Nhiều chính sách hỗ trợ sắp tới tay doanh nghiệp
Doanh nghiệp kỳ vọng các chính sách hỗ trợ sớm được triển khai với thủ tục đơn giản, dễ tiếp cận. Ảnh: TẤN THẠNH
Doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã kỳ vọng rất lớn vào các chính sách hỗ trợ về thuế, lãi suất cho vay đang bắt đầu được triển khai trong giai đoạn phục hồi kinh tế.
- 23-05-2022Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: “Chương trình phục hồi quá chậm”
- 23-05-2022Cơ quan thẩm tra của Quốc hội đánh giá về thị trường vốn và bất động sản
- 22-05-2022Hai công ty thuộc Tân Hoàng Minh nợ thuế gần 183 tỷ đồng
Dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất, thuê mặt nước trong năm 2022 mà Bộ Tài chính đang trình Chính phủ; hay Nghị định 31 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách vừa được ban hành, sẽ góp phần giúp DN, hộ kinh doanh giảm bớt khó khăn về tài chính để phục hồi nhanh hơn.
Giảm thuế, hỗ trợ lãi suất
Nghị định 31 của Chính phủ nêu rõ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hỗ trợ lãi suất cho vay là 2%/năm khi có nhu cầu vay vốn, thuộc ngành hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin...
Đồng thời, các DN có mục đích sử dụng vốn vay để thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng tổng hợp, công bố cũng thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi vay. Khoản vay được hỗ trợ lãi suất bằng VNĐ, ký kết và giải ngân cho vay từ ngày 1-1-2022 đến 31-12-2023, sử dụng vốn đúng mục đích và chưa được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách theo các chính sách khác.
Để triển khai có hiệu quả chính sách này, Chính phủ yêu cầu cần bảo đảm công khai, đúng đối tượng, đúng mục đích, minh bạch, tránh trục lợi chính sách. Ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất bảo đảm đúng quy định, tạo thuận lợi cho khách hàng.
Chính sách hỗ trợ lãi suất là một trong những nội dung tại kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Chiều 22-5, trao đổi với Báo Người Lao Động, một lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước cho biết cơ quan này đang khẩn trương soạn dự thảo thông tư hướng dẫn để các ngân hàng sớm triển khai hỗ trợ lãi vay 2%/năm cho khách hàng.
Đối với dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất, thuê mặt nước trong năm 2022, Bộ Tài chính nhấn mạnh đây là giải pháp cấp bách cần ban hành ngay để kịp thời hỗ trợ các đối tượng chịu tác động.
Các phương án hỗ trợ được nêu chi tiết tại dự thảo, áp dụng đối với toàn bộ đối tượng tại điều 2 Nghị định 52/2021/NĐ-CP. Như Bộ Tài chính đề xuất gia hạn 6 tháng đối với số thuế GTGT từ tháng 3 đến tháng 5-2022 và quý I/2022; gia hạn 5 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 6-2022 và quý II/2022; gia hạn 4 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 7-2022; gia hạn 3 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 8-2022 cho các đối tượng thụ hưởng.
Thời gian gia hạn được tính từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế GTGT theo quy định về quản lý thuế… Tổng số thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước được gia hạn theo đề nghị của Bộ Tài chính sẽ vào khoảng 125.300 tỉ đồng.
Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa - Hiệp hội DN TP HCM (HUBA), nhìn nhận dự thảo nghị định đã cụ thể hóa nội dung Nghị quyết 11 của Chính phủ và triển khai Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình. Dự thảo nghị định có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp sức, tạo động lực cho DN, người dân hồi phục sau dịch Covid-19.
"Có điều, DN và người dân đều đang đuối sức, tốc độ hồi phục không đồng đều, cần trợ lực mạnh mẽ hơn. Theo tôi, không chỉ giãn thời hạn nộp thuế, Chính phủ cần mạnh dạn giảm, miễn một số sắc thuế phù hợp dựa trên sự cân nhắc giữa hiệu quả lâu dài của chính sách mang lại so với số thất thu thuế trước mắt" - ông Nghĩa góp ý.
Bớt áp lực chi phí tài chính
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nếu được nhà nước gia hạn các loại thuế sẽ tương đương việc DN có thêm nguồn vốn lưu động với lãi suất 0% để hoạt động. Điều này có ý nghĩa rất lớn, giúp DN giảm chi phí, góp phần kiềm chế lạm phát trong bối cảnh chi phí đầu vào đồng loạt tăng. Kỳ vọng chính sách hoãn nộp thuế được triển khai đơn giản, DN không phải thực hiện nhiều thủ tục phức tạp, vì thời gian cũng là chi phí.
Ông Phạm Hải Long, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Agrex Saigon, cũng nói rằng hiện giá nguyên vật liệu đầu vào, giá xăng dầu, cước vận chuyển... đều tăng cao, làm đội chi phí, giá thành sản xuất. Điều này khiến nhiều công ty phải trì hoãn hoặc hủy đơn hàng vì nguy cơ thua lỗ. Do đó, gói hỗ trợ gia hạn thuế, tiền thuê đất nếu tiếp tục được triển khai sẽ tiếp sức cho các DN vượt qua giai đoạn khó khăn này.
"Số tiền thuế được gia hạn tạm thời chưa phải nộp sẽ được dùng để tập trung đầu tư cho sản xuất - kinh doanh. Như tiền thuê đất, mỗi năm chúng tôi phải chi trả không ít nên gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất là thông tin đáng mừng. DN mong muốn chính sách này cần sớm được triển khai với thủ tục đơn giản để dễ tiếp cận trong giai đoạn phục hồi kinh tế" - ông Long nói.
Trong khi đó, với gói hỗ trợ lãi suất cho vay 2%/năm đang sắp được các ngân hàng thương mại triển khai, nhiều DN cũng kỳ vọng không ít. Trong đại dịch Covid-19, du lịch, hàng không là những ngành chịu thiệt hại và tác động nặng nề. Nhiều DN du lịch cho hay do không có khách trong dịch, không còn dòng tiền, tài sản thế chấp cũng đã nằm ở ngân hàng nên việc tiếp cận vốn khó và lãi suất vay cao. Vì vậy, nếu được giảm 2%/năm lãi vay sẽ hỗ trợ không nhỏ cho DN giảm chi phí tài chính, bớt gánh nặng đầu vào.
Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, cho biết nhiều DN trên địa bàn cũng đang trông chờ gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm. Chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm dành cho một số DN, hợp tác xã và hộ kinh doanh nằm trong chương trình tổng thể phục hồi kinh tế năm 2022-2023. Đã mất một khoảng thời gian khá dài từ lúc bàn bạc đến lúc ra quyết định. Nay quyết định đã ban hành, DN rất mong sớm được triển khai để DN có thêm nguồn tài chính trang trải.
Nên miễn giảm thuế TNCN, nâng mức giảm trừ gia cảnh
Theo luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, cùng với những giải pháp từ dự thảo nghị định của Bộ Tài chính, cơ quan quản lý nên tiếp tục thực hiện chính sách giảm 30% số thuế TNDN phải nộp đối với DN có doanh thu trong kỳ tính thuế năm nay giảm so với kỳ tính thuế năm trước đó, tương tự cách làm tại Nghị định 92/2021/NĐ-CP. Ngoài ra, ông đề xuất miễn thuế TNCN từ 3-6 tháng nhằm giảm thiểu khó khăn cho người dân, kích thích chi tiêu.
"Cùng với việc giảm 2% thuế suất thuế GTGT đã thực hiện từ đầu năm, nếu có thể miễn giảm phần nào thuế TNCN và nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc. Từ đó, người dân có thể giảm bớt gánh nặng, tăng chi tiêu và hỗ trợ kích cầu cho nhóm DN sản xuất, dịch vụ. Còn nếu chỉ gia hạn thời hạn nộp thuế thì người dân sẽ có tâm lý "đằng nào cũng phải nộp" và càng thắt chặt chi tiêu hơn. Mặt khác, việc miễn, giảm thuế TNCN không chỉ không gây thất thu quá lớn mà còn đem lại hiệu quả cao trong việc tăng thu thuế TNDN" - luật sư Nghĩa phân tích.
Người lao động