Ồ ạt rút BHXH một lần: Phải xem xét lại tuổi nghỉ hưu
Theo ý kiến của nhiều bạn đọc Báo Người Lao Động, không nên khống chế tuổi nghỉ hưu mà hãy để người lao động tự quyết định
- 04-07-2022Xây dựng cảng trung chuyển quốc tế trị giá 6 tỷ USD, TP. Hồ Chí Minh sẽ có những cơ hội gì?
- 04-07-2022Lộ diện 10 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm khởi sắc nhất
- 04-07-2022GDP (PPP) đứng thứ 3 ASEAN, thứ 12 châu Á, vậy so với thế giới Việt Nam xếp thứ mấy?
Bộ LĐ-TB-XH đang hoàn tất hồ sơ thủ tục 11 nhóm chính sách cải cách bảo hiểm, dự kiến trình Quốc hội vào năm 2023. Trong các nhóm này sẽ giảm dần thời gian đóng BHXH, cụ thể là rút dần xuống 15 năm và tiến tới có thể 10 năm, với tinh thần đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ngắn hưởng ít. Xung quanh ý kiến này, trên Báo NLĐO có vệt bài viết: "Ồ ạt rút BHXH một lần". Các bài viết nhận được sự đồng thuận cao của đa số bạn đọc Báo Người Lao Động.
Trần Quyên bày tỏ: "Cách tính lương hưu rất bất bình đẳng, tại sao NLĐ trong khối Nhà Nước thì lương hưu chỉ lấy bình quân 5 năm công tác sau cùng, còn NLĐ ở doanh nghiệp thì lấy bình quân cả quá trình công tác Trong khi đó lương của những năm mới vào làm thì bậc thấp, lương ít, do đó nó kéo xuống rất nhiều khi tính lương hưu, trong khi quy định mức đóng thì lại như nhau. Tôi đề nghị phải lấy lương bình quân là như nhau, không phân biệt đó là lao động khối DN nào. DN tôi thuộc DN công ích, thời gian từ 2015 trở về trước được tính là cơ quan nhà nước khi tính lương hưu thì tính nửa nọ nửa kia. Từ 2015 về trước tính lương hưu thì lấy bình quân 5 năm cuối, từ năm 2015 trở lại đây thì lấy bình quân toàn bộ thời gian rỗi cộng với bình quân 5 năm cuối của khu vực nhà nước lên lương hưu rất là thấp, cách tính này vô cùng bất công, đề nghị sửa đổi". Đồng quan điểm, bạn đọc tên Phương cũng đề nghị cần xem xét lại tuổi nghỉ hưu đối với người lao động làm việc ở các DN tư nhân và DN nước ngoài.
Một bạn đọc tên Liêm nhận xét: "Nói thẳng, cách tính trả lương hưu như hiện nay của ngành BHXH người lao động nghỉ hưu trước tuổi bị trừ % đã thiệt thòi lớn, còn kèm theo điều kiện mất sức khỏe từ 61% trở lên, đây là một bất hợp lý, mang tính áp đặt". Tương tự, bạn đọc tên Quang cũng chỉ ra bất cập hiện nay là một người đóng đủ 35 năm bảo hiểm nhưng chưa đủ tuổi nghỉ hưu họ muốn nghỉ thì bị trừ 2% một năm, trong khi họ không muốn tiếp tục làm việc vì sức khỏe yếu, trong khi hưởng nguyên lương cuộc sống đã khó khăn mà bị trừ nữa làm sao họ sống. "Các nhà xây dựng chính sách cần gặp gỡ người lao động để tìm hiểu tâm tư của người lao động" – bạn đọc này đề nghị.
Với bạn đọc Võ Tuấn Hải, cơ quan soạn thảo hãy nhìn thằng vào sự thật và mạnh dạn thay đổi, đừng sửa cái sai cũ bằng cái sai tiếp theo. "Tại sao tiền mồ hôi, nước mắt của những NLĐ mà chúng tôi không được quyết định. Tại sao cùng là NLĐ mà chính sách thụ hưởng khác nhau giữa trong và ngoài quốc doanh. Cách trừ % cho những ai mất sức 61% thì rất bất hợp lý. Tôi ví dụ một NLĐ đi làm từ năm 20 đến năm 40 tuổi chẳng may bị suy giảm sức khỏe 61%, tính ra anh ta bị trừ mất 44% do nghỉ sớm 22 năm, còn lại 1% lương hưu, trong khi đó không thể rút 1 lần do đủ 20 năm đóng. Nên bỏ quy định hạn chế quyền rút 1 lần hay bảo lưu của NLĐ để họ an tâm làm việc và đóng BHXH khi có thể, nếu không họ sẽ rút hết 1 lần khi gần đến giới hạn" - bạn đọc này kiến nghị.
Một bạn đọc giấu tên khác đề nghị không khống chế tuổi nghỉ hưu mà hãy để NLĐ tự quyết định. Đã đóng hưởng thì đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít. Đóng đủ trần 75 % thì không đóng nữa, người lao động tự quyết tuổi hưu của mình, nhà nước chỉ quyết tuổi tối đa nghỉ hưu". Bạn đọc Ngô Nhuận đặt câu hỏi: "Bộ LĐ-TB-XH đang hoàn tất hồ sơ thủ tục 11 nhóm chính sách cải cách bảo hiểm, dự kiến trình Quốc hội vào năm 2023". Không biết đến bao giờ NLĐ mới được biết đến 11 nhóm này? Thiết nghĩ cơ quan soạn thảo nên công khai 11 nhóm này và Dự thảo Luật BHXH để người dân được biết và tham gia góp ý; tổng hợp các ý kiến, đề xuất để hoàn thiện Dự thảo Luật. Cá nhân tôi vẫn thấy rằng: khi NLĐ đã đóng BHXH đủ năm bắt buộc (ví dụ: 20 năm) thì được lĩnh lương hưu theo tỷ lệ nhà nước quy định. Ai có đủ sức khỏe muốn làm việc tiếp thì tiếp tục làm việc và đóng BHXH. Đóng bao nhiêu năm thì hưởng bấy nhiêu năm, đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít. 55 hay 60 tuổi chỉ là số tuổi quy định hết tuổi lao động để được nghỉ ngơi chứ không nên quy định đó là tuổi được lĩnh lương hưu. Thực tế cũng có rất nhiều người 70 tuổi vẫn đang làm việc, chỉ là họ không đóng BHXH thôi.
Giảm tuổi hưởng BHXH nam 60 nữ 55 là hợp lý
Theo bạn đọc Đỗ Công Hiển, quy định đóng BHXH 10 năm, 15 năm hay 20 năm cũng được, nhưng tuổi hưu cần giảm lại, vì chờ đến năm 60 - 62 tuổi lúc đó biết còn sống không mà hưởng. Cùng góc nhìn, theo bạn đọc Bình An, cách gọi đúng là trả lại tuổi nghỉ hưu cho người dân, vì trước đây, khi đời sống xã hội chưa phát triển như 2022, người dân đã được nghỉ hưu tuổi 55 và 60 rồi. Bạn đọc Đào Đắc Huy Thanh góp ý: "Chung quy giảm tuổi hưởng BHXH nam 60 nữ 55 là hợp lý, giải quyết mọi vấn đề người lao động rút 1 lần". Bạn đọc Nguyễn Văn Trực thì quả quyết: "Chắc chắn là sẽ không giảm tuổi hưu nhưng ít ra họ phải cho NLĐ được quyền nghỉ hưu mà không trừ % nếu đã đóng đủ số năm nghĩa là NLĐ được quyền nghỉ hưu và hưởng đủ 75% lương hưu nếu như họ đã tham gia đủ thời gian nam 35 năm, nữ 30 năm mà không cần xét đến tuổi".
Người Lao Động