Nút thắt ngành chăn nuôi ở khâu giết mổ, chế biến
Trao đổi với chúng tôi, Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân cho rằng, mọi công đoạn khác của ngành chăn nuôi bắt đầu vào quỹ đạo, chỉ riêng nút thắt giết mổ, chế biến vẫn còn tụt hậu quá xa.
- 05-04-2016Vì sao salbutamol thất thoát sang ngành chăn nuôi?
- 05-02-2016Báo động ngành chăn nuôi
- 06-01-2016Lo âu bao trùm ngành chăn nuôi khi hội nhập
Trong khi ngành Nông nghiệp 6 tháng đầu năm tăng trưởng âm thì chăn nuôi vẫn giữ mức 5% và dự kiến 6 tháng cuối năm 2016 duy trì 5,5%. Trao đổi với chúng tôi, Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân (ảnh) cho rằng, mọi công đoạn khác của ngành chăn nuôi bắt đầu vào quỹ đạo, chỉ riêng nút thắt giết mổ, chế biến vẫn còn tụt hậu quá xa.
Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân
Tăng trưởng kỷ lục
Thưa ông, ngành Nông nghiệp 6 tháng cuối năm đang trông chờ rất lớn vào tăng trưởng của ngành chăn nuôi, bởi thực tế cho thấy 6 tháng đầu năm 2016 chăn nuôi có mức tăng trưởng cao nhất trong lịch sử mấy năm gần đây?
Với tốc độ tăng trưởng bình quân so với năm 2015 đạt khoảng 5,0 - 5,5%, giá trị sản xuất ước đạt gần 150.000 tỷ đồng, có thể nói đây là vinh dự nhưng đồng lời là áp lực rất lớn cho ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, để đòi hỏi có sự đột biến tăng trưởng mấy chục % là rất khó, bởi có thể nuôi được nhưng bán ở đâu mới là điều quan trọng.
Nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm 2016 mọi lĩnh vực của ngành chăn nuôi đều tăng trưởng. Trong đó, gia cầm khoảng 4,3% đạt 345,5 triệu con; trứng 6,62 tỷ quả tăng 5,5% so với cùng kỳ; lợn 3,94% đạt 28,31 triệu con; bò thịt 2,4% đạt 246,4 nghìn tấn; bò sữa tăng 10% đạt 286,9 ngàn con; trâu 2,55 triệu con tăng 0,1%...
Dự báo, tình hình 6 tháng cuối năm chăn nuôi tiếp tục phát triển, khả năng cao hơn 6 tháng đầu năm. Lý do, chăn nuôi lợn tiếp tục tăng khoảng 5,5% vào 6 tháng cuối năm. Thứ hai, số lượng gia cầm tăng trong dịp lễ tết theo quy luật. Thứ ba, số lượng bò thịt, bò sữa, con giống các doanh nghiệp tiếp tục nhập khẩu về và đầu tư vào ngành chăn nuôi ngày một lớn hơn. Sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu theo đường chính ngạch và tiểu ngạch được dự báo vẫn diễn ra bình thường.
Vì vậy, với việc sản lượng lợn hơi tăng thêm khoảng 500.000 tấn, gia cầm 200.000 tấn và trên 1,5 tỷ quả trứng (chưa kể bò Úc), trong năm 2016 ngành chăn nuôi dự kiến đóng góp thêm khoảng 25.000 - 30.000 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Việc ngành chăn nuôi tăng trưởng đột biến trong năm 2016 cho thấy điều gì thưa ông?
Qua diễn biến, xu thế của ngành chăn nuôi năm 2016 cũng như mấy năm gần đây cho thấy nhiều tín hiệu đáng mừng.
Thứ nhất, chăn nuôi nông hộ giảm mạnh. Những năm trước, mỗi năm giảm khoảng 300.000 - 500.000 hộ, vài năm trở lại đây mỗi năm giảm tới 700.000 - 800.000 hộ. Hiện, chăn nuôi quy mô lớn, tập trung tăng lên 55% so với 40% trước kia. Từ đó cho thấy người nông dân bắt đầu đã có tư duy chăn nuôi lớn hơn.
Đặc biệt, ngành chăn nuôi cũng chứng kiến sự mở rộng quy mô của các doanh nghiệp truyền thống và sự tham gia của rất nhiều tập đoàn lớn ở những ngành nghề khác. Trong đó, những doanh nghiệp truyền thống như: CP, Dabaco, Emivest… không ngừng mở rộng cả quy mô và tầm vóc, trở thành những tập đoàn chăn nuôi lớn, khép kín theo chuỗi từ con giống, thức ăn chăn nuôi đến gia công, chế biến.
Bên cạnh đó, những doanh nghiệp như Hoàng Anh Gia Lai, Hòa Phát, Hùng Vương… cũng bước chân vào ngành chăn nuôi với một tâm thế rất bài bản, nghiêm túc. Bằng chứng, trong năm 2016 lượng nhập khẩu các giống chất lượng cao cũng như tỷ lệ sản xuất ra các giống phù hợp với xu thế tiêu dùng liên tục tăng mạnh.
Việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong chọn tạo giống, thức ăn chăn nuôi được các tập đoàn vô cùng chú trọng. Hiện trong nước đã có một số doanh nghiệp sản xuất ra 1kg lợn hơi giá thành chỉ khoảng 37.000 - 38.000 đồng và đang tiếp tục phấn đấu giảm xuống 34.000 - 35.000 đồng, hay gà lông trắng cũng chỉ còn 25.000 đồng/kg.
Đây chính là nền tảng cho một nền chăn nuôi hiện đại, bền vững của Việt Nam trong tương lai. Qua đó, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm trong nước mà hoàn toàn đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu chính ngạch sang các quốc gia phát triển trên thế giới.
Bài toán tư duy ngược
Nhưng thưa ông, thực tế cho thấy ngành chăn nuôi nước ta mới chỉ đang bước đầu thành công ở khâu sản xuất?
Đúng là như vậy. Qua xem xét tổng thể ngành chăn nuôi khâu yếu nhất hiện nay chính là giết mổ và chế biến. Trong khi ở nước ngoài đây là công đoạn đem lại lợi nhuận nhiều nhất thì Việt Nam ta vẫn đang lúng túng với câu chuyện thịt nóng, thịt tươi. Nếu tháo gỡ được nút thắt này, giá trị ngành chăn nuôi có thể tăng vài chục, thậm chí cả 100% là chuyện hoàn toàn khả thi.
Lịch sử và thực tế cho thấy, muốn giải được bài toán giết mổ, chế biến phải lấy doanh nghiệp làm mục tiêu số 1. Nếu dùng ngân sách nhà nước sẽ thất bại, nhà nước chỉ cần tạo cơ chế, chính sách là đủ. Mặc dù chúng ta đang hô hào sản xuất phải gắn với thị trường, nhưng thị trường của nước ta đang đi ngược lại với thị trường chung của thế giới.
Ảnh: Nguyên Huân
Qua đó, chúng ta cứ quy hoạch chăn nuôi trước rồi sau đó mới đi tìm thị trường là hỏng bét. Thay vào đó, chúng ta phải xác định thị trường trước, sau đó quay lại quy hoạch vùng chăn nuôi rồi kêu gọi, hỗ trợ, ủng hộ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi có tiềm năng bán ở thị trường đã được nghiên cứu kỹ lưỡng trước đó.
Thực ra, hiện nhiều tỉnh cũng có quy hoạch các vùng chăn nuôi trọng điểm, nhưng cần linh động hơn chứ không phải thích gì quy hoạch nấy. Theo tôi, nên quy hoạch vùng sản xuất chứ không quy hoạch sản phẩm, quy hoạch vùng chăn nuôi chứ không quy hoạch loài vật nuôi. Nuôi con gì nên để cho thị trường quyết định.
Lý thuyết là vậy, nhưng để thực hiện được không hề dễ dàng. Căn bản là phải có người cầm trịch. Song, như đã nói ở trên, nếu nhà nước cầm trịch là thất bại, thay vào đó phải có doanh nghiệp đủ lớn bao quát được cả một vùng. Doanh nghiệp họ sẽ là người tự tìm thị trường, sau đó họ quay lại tìm vùng sản xuất trên cơ sở các vùng chăn nuôi đã được các tỉnh, thành quy hoạch. Nhà nước lúc đó chỉ cần cơ chế, chính sách tốt về cơ bản sẽ thành công.
“Để có một thị trường đúng nghĩa cũng như đúng quy luật, về mặt tư duy luôn phải xác định rõ rằng, thị trường là mục tiêu, doanh nghiệp là trung tâm, và nhà nước là bà đỡ", Cục trưởng Hoàng Thanh Vân.
Nông nghiệp Việt Nam