldova là 709 triệu USD. Đại diện chính thức của Gazprom Sergey Kupriyanov thông báo rằng khoản nợ ban đầu là 433 triệu USD, nhưng tính đến việc chậm thanh toán, tổng số tiền lên tới 709 triệu USD.

Bộ trưởng Năng lượng Moldova Victor Parlicov cho biết, nước này đã thực hiện một cuộc kiểm toán quốc tế, trong đó chỉ ra rằng nhà phân phối khí đốt tự nhiên thuộc sở hữu công Moldovagaz chỉ nợ Gazprom 8,6 triệu USD và Chisinau "không có ý định trả các khoản nợ không tồn tại".

Gazprom "hoàn toàn không đồng ý với các tuyên bố của phía Moldova và dự định tiếp tục bảo vệ quyền lợi của mình bằng mọi cách có thể".

Ý định từ bỏ Gazprom rồi "quay xe"

Bộ trưởng Năng lượng Moldova Victor Parlicov phát biểu tại một hội nghị ở Bucharest hôm 2/10 rằng Moldova đã đảm bảo đủ số lượng khí đốt từ châu Âu và không có kế hoạch mua thêm khí đốt từ Gazprom. Khi đó ông cho biết rằng: "Chúng tôi sẽ không mua khí đốt tự nhiên từ Gazprom nữa".

Điện Kremlin lập tức phản hồi, cho rằng quan hệ giữa Moldova và Gazprom vẫn đang tiếp tục, đặc biệt khi Moldova còn nợ tiền công ty khí đốt này.

Tuy nhiên, hôm 3/10, Bộ trưởng Victor Parlicov lại thừa nhận, việc mua khí đốt của Nga là có khả năng nếu đáp ứng được những điều kiện nghiêm ngặt.

Bộ trưởng Parlicov nói với hãng tin Newsmaker: "Điều đó (việc mua khí đốt của Nga) có thể xảy ra nếu Gazprom đề xuất một mức giá hợp lý và nếu Nga không áp đặt các điều kiện liên quan tới chính trị".

Nước nghèo ở châu Âu vội "quay xe" với Gazprom: Chấp nhận khí đốt Nga với 2 điều kiện - Ảnh 2.

Bộ trưởng Năng lượng Moldova Victor Parlicov

2 điều kiện được đưa ra để dầu Nga vẫn chảy ở Moldova

Khí đốt của Nga được sử dụng bởi một nhà máy điện ở Transnistria (vùng ly khai của Moldova). Đây cũng là nơi sản xuất 80% điện năng của Moldova với mức giá thấp, vì vậy Moldova mong muốn duy trì thỏa thuận này. Phần khí đốt còn lại của Moldova được đáp ứng bởi các nhà cung cấp châu Âu, và được mua thông qua công ty năng lượng và khí đốt thuộc sở hữu của nhà nước, có tên Energocom.

Ông Vadim Ceban, người đứng đầu công ty con của Gazprom Moldovagaz, cho biết việc mua khí đốt của Nga cho phần lớn lãnh thổ Moldova là có thể, nếu đáp ứng được các điều kiện phù hợp.

“Về mặt lý thuyết, chúng tôi có thể mua khí đốt của Nga, nhưng điều này phải tuân theo hai điều kiện chính - giá khí đốt phải thấp hơn giá mà Energocom đề xuất và phải có khối lượng phù hợp theo nhu cầu của Moldova”, ông Ceban nói với Reuters.

Theo Reuters, hợp đồng hiện tại giữa Moldovagaz và Gazprom đưa ra mức giá cao hơn so với mức giá mà các nhà cung cấp châu Âu đưa ra thông qua Energocom.

Ông Ceban cho biết: “Tình hình mua khí đốt sẽ trở nên rõ ràng hơn khi Energocom đưa ra các điều kiện cung cấp khí đốt vào quý I năm 2024”.

Việc mua khí đốt Tây Âu đã được thực hiện vào mùa đông năm ngoái nhờ khoản tài trợ trị giá 300 triệu euro (314 triệu USD) từ Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu.

Moldova sử dụng 1,1 tỷ mét khối khí đốt hàng năm, trong khi Transnistria (vùng ly khai của Moldova) tiêu thụ 2,2 tỷ mét khối. Theo Reuters, Transnistria đã không thanh toán tiền khí đốt của Nga trong một thời gian và Gazprom cũng không tìm cách thu hồi các khoản nợ.

Tập đoàn Gazprom thuộc sở hữu nhà nước Nga cho biết, họ vẫn cung cấp 5,7 triệu mét khối khí đốt mỗi ngày cho Transnistria. Hiện tại, lực lượng Nga đang hiện diện tại Transnistria với tư cách là lực lượng gìn giữ hòa bình nhằm giám sát lệnh ngừng bắn năm 1992 giữa Moldova và các lực lượng địa phương.

Theo Duy Anh

Báo Giao thông

Trở lên trên