MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ồ ạt rút BHXH một lần: Bất an với lương hưu

Ồ ạt rút BHXH một lần: Bất an với lương hưu

Nhiều bạn đọc Báo Người Lao Động cho rằng BHXH nên chốt tuổi lãnh lương hưu theo số năm. Nếu đóng đủ số năm thì người lao động được nhận lương hưu và vẫn có thể tiếp tục làm việc. Trong thời gian đang lãnh lương hưu thì người lao động không phải tiếp tục đóng BHXH.

Đề tài "Vì sao người lao động ồ ạt rút BHXH một lần" trên Báo NLĐO trong tuần qua tiếp tục nhận được sự quan tâm của đông đảo độc giả Báo Người Lao Động. Xung quanh bài viết "Ồ ạt rút BHXH một lần: Chờ đủ tuổi hưu thì người lao động sống bằng gì?", chúng tôi tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp của độc giả, trong đó chủ yếu phân tích những bất cập của Luật BHXH hiện hành về tuổi nghỉ hưu, số năm đóng BHXH và cách tính trượt giá.

Bạn đọc Báo Người Lao Động cũng đề nghị cơ quan soạn thảo luật (Bộ LĐ-TB-XH) cần nhìn thẳng vào bản chất vấn đề để từ đó hoàn thiện chính sách cho phù hợp với thực tiễn đời sống NLĐ, đặc biệt là khu vực ngoài quốc doanh.

Bạn đọc Trần Bình bày tỏ: "Rất cảm ơn chuyên mục này của Báo Người Lao động vì đã cho người lao động nói lên chính kiến của mình. Thực ra trong việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, giảm quyền lợi thụ hưởng khi nghỉ hưu khi thay đổi cách tính, cơ quan soạn thảo chưa nhìn vào thực trạng của người lao động tại các doanh nghiệp để tăng tuổi nghỉ hưu, áp đặt ý chí cá nhân môi trường làm việc của mình để tăng tuổi nghỉ hưu. Ví dụ một người làm việc trong phòng lạnh với một người làm việc tại công trường xí nghiệp điều kiện lao động hoàn toàn khác nhau, làm việc văn phòng điều kiện lao động, thu nhập ổn định còn có thể làm đến 62 với nam, 60 với nữ hoặc thêm hơn 5,10 năm nữa, nhưng thực sự ở công trường xí nghiệp lao động vất vả không thể làm quá 55 tuổi được đâu. Chưa kể hiện nay việc cho các doanh nghiệp xây dựng thang bảng lương để tham gia bảo hiểm xã hội, không có kiểm tra giám sát dẫn đến việc lách luật đóng BHXH cho người lao động cực thấp, làm nhiều năm cũng không có điều chỉnh tiền lương, thì kể cả có nhiều năm tham gia BHXH nhưng lương hưu cũng chẳng được bao nhiêu, nhiều người thấy thấp và tính đến số năm dài để đủ điều kiện hưởng lương hưu đành thanh toán một lần giải quyết trước mắt".

Cũng theo bạn đọc Trần Bình, một thực tế nữa là nhiều doanh nghiệp nợ không đóng BHXH cho người lao động, dẫn đến khi khó khăn về công việc, tài chính, họ không chốt sổ để hưởng trợ cấp thất nghiệp được, thay vì chế tài với người sử dụng lao động, cơ quan BHXH lại không giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho người lao động trong khi hàng tháng họ đóng đủ tiền BHXH cho doanh nghiệp gây mất lòng tin đành thanh toán số năm đã đóng bảo hiểm cho xong. Thực trạng hiện nay vẫn chưa có sự công bằng về cách tính lương hưu của đối tượng doanh nghiệp và đối tượng hưởng lương theo bảng lương của Nhà nước, mong rằng cơ quan BHXH lắng nghe diễn đàn này của người lao động để có điều chỉnh hợp lý hơn.

Ồ ạt rút BHXH một lần: Bất an với lương hưu - Ảnh 1.

Bạn đọc Ngô Văn Thưởng bức xúc: "Kiểu gì người lao động cũng bị thiệt thòi. Luật cũ đóng 15 năm hưởng 45% lương. Nay 20 năm mới được hưởng 45% lương, nghĩa mất 10% lương. Trước tính bình quân 5 năm cuối, giờ là bình quân của toàn bộ thời gian công tác. Khi nghỉ không còn công việc chưa đủ tuổi thời gian chờ đủ tuổi để được hưởng lương hưu có những trường hợp quá dài. Khi hưởng với mức lương quá thấp do đó người lao động luôn thấy bất an và sẽ nghĩ tới việc rút bảo hiểm một lần cho vừa chắc lại có tiền trang chải cho cuộc sống hiện tại còn quá khó khăn cũng là điều dễ hiểu.

Trong khi đó, theo bạn đọc Dũng Nguyễn, loại trừ những người có thời gian làm việc dài và có thu nhập rất cao khi còn công tác thì đại đa số NLĐ sẽ không đủ sống khi chỉ trông vào lương hưu. Do đó, việc BHXH suy diễn theo hướng NLĐ cứ đến đủ năm nhận lương theo số năm đóng BHXH tối thiểu thì sẽ nghỉ công tác, trong khi vẫn đang có thể cống hiến cho xã hội, để nhận lương hưu là không thỏa đáng. Với những NLĐ trên 40 tuổi, vì một lý do gì đó mà mất việc làm, sẽ rất khó có thể xin được một công việc để có thu nhập. Vậy từ 40 tuổi đến 62 tuổi họ có thể làm cái gì để sống Năm nay tôi 48 tuổi, thất nghiệp từ năm 2020. Cũng đã đi nộp hồ sơ vào một số vị trí nhưng không được chấp nhận do tuổi lớn rồi. Tôi đã đóng BHXH được 21 năm. Nếu tính theo qui định hiện hành thì tôi chỉ có thể lĩnh lương hưu bắt đầu từ năm 2035 hay 2036 gì đó. Chả biết có chờ được đến ngày đó hay không nữa. "Nói thật, nếu thời gian đóng BHXH không vượt quá số năm tối thiểu nên không rút được nữa thì tôi cũng rút ra rồi. Cầm chắc một số tiền, dù biết có thể thiệt thòi do không nhận được lương hưu khi đến tuổi, như vậy sẽ cảm thấy yên tâm hơn khi các qui định về BHXH càng ngày càng làm cho số tiền nhận được ít đi, càng ngày ngày nhận được lương hưu càng xa"- bạn đọc Dũng Nguyễn.

Trần Duy Linh nói: "Qua theo dõi Báo NLĐ với chuyên mục NLĐ ồ ạt rút BHXH 1 lần trong đại bộ phận người tham gia bảo hiểm, tôi thấy đây là hiện tượng đáng lo ngại, chứng tỏ chính sách hiện nay không đại diện cho nguyện vọng chính đáng của người ham gia bảo hiểm. Cơ quan làm luật cần nghiên cứu đánh giá lại vấn đề này, không nên tạo bức xúc xã hội ngày càng tăng. Tôi đề nghị Báo NLĐ cần thu thập các ý kiến về luật BHXH hiện nay bất hợp lý xem đó như là chữ ký của người dân để các Cơ quan XD luật và Quốc hội điều chỉnh lại cho hợp lý nhất là tuổi về hưu là 55 nữ và nam 60 tuổi như trước đây. Xin cảm ơn quý Báo.

Ồ ạt rút BHXH một lần: Bất an với lương hưu - Ảnh 2.

Góp ý hoàn thiện chính sách, một bạn đọc tên Thanh nói: "Tôi cho rằng BHXH nên chốt tuổi lãnh lương hưu theo số năm. Nếu đóng đủ số năm thì người lao động được nhận lương hưu và vẫn có thể tiếp tục làm việc. Trong thời gian đang lãnh lương hưu thì người lao động không phải tiếp tục đóng BHXH. Nhà nước cũng nên bỏ tuổi hưu đối với lao động thuộc khối tư nhân vì ở khối này, người ta thuê theo năng lực chứ không theo tuổi và thực tế người 60-70 tuổi vẫn có thể điều hành doanh nghiệp hay làm quản lý. Suy cho cùng thì lương hưu hay lãnh BHXH 1 lần thì đó cũng là tiền của người dân đóng góp cho quỹ và quỹ BHXH cũng như một dạng quỹ đầu tư dựa trên tiền gửi của người lao động.

Theo bạn đọc Nguyễn Nhiên, đây là chủ đề nhạy cảm vì vấn đề quan trọng liên quan an sinh xã hội. Biết là BHXH đang bất cập nhưng các cơ quan có trách nhiệm, lãnh đạo có trách nhiệm cũng chỉ biết khuyên và tuyên truyền tính ưu việt của BHXH là chủ yếu. Rút ào ạt hay giảm tuổi nhận hưu thì nguy cơ vỡ quỹ BHXH là rất cao, đây mới là điểm mấu chốt. "Chỉ mong các cơ quan có trách nhiệm nhận ra những bất cập để sửa đổi luật chứ không nên áp đạt và đưa ra quy định hạn chế hoặc không cho NLĐ rút 1 lần" – bạn đọc Nguyễn Nhiên góp ý.

Hỗ trợ NLĐ thất nghiệp

Một bạn đọc tên Sam góp ý: Thứ nhất, cần cho phép NLĐ lãnh lương hưu khi họ đã đóng BHXH đủ 20 năm, có thể cho họ lãnh ở mức thấp nhất. Thứ hai, cần có các chính sách hỗ trợ khi NLĐ thất nghiệp phải chờ đến tuổi nghỉ hưu. Thứ ba, khi NLĐ chưa lãnh BHXH 1 lần không may qua đời thì thân nhân của họ phải được lãnh số tiền này không lãnh tiền tử tuất như hiện nay. Thứ tư, cần có chế tài phạt thật nặng các cơ quan NN và các doanh nghiệp giới hạn độ tuổi tuyển lao động dưới 30, 35, 40...

Theo An Chi

Người Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên