MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ồ ạt rút BHXH một lần: Bao nhiêu công nhân làm đến tuổi nghỉ hưu?

12-05-2022 - 11:16 AM | Xã hội

Nếu không giảm tuổi nghỉ hưu, giảm số năm đóng và quy định lại cách tính lương hưu, thì người lao động sẽ còn rút BHXH 1 lần ngày càng nhiều.

Sau khi Báo NLĐO có bài viết "Ồ ạt rút BHXH một lần: Phải giảm tuổi nghỉ hưu", rất nhiều bạn đọc đồng thuận với cách đặt vấn đề hết sức xác đáng trên tinh thần xây dựng của chúng tôi.

Bạn đọc có tên Nghĩa Trần bày tỏ: Đọc hàng ngàn bài viết về BHXH chỉ có bài viết này là đúng ý nguyện của đại đa số người lao động. Bạn đọc Dương Thị Diễm Hương thì nói bài viết hay, đúng với suy nghĩ của nhiều người lao động. Còn bạn đọc Tạ Văn Tân thì cho rằng bài báo nói rất đúng với nguyện vọng của nhiều người dân lao động, nếu cho giảm năm đóng BHXH xuống, đồng thời cũng giảm tuổi được hưởng hưu trí mới phù hợp, nhiều người nghỉ việc phải đợi tới 12 năm mới được hưởng, thời gian đợi dài như vậy họ lấy gì mà sống, ở tuổi 62 chỉ có làm công chức nhà nước mời hợp thôi, còn mấy doanh nghiệp tư nhân họ sa thải từ năm 40 tuổi rồi. Một bạn đọc tên Hiếu thì cảm ơn báo Người Lao Động đã nói lên đúng tâm tư nguyện vọng của người dân làm việc ở khu vực ngoài nhà nước.

 Ồ ạt rút BHXH một lần: Bao nhiêu công nhân làm đến tuổi nghỉ hưu?  - Ảnh 1.

Theo bạn đọc tên Hoàng, trước đây khi BHXH sửa luật tăng năm đóng và tăng tuổi nghỉ hưu cũng đã có rất nhiều bài viết tương tự như thế này rồi, tuy nhiên những người làm luật không phải trải qua cuộc sống khó khăn thực tế của người lao động trong doanh nghiệp, những người đang ồ ạt rút BHXH một lần ấy, cho nên họ vẫn cố tình tăng và tìm cách này hay cách khác để hạn chế người lao động có thể rút tiền.

Đề cập đến những hạn chế của Luật BHXH hiện hành, bạn đọc Nguyễn Tấn Đạt cho biết người lao động hơn 50 tuổi đã mắc đủ bệnh nghề nghiệp tuổi thọ chỉ được dưới 70. "Tôi mong nhà nước và ngành bảo hiểm xem xét lại để giảm tuổi nghỉ hưu và số năm đóng bảo hiểm thì mới đảm bảo công bằng tránh thiệt thòi cho người lao động ngoài doanh nghiệp nhà nước"- bạn đọc này nói. Cùng góc nhìn, bạn đọc Nguyễn Văn Huyên cho biết không chỉ công nhân ở khu công nghiệp mà còn rất nhiều công nhân ở các nghành nghề khác nữa, ví dụ như công nhân xây dựng cầu đường, nhà cửa v.v không trụ nổi đến 60 tuổi đâu. Do vậy, bạn đọc này đề xuất là phải giảm năm đóng bảo hiểm và số tuổi nghỉ hưu.

 Ồ ạt rút BHXH một lần: Bao nhiêu công nhân làm đến tuổi nghỉ hưu?  - Ảnh 2.

Phân tích thêm về bất cập của chính sách BHXH hiện hành, bạn đọc Hoàng Lan chia sẻ: Có 1 điều bất hợp lý là đối với người lao động công chức viên chức trong nhà nước khi nghỉ hưu được tính bình quân 5 năm cuối nhưng người lao động trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh lại tính bình quân cả thời gian đóng BHXH, nên lương của họ khi về nghỉ hưu rất thấp quá thiệt thòi cho lao động ngoài quốc doanh. Bạn đọc Hữu Nhật bộc bạch: Nói thật, chẳng cần công nhân hay giáo viên vùng sâu xa đâu! Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai…vào các khu công nghiệp, khu chế xuất coi, bao nhiêu công nhân trên 45 tuổi? Rất ít, vì 40 là họ bị đào thải rồi. 16 đến 18 tuổi vào công ty, với mật độ 12 đến 18 tiếng một ngày. Nửa tháng ca ngày, nửa tháng ca đêm thì chịu sao nổi! Họ không muốn tăng ca, có được không? Chắc chắn không được, lương cơ bản thấp, quản lý không cho nghỉ tăng ca, cố tình nghỉ sẽ bị ép nghỉ việc. Rồi cô giáo cũng có khá hơn gì, ai để ý các trường mẫu giáo hay tiểu học có bao cô trên 45 tuổi!

Theo bạn đọc Công Phạm, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam năm 2021 là 73 tuổi nhưng 61 tuổi mới được nghỉ hưu và chỉ được hưởng 10 năm với 75% lương chưa nói là nghỉ sớm hay đủ tuổi. Thử hỏi như thế người lao động có thiệt không? Với  bạn đọc Xuân Trang, nếu không giảm tuổi nghỉ hưu, giảm số năm đóng và quy định lại cách tính lương hưu, thì người lao động sẽ còn rút BHXH 1 lần ngày càng nhiều. Điều đó là tất yếu, không thể trách người lao động. Tương tự, theo bạn đọc Nguyễn Hương Giang, giảm tuổi hưu và số năm đóng BHXH là hợp lý.

 Ồ ạt rút BHXH một lần: Bao nhiêu công nhân làm đến tuổi nghỉ hưu?  - Ảnh 3.

Bạn đọc Thanh Pham thì gay gắt: Tôi nói thẳng nếu đưa về mức tuổi nghỉ hưu như trước đây mười mấy năm là 52 tuổi, thử hỏi người lao động có đồng ý không, chắc chắn là đồng, còn nếu đóng đủ 20 năm bảo hiểm và đúng tuổi nghỉ hưu thì 60% chúng tôi vẫn đồng tình. Đằng này theo luật hiện hành đóng đủ 20 năm và đúng tuổi hưu là 62 tuổi thì được 45% so với mức lương tham gia BH,XH nếu thử ngồi làm một bài toán thì khó có người ngoài khối nhà nước đợi đến tuổi cả, cả bản thân tôi.

Bạn đọc Đoàn Hảo chua chát nói: Giờ mức lương tối thiểu vùng  1 là hơn 4 triệu đồng, tôi về hưu được hưởng 45% của 4 triệu đồng thì có sống được không? Đó là chưa kể tôi chưa đủ tuổi về hưu lại bị trừ mỗi năm 2% thì lương còn bao nhiêu quá xa với mức lương tối thiểu vậy có được xét vào hộ nghèo không ạ?

Một bạn đọc tên Nguyên viết: Cũng cần phân biệt tuổi hưởng lương hưu với tuổi lao động, như tôi năm nay đã 59 rồi làm khối doanh nghiệp nước ngoài. Dù đã đóng hơn 20 BHXH tôi vẫn tiếp tục làm đến lúc nào công ty không còn cần nữa,việc giảm tuổi để hưởng lương hưu là động lực khuyến khích để những người đủ điều kiện vẫn tiếp tục làm việc thêm để tích lũy thêm mức lương hưu. Còn như tôi chỉ muốn tiếp tục làm việc mới đủ sống và khi không còn làm việc được thì nếu cho phép.. tôi vẫn xin rút BHXH 1 lần vì đồng lương hưu trí đó không biết có đủ ăn sáng không và tôi thì sống được mấy năm nữa(?)

Lương hưu phải bảo đảm cuộc sống

Minh Nguyễn bày tỏ chính kiế: BHXH hãy coi người lao động là khách hàng. Nhà nước coi người già cần trợ cấp. Khách hàng phải đem lại lợi nhuận tối đa. Người già là an sinh xã hội. Vì vậy cần có tính toán phù hợp để người dân thấy lợi thực tế sẽ mua sản phẩm. Lợi nhuận hay lợi ích chính là thời gian được hưởng lương hưu dài hơn khi sức khỏe yếu. An sinh là mức lương hưu phải bảo đảm mức sống về vật chất và tinh thần cho người già. Nên giảm tuổi nghỉ hưu xuống dưới 60 và nhà nước bù thêm tiền trượt giá vào lương hưu. Tiền là của xã hội, nhà nước không mất tiền, xã hội sẽ ổn định vì nhiều người sẽ mua bhxh tự nguyện và không cần vận động.

Theo An Chi

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên