MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ồ ạt rút BHXH một lần: Thiết kế lại khung đóng - hưởng

Ồ ạt rút BHXH một lần: Thiết kế lại khung đóng - hưởng

Theo số đông bạn đọc Báo Người Lao Động, nên trả lại tuổi nghỉ hưu như trước đây, nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi. Bộ LĐ-TB-XH cũng nên tính toán thật kỹ các nhóm chính sách để làm sao người lao động có thể sống bằng lương hưu.

Bộ LĐ-TB-XH đang hoàn tất hồ sơ thủ tục 11 nhóm chính sách cải cách bảo hiểm, dự kiến trình Quốc hội vào năm 2023. Trong các nhóm này sẽ giảm dần thời gian đóng BHXH, cụ thể là rút dần xuống 15 năm và tiến tới có thể 10 năm, với tinh thần đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ngắn hưởng ít. Xung quanh đề xuất này, Báo NLĐO đã có nhiều bài viết "Ồ ạt rút BHXH một lần: Cái người lao động cần thì không sửa" và nhận được nhiều ý kiến đồng tình của số đông bạn đọc. Nhiều bạn đọc bức xúc chỉ ra những bất cập của Luật BHXH hiện hành và đề xuất các giải pháp để hoàn thiện chính sách, từ đó hạn chế tình trạng rút BHXH một lần.

Bạn đọc Ngô Nhuận bày tỏ: "Cám ơn Báo NLĐO đã tổng hợp các ý kiến của NLĐ. Giá mà cơ quan soạn thảo cũng có bộ phần tổng hợp và ý kiến và gửi lại cho bạn đọc biết thì tốt quá. Ít ra thì NLĐ cũng thấy rằng các ý kiến tham gia đóng góp của họ được ghi nhận". Một bạn đọc giấu tên chỉ ra thực tế: "Tôi thấy từ khi áp dụng tăng thời gian nghỉ hưu đến giờ, hầu hết những trường hợp thay vì đúng tuổi nghỉ hưu thì họ ở lại thêm vài tháng ăn lương và chế độ trọn vẹn nhưng lãnh đạo không thể phân việc cho họ được. Họ xem thời gian nghỉ hưu cộng thêm giống như họ được "khuyến mãi thời gian" ở lại để "ngồi chơi xơi nước". Khi lãnh đạo phân công (chỉ là việc tạm để chờ về hưu chính thức) thì họ vùng vằng cho là " còn vài tháng nữa về hưu rồi, mấy việc này để mấy đứa trẻ làm cho nó nhanh".

Theo một bạn đọc tên Hoàng, với chính sách BHXH với người lao động hiện nay là tăng tuổi hưu, trừ % lương hưu với NLĐ nghỉ sớm 2% là quá cao trong khi mức hưởng đủ có 75% lương cơ bản. Là người lao động trong nghề nặng nhọc nguy hiểm sức khỏe, bạn đọc này khẳng định không thể đợi đủ tuổi đủ năm về hưu mà về sớm bị trừ nhiều như vậy. Tương tự, một bạn đọc tên Liêm cũng cho rằng Luật BHXH càng sửa đổi càng bất cập, NLĐ càng bất an, chứng tỏ tầm nhìn của ban soạn thảo còn hạn chế, nên chăng nhà nước cần có cuộc đổi mới toàn diện, căn cơ những bất cập này.

Ồ ạt rút BHXH một lần: Thiết kế lại khung đóng - hưởng - Ảnh 1.

Ở một góc nhìn toàn diện hơn, một bạn đọc thân thuộc góp ý: "Dưới những bài viết của Người Lao động về BHXH tôi đều góp ý, nhưng không biết góp ý này đi được đến đâu, nhưng mà tôi vẫn quan tâm và góp tiếp. BHXH cần thiết kế lại khung đóng hưởng, một năm đóng hưởng bao nhiêu là hợp lý rồi cứ thế mà đóng vào, đến khi nào đủ điều kiện để hưởng lương hưu thì được quyền nghỉ đóng và hưởng lương hưu, nếu muốn hưởng cao hơn thì đóng tiếp. Nếu muốn rút một lần thì cứ rút. Như vậy NLĐ có quyền sử dụng tiền mồ hôi công sức của mình bỏ ra, người nào có điều kiện thì nghỉ ngơi sớm, người nào ít điều kiện thì gắn thêm sức để đóng thêm mà có tiền lương đỡ đỡ dưỡng lão. Không nên quy định độ tuổi nghỉ hưu mà mức kịch trần lương hưu của người lao động. Theo phương châm đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít".

Nhân việc Bộ LĐ-TB-XH soạn thảo dự luật BHXH trình QH, bạn đọc Nguyễn Thị Tâm gởi gấm tâm tư: "Tôi xin gởi một điều để ghi vào luật. Đó là: Tiền đóng BHXH là công sức, mồ hôi, nước mắt trong suốt quá trình của NLĐ, khi NLĐ chẳng may chết trước khi được nghỉ hưu thì tiền BHXH của họ được thừa kế theo luật định mà không phải trừ % nào cả". Còn theo bạn đọc Mai Bảo Hà, đúng là không nên quy định tuổi nghỉ hưu. Đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiều. Nếu còn tâm huyết còn sức thì họ sẽ ở lại không chỉ là rào cản cho xã hội cho thế hệ sau". Một bạn đọc tên Vinh bày tỏ: "Ngoài những bất cập về thời gian đóng, tuổi được hưởng lương hưu, thì cách tính lương hưu cũng thể hiện sự bất bình đẳng, tại sao NLĐ trong khối Nhà Nước thì lương hưu chỉ lấy bình quân 5 năm công tác sau cùng, còn NLĐ ở DN tư nhân thì lấy bình quân cả quá trình công tác? Trong khi đó lương của những năm mới vào làm thì bậc thấp, lương ít, do đó nó kéo xuống rất nhiều khi tính lương hưu, trong khi quy định mức đóng thì lại như nhau. Tôi đề nghị phải lấy lương bình quân là như nhau, không phân biệt đó là lao động khối DN nào.

Ồ ạt rút BHXH một lần: Thiết kế lại khung đóng - hưởng - Ảnh 2.

Đồng quan điểm, một bạn đọc tên Hải nhận xét: "Tôi thấy bài báo thu thập các ý kiến của người lao động rất chuẩn, rất đồng tình. Nhà nước cần xem lại độ tuổi và năm đóng cho nghỉ hưu hưởng chế độ của công nhân và cần công bằng chế độ đóng, hưởng giữa người làm việc trong nhà nước và ngoài nhà nước, không nên phân biệt bất hợp lý cho công nhân phải bị bình quân cả quá trình đóng BHXH. Người làm chính sách cần hỏi, khảo sát nhiều dạng lao động, đặc biệt nhiều lứa tuổi để có số liệu toàn diện, sát thực, chú trọng đối tượng 40-45, 45-50, 50-55 và >55 tuổi, họ đã làm nhiều năm, sức khỏe đã hao mòn nhiều".

Hài hòa lợi ích

Theo bạn đọc Phạm Bách, nếu vẫn theo lộ trình tuổi nghỉ hưu 62 tuổi với Nam và 60 tuổi với Nữ thì chuyện người lao động ngoài quốc doanh rút BHXH 1 lần là bắt buộc. Nếu nhà nước quy định 10 năm chốt sổ để tính hưu thì 9 năm họ xin rút, quy định 15 năm thì đến năm 14 họ xin rút. Nhà nước có chính sách thì dân có đối sách, làm sao hài hòa được lợi ích của 2 bên mới đúng đắn nhất. Sự thật là không cần đến ngoài 50 hay 60 mà chỉ cần qua 35 là các doanh nghiệp nước ngoài - khối tư nhân đã không tuyển lao động rồi. Các bác làm luật cứ đọc thông báo tuyển dụng là rõ, khối tư nhân ngoài nhà nước không phải như biên chế nhà nước - bát cơm mãi mãi . Tư nhân không làm nổi việc , không chịu được khoán được tăng ca là họ cho nghỉ ngay. Hiện nay bất cập nhất là tuổi nghỉ hưu chưa kể cách tính % của những năm cuối khối nhà nước lại có lợi hơn rất nhiều . Đề nghị nhà nước áp dụng lại tuổi nghỉ hưu cũ là Nam nghỉ hưu tuổi 60 và Nữ là 55. Nếu ai phấn đấu thêm đến tuổi 62 và 60 thì thêm cho họ % lương . Còn không thì tình trạng rút BHXH 1 lần không bao giờ giải quyết được

Theo An Chi

Người Lao Động

Trở lên trên