Nutifood muốn thoái toàn bộ hơn 77% vốn một doanh nghiệp cà phê thua lỗ triền miên
Cổ phiếu CPA đang giao dịch trên UpCOM với thị giá 10.200 đồng/cổ phiếu nhưng gần như không có thanh khoản. Nhiều khả năng Nutifood sẽ phải tìm đối tác để “sang tay” lượng cổ phiếu lớn này do rất khó để thoái vốn qua khớp lệnh trên sàn.
CTCP Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood vừa đăng ký bán ra toàn bộ gần 18,3 triệu cổ phiếu CPA tương đương 77,31% vốn tại CTCP Cà phê Phước An nhằm cơ cấu danh mục đầu tư. Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận trong khoảng thời gian từ ngày 27/12/2022 đến 19/1/2023.
Hiện tại, cổ phiếu CPA đang giao dịch trên UpCOM với thị giá 10.200 đồng/cổ phiếu nhưng gần như không có thanh khoản. Nhiều khả năng Nutifood sẽ phải tìm đối tác để “sang tay” lượng cổ phiếu lớn này do rất khó để thoái vốn qua khớp lệnh trên sàn. Tạm tính tại mức thị giá hiện tại, số tiền Nutifood có thể thu về từ thương vụ này vào khoảng gần 190 tỷ đồng.
Trước đó vào cuối tháng 9, Nutifood đã gây bất ngờ khi công bố đã hoàn tất thủ tục đầu tư 51% vào Cawells, một công ty thực phẩm bổ sung uy tín tại châu Âu. Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Nutifood, kỳ vọng sự kết hợp giữa Nutifood và Cawells sẽ tạo nên một thương hiệu thực phẩm bổ sung chăm sóc sức khỏe hàng đầu châu Á.
Về phía Cà phê Phước An, công ty tiền thân là Nông trường Quốc doanh Phước An, được thành lập vào ngày 1/04/1977. Đến cuối năm 2017, Cà phê Phước An tiến hành cổ phần hoá và đây cũng là thời điểm Nutifood tham gia đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Nutifood không đủ giúp tình hình kinh doanh của Cà phê Phước An trở nên khởi sắc hơn, thậm chí doanh nghiệp này sau đó còn lỗ kỷ lục hơn 51 tỷ đồng vào năm 2019.
Đến năm 2020, Nutifood tiếp tục rót thêm 100 tỷ đồng để mua 10 triệu cổ phiếu trong đợt chào bán riêng lẻ của Cà phê Phước An với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phần. Mục đích chào bán là bổ sung vốn và trả nợ vay. Sau giao dịch, Nutifood đã trở thành công ty mẹ chi phối 77,31% vốn như hiện nay.
Thời điểm đó, Cà phê Phước An đang sản xuất trên diện tích 827.4 ha vườn cây cà phê, 1.400 ha diện tích cà phê chứng nhận UTZ Certified, sản lượng xuất khẩu hàng năm đạt 7.000-10.000 tấn nhân/năm và xuất khẩu ở các thị trường như Nhật Bản, Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan, Ý, Mỹ,... Được bơm thêm trăm tỷ đồng vốn nhưng tình hình kinh doanh của doanh nghiệp cà phê này vẫn chìm trong thua lỗ.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, Cà phê Phước An ghi nhận doanh thu đạt 61,9 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn và chi phí quản lý tăng cao trong khi doanh thu tài chính lại giảm khiến doanh nghiệp lỗ ròng 6,4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái mới chỉ ở mức chưa đến 1 tỷ đồng.
Nhịp Sống Thị Trường