Nuôi cá tra quá lứa, quá cỡ bán cho thương lái: Nguy cơ mất tiền tỷ
Tại Đồng Tháp đang có tình trạng thương lái nước ngoài mua nhiều cá tra quá lứa, quá khổ giống như từng làm với hạt điều, xoài non, sầu riêng non…
- 19-06-2016Vì sao cá tra Việt một mình một chợ vẫn khó bán hàng?
- 18-06-2016Brazil chuộng cá tra Việt Nam
- 03-06-2016Cá tra liên tục rớt giá: Doanh nghiệp tranh giành khách, tự triệt tiêu nhau
Tại Đồng Tháp, đã có một số hộ nuôi cá tra bán cá quá lứa, quá khổ cho thương lái nước ngoài. Đây tương tự như kiểu mua lá điều, mua rễ tiêu, móng trâu hay những thứ "độc", "lạ" khác. Chính vì thế, nông dân cần cẩn trọng trước thông tin này, tránh thiệt hại tiền tỷ vì lợi ích trước mắt.
Gia đình ông Võ Văn Nhựt, xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp có hơn 1 ha mặt nước nuôi với sản lượng vài trăm tấn cá tra/vụ. Cách nay hơn 1 tháng, có thương lái đến hỏi mua cá quá lứa, quá khổ với giá cao. Bán hết số cá trong ao, ông được thông tin rằng, loại cá này sẽ xuất sang Trung Quốc: “Năm rồi, lượng cá của tôi dư thừa. Nhà máy không dùng được thành ra tôi bán dạng như lái bên ngoài. Rồi cũng nghe anh em nói là thuê, gia công như cắt khúc cá nguyên con”.
Việc thu mua cá tra quá lứa, quá khổ với số lượng lớn thật lạ đời! Thông thường, cá quá lứa, quá khổ thường chỉ có thể bán ra chợ với giá rất rẻ. Nay được thu mua, nông dân phấn khởi. Tuy nhiên, một số nông dân khác như ông Lâm Văn Thuận nhận thấy, đây chỉ là "mật ngọt" bước đầu.
Thị trường cá tra phi lê thường biến động. Do vậy, với thông tin không thể hấp dẫn hơn như thế này, bà con sẽ neo ao để cá quá lứa, quá khổ. Người nuôi có thể so sánh giữa cá thông thường để xuất khẩu và cá quá lứa, quá khổ và rồi nhẹ dạ để cá quá lứa, quá khổ nhằm có đầu ra. Nhưng cũng như việc đẩy mạnh thu mua các mặt hàng không giống ai với giá không phản ánh đúng giá trị của hàng hoá, đó là khi cung được đẩy lên ở mức rất cao nhất có thể, thương lái đột ngột ngừng mua. Lúc đó, thiệt hại đối với người nông dân sẽ là tiền tỷ vì giá trị một ao nuôi cá tra là rất lớn.
Ông Lâm Văn Thuận phân tích: “Vừa qua, cũng nghe thông tin Trung Quốc đua nhau mua. Thay vì cá chợ mình bán không được, họ mua chênh lệch giá 1.000 đến 2.000 đồng. Họ mua về, cắt khúc, xuất khẩu”.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc HTX dịch vụ thủy sản Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp cho rằng, đây là thông tin không tốt. Trước đây, tỷ lệ cá quá lứa trong ao chiếm tỷ trọng rất ít. Thì nay, với thông tin này, nông dân đã dành không ít diện tích để cá lớn quá khổ: “Khuyến cáo với một số bà con nên dè dặt mua - bán. Hiện nay, mình ồ ạt xuống giống cùng lúc thì đương nhiên sẽ bị khủng hoảng, gây nhiều khó khăn cho người nuôi. Bà con từng bước xây dựng tổ hợp tác. Nếu mà không vô HTX được thì sẽ liên kết vô chuỗi cũng được”.
Thiếu thông tin thị trường và tin vào thương lái vì lợi ích trước mắt, nguy cơ thiệt hại kinh tế lâu dài của bà con là rất lớn. Vì vậy, ông Phan Kim Sa, Phó Giám đốc Sở Công thương Đồng Tháp đã có văn bản gửi các huyện, thị để khuyến cáo về vấn đề này: “Đối với trường hợp cá quá size, nếu có, thì bán nhưng đừng nuôi cá như thế nữa. Vì vừa qua, có nhiều mặt hàng như tiêu, hạt điều, xoài non, sầu riêng non… mình bị lừa gạt rồi nên mình phải đề phòng trường hợp đó”.
Ông Võ Hùng Dũng, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, Phó Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam khuyến cáo: “Người dân cần có sự suy nghĩ và phân tích thị trường. Nếu trong kho hay trong ao còn cá quá lứa, ai mua thì bán. Còn nuôi để quá size thì phải phân tích. Bản thân người trong cuộc cũng phải tự phán đoán. Không ai nhạy bén bằng người trong cuộc”.
So với giá trị các mặt hàng được thu mua theo kiểu "độc", "lạ" khác thì cá quá lứa, quá khổ là cả một gia tài với tiền tỷ của hộ nuôi. Do đó, bà con và chính quyền địa phương cần có phản ứng nhanh và cẩn trọng đối với thông tin này; qua đó, có thể giảm thiểu rủi ro đến mức thấp nhất./.
VOV