Ồ ạt rút BHXH một lần: Chờ đủ tuổi hưu thì người lao động sống bằng gì?
Không nên quy định độ tuổi là bao nhiêu mà cần quy định cứng là đóng BHXH bao nhiêu năm thì được lĩnh lương hưu.
- 19-05-2022Ồ ạt rút BHXH một lần: Còn bất bình đẳng trong việc tính lương hưu
- 16-05-2022Ồ ạt rút BHXH một lần: Giảm tuổi hưu, tăng mức hưởng
- 14-05-2022Ồ ạt rút BHXH một lần: Lấp khoảng trống lương hưu, cách nào?
Đề tài "Vì sao người lao động ồ ạt rút BHXH một lần" trên Báo NLĐO trong 2 tuần qua tiếp tục nhận được sự quan tâm của đông đảo độc giả Báo Người Lao Động. Không chỉ thẳng thắn chỉ ra những bất cập của Luật BHXH hiện hành, tập trung vào tuổi nghỉ hưu, số năm đóng BHXH và cách tính trượt giá, nhiều bạn đọc cũng nghị cơ quan soạn thảo luật (Bộ LĐ-TB-XH) cần nhìn thẳng vào bản chất vấn đề để từ đó tham mưu cho Quốc hội hoàn thiện chính sách cho phù hợp, đáp ứng nguyện vọng của NLĐ,.
Góp ý cho bài viết "Ồ ạt rút BHXH một lần: Luật BHXH càng điều chỉnh, càng bất cập", bạn đọc tên Khanh bày tỏ: "Tôi thấy rất nhiều ý kiến đưa ra rất chính xác về những bất cập của BHXH, về vấn đề cách tính và hưởng lương hưu, ai cũng thấy vấn đề nhưng cuối cùng những thay đổi cũng vẫn thiệt thòi cho người lao động". Theo bạn đọc này, tiền của NLĐ làm ra thì họ phải được hưởng chứ đâu phải tiền trên trời rơi xuống. Tương tự, một bạn đọc tên Liêm viết: "Luật BHXH điều chỉnh, sửa đổi nhưng không trưng cầu rộng rãi ý kiến NLĐ, không có tầm nhìn bao quát thực trạng NLĐ thì vẫn cứ bất cập".
Bạn đọc Phạm Cường nêu ví dụ: "Tôi làm tại UBND xã, đóng BHXH được 32 năm 4 tháng, nay 57 tuổi. Tôi bất ngờ bị thất nghiệp, do UBND thay đổi nhân sự và sắp xếp công việc không phù hợp nên cấp trên không chấp nhận. Giờ phải chờ đến cuối năm 2026 để đủ 62 tuổi mới nhận hưu. Thật vô lý, giờ tôi sống bằng gì? Theo tôi, luật BHXH cần thay đổi gấp. Đóng bao nhiêu năm, sẽ nhận hưu bấy nhiêu năm. Và sẽ nhận ngay khi bị nghỉ việc. Có vậy người dân mới yên tâm được". Theo bạn đọc Nghĩa Hà, các ý kiến đóng góp trên Báo Người Lao Động rất xác đáng thực. Làm rõ hơn, bạn đọc này cho biết: Tôi là giáo viên mầm non sắp nghỉ hưu. Tôi có 21 năm 8 tháng tham gia BHXH, chắc có lẽ lương hưu không đủ đảm bảo cuộc sống phải kiếm việc làm thêm Nguyện vọng tôi muốn được tính 20 năm đóng bảo hiểm mà được 75% lương hưu . Rất mong BHXH xem xét để NLĐ không bị thiệt thòi".
Bạn đọc Lưu Hải Sơn ấm ức: "Đợi tới 62 tuổi mới được hưởng lương hưu? Mấy ai đợi được?Ngày mai tôi cũng chuẩn bị hồ sơ đi rút 1 lần lấy vốn buôn bán để sống" Tương tự, một bạn đọc giấu tên bày tỏ: "Theo tôi Luật BHXH càng cải cách càng thấy thụt lùi, bởi 45 tuổi đã bị cho là hết sức lao động nhiều doanh nghiệp muốn đào thải để thay những người trẻ hơn cuộc sống thì chẳng chờ đợi ai liệu đợi được đến năm 60 tuổi? Thà cứ để 20 năm công tác và tuổi nghỉ hưu thấp đi còn tránh được việc người lao động ồ ạt rút bảo hiểm một lần còn hơn là rút ngắn năm đóng bảo hiểm nhưng lại tăng tuổi nghỉ hưu. Mong các lãnh đạo trên cao hãy đặt vị trí của mình vào người lao động để thâú hiểu rồi hãy đòi sửa luật tăng tuổi".
Bạn đọc Phạm Dương đặt câu hỏi: "Rút 1 lần phải chờ 1 năm sau mới được rút, hỏi trong 1 năm đó BHXH làm gì và người lao động có được hưởng lãi không, tất nhiên là không". Một bạn đọc tên Linh hài hước: "Bài toán đơn giản, 45 tuổi đóng BHXH được 20 năm. Thay vì chờ tới 17 năm để lĩnh lương hưu nên rút một lần rồi gửi ngân hàng 17 năm. Khi đó lãi mẹ đẻ lãi con cũng được số tiền khá lớn. Lúc 62 tuổi già rồi thì rút lãi hàng tháng, mặc dù tiền lãi hàng tháng có thể thấp hơn lương hưu một chút nhưng chắc ăn, đến khi mất vẫn còn gốc cho con cháu".
Ở môt góc nhìn thực tế hơn, bạn đọc Đức Biên phân tích: "Cơ quan BHXH không đi sát với thực tế người lao động hiện nay. Đa phần đều nói do Covid người lao động không có tiền trang trải cuộc sống nhưng thực chất người lao động tiện thể trong lúc nghỉ không có việc làm họ rút một lần, vì không thể đợi đến tuổi nghỉ hưu được. Cách tính hưởng BHXH như vậy là thiệt so với người lao động vì không tính trượt giá của đồng tiền. Hơn nữa cơ quan soạn thảo lại gấp rút sửa đổi luật theo hướng chốt bảo hiểm từ 20 năm xuống 15 năm. Mục đích là làm khó cho người lao động không muốn cho họ rút một lần. Cho dù họ có chốt 15 năm nhưng vẫn phải chờ đủ tuổi mới đc lĩnh lương. Càng như vậy mấy năm tới người lao động khi đóng gần được 15 năm họ sẽ nghỉ để lấy một lần rất nhiều".
Góp ý thêm, bạn đọc Thạch Nguyễn viết: "Không nên quy định độ tuổi là bao nhiêu mà cần quy định cứng là đóng BHXH bao nhiêu năm thì được lĩnh lương hưu. Đồng quan điểm, bạn đọc tên Vân cũng cho rằng Luật BHXH càng điều chỉnh, càng bất cập. "Xin hãy quay lại theo quy định cũ, để người lao động không bị thiệt thòi. Chứ cứ thế này, thì nhiều người, không thể đợi đến ngày nghỉ hưu. Mong các cấp lãnh đạo xem xét lại, sao cho thuận cho người lao động" – bạn đọc này nói. Theo bạn đọc Nguyễn Việt Anh, nên giữ mức tuổi như cũ là nữ 55 tuổi, Nam 60 tuổi, chỉ cần đủ năm đóng là giải quyết hưu trí. Thực tế, nhiều lao động tuổi cao nhất là nữ cứ chờ đủ tuổi để về hưu sẽ dẫn tới chất lượng công việc không tốt, BHXH nên xem xét lại cách tính lương hưu để người lao động đỡ thiệt thòi.
"Sao chưa thấy cơ quan nào có thẩm quyền trả lời về những bất cập bất công của BHXH mà chỉ thấy nói về tính ưu việt cùa BHXH và khuyên người lao động không nên rút một lần để chờ lĩnh lương hưu mà không cần biết họ có sống nổi bằng lương hưu hay không"- bạn đọc Đặng Thanh Tùng viết.
Người lao động