MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nứt cầu Vàm Cống: Phải sửa chữa 6-7 tháng mới xong

06-06-2018 - 21:12 PM | Xã hội

Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt phương án khắc phục vết nứt cầu Vàm Cống. Theo đó sẽ thay thế trên 60% diện tích dầm thép ngang.

Tháng 11/2017, đơn vị thi công, tư vấn giám sát thi công đã phát hiện vết nứt tại 1 trụ cầu Vàm Cống (Đồng Tháp). Ngay sau đó, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã kiểm định, đánh giá độc lập. Đồng thời phối hợp với Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) và các chuyên gia đầu ngành đánh giá nguyên nhân, lựa chọn giải pháp khắc phục.

Nứt cầu Vàm Cống: Phải sửa chữa 6-7 tháng mới xong - Ảnh 1.
Cầu Vàm Cống dự kiến hoàn thành cuối năm 2017, đã phải lùi lại để xử lý các vết nứt dầm. Ảnh: Cửu Long. 

Ứng xuất đường hàn gây nứt dầm thép

Theo ông Lê Kim Thành, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), các đơn vị chuyên môn đánh giá có 3 nhóm nguyên nhân gây nứt dầm thép CB6 trên đỉnh trụ P29 cầu Vàm Cống là tập trung ứng suất, ứng suất dư và chất lượng đường hàn để ráp nối các cấu kiện.

Cầu dây văng có tính chất đối xứng nên khi dầm CB6 trên đỉnh trụ neo P29 bị nứt đã ảnh hưởng đến dầm ngang trên đỉnh trụ P28 phía đối diện, gây rạn nứt ở mức độ nhẹ. Để đảm bảo chất lượng công trình, việc khắc phục được tiến hành đồng thời với cả hai dầm ngang trên đỉnh trụ P28 và P29.

Nứt cầu Vàm Cống: Phải sửa chữa 6-7 tháng mới xong - Ảnh 2.
Vết xé tại dầm CB6 trụ P29 của cầu Vàm Cống rộng hơn 4 cm, kéo dài ngang dầm khoảng 2 m. Ảnh: Anh Duy. 

Theo ông Thành, về nguyên lý khi gia nhiệt để hàn, dầm thép sẽ có những ảnh hưởng nhất định nên quy định kỹ thuật về việc này rất chặt chẽ. Các sản phẩm thép đều được nhập khẩu từ Hàn Quốc, được nhà thầu chính, tư vấn giám sát kiểm tra kỹ lưỡng từ quá trình nhập khẩu, chế tạo dầm.

“Khi chế tác tổ hợp dầm ở ngoài hiện trường, ứng suất dư sinh ra khi hàn. Vết nứt là do kết hợp của cả ba nhóm nguyên nhân nên một số thí nghiệm phân tích cơ học phá hủy vật liệu, phân tích kỹ thuật luyện kim sẽ tiếp tục được thực hiện trong quá trình thi công khắc phục để xác định cơ chế gây nứt”, ông Thành nói.

Một nguyên nhân khác, cầu Vàm Cống là cầu dây văng khẩu độ lớn, kết cấu phức tạp, việc nứt dầm ngang là rất hiếm gặp. Do đó, công tác xác định nguyên nhân, đề xuất giải pháp khắc phục đã được triển khai thận trọng. Bộ Giao thông đã nghiên cứu giải pháp khắc phục toàn bộ nguyên nhân có thể xảy ra nhằm đảm bảo chất lượng, tuổi thọ công trình và phân chia rõ trách nhiệm của các bên.

Sẽ thay 60% diện tích dầm thép ngang

Theo Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, sau sự cố, Bộ GTVT đã chỉ định Viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải kiểm định, đánh giá độc lập, đồng thời mời tư vấn đến từ nước thứ ba là tư vấn quốc tế Arup, do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ, đánh giá độc lập để đảm bảo khách quan.

Nứt cầu Vàm Cống: Phải sửa chữa 6-7 tháng mới xong - Ảnh 3.
Phương án xử lý cầu Vàm Cống: Dầm thép ngang bị nứt sẽ được thay thế 60%. Ảnh: Cửu Long.

Trên cơ sở kết quả thẩm tra của tư vấn quốc tế Arup, Viện khoa học công nghệ giao thông và ý kiến của Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng, Bộ GTVT đã phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật phương án khắc phục là thay bán phần dầm ngang, với phạm vi thay thế trên 60% diện tích dầm ngang.

Chiều dày bản đáy sẽ tăng từ 6 lên 8 cm để làm tăng độ cứng của dầm. Cabin hàn tại hiện trường được lắp đặt đảm bảo các điều kiện hàn tương tự như trong nhà máy, với thiết bị và nhân công từ Hàn Quốc.

“Hiện nay, nhà thầu đang huy động nhân lực, thiết bị để tiến hành thi công với thời gian dự kiến từ 6 - 7 tháng”, ông Thành cho biết.

Đai diện Bộ GTVT cũng cho biết, theo hợp đồng, trách nhiệm của nhà thầu là phải thực hiện và bàn giao công trình hoàn thiện cho chủ đầu tư; Về trách nhiệm tài chính sẽ xác định, phân chia từng bên sau khi phân định rõ trách nhiệm các bên liên quan.

Theo Phi Long

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên