Ở các nước không bóng dáng xe máy, người ta đi lại như thế nào?
Không có xe máy, cũng chẳng quá xa xôi cách trở để leo lên xe hơi, thế nhưng cư dân ở những quốc gia này vẫn có nhiều cách di chuyển nhẹ nhàng và linh hoạt.
- 12-06-2016Đây là cách Toyota biến một chiếc xe tầm thường thành sản phẩm bất kỳ ai cũng thèm muốn
- 01-06-2016Sáng đi xem chung kết EURO 2016, tối về ngủ trên tháp Eiffel không còn là chuyện mơ giữa ban ngày
- 24-05-2016Thông điệp trên biển số xe Tổng thống Obama
Từ thuở xe máy bắt đầu du nhập vào Việt Nam, phương tiện giao thông này đã được rất nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, nếu cứ tiếp tục để số lượng xe máy "bùng phát" như bây giờ, những hậu quả kéo theo cũng sẽ rất khó lường. Nhìn trên phạm vi toàn cầu, nhiều nước đã dần bước qua những khó khăn ban đầu để hạn chế tối đa việc sử dụng xe máy tại các thành phố lớn.
Vậy khi không có xe máy, người dân nước ngoài sẽ di chuyển như thế nào?
"Văn hóa cuốc bộ" ở các nước phát triển
Nếu là tín đồ của các bộ phim Mỹ, Nhật hay Hàn Quốc..., chắc hẳn bạn đã quá quen thuộc với những hình ảnh người dân vội vã đi bộ hoặc xe đạp cả quãng đường dài từ nhà ra bến xe để bắt các phương tiện công cộng như xe buýt hay tàu điện ngầm để đi học, đi làm.
Trên thực tế, tại các quốc gia có hệ thống phương tiện giao thông công cộng phát triển như Mỹ, Úc, Nhật Bản và Thụy Sĩ, người dân thường đi bộ nhiều cây số/ngày.
Theo khuyến cáo của các nhà khoa học, một ngày mỗi người nên đi bộ 10.000 bước. Với chiều dài bước của người lớn dao động từ 60 - 80cm, quãng đường trung bình sẽ là 7 cây số.
Tại Mỹ, trung bình một người dân đi 5.117 bước mỗi ngày. Con số này mặc dù nghe đã khá nhiều nhưng vẫn chưa là gì so với các quốc gia khác; đơn cử như tại Úc, mỗi người đi được khoảng 9.695 bước mỗi ngày, tại Nhật Bản là 7.168 và Thụy Sỹ là 9.650.
Việc đi bộ đang được nhiều nước khuyến cáo trên thế giới. Đây không phải chỉ là biện pháp nhằm giảm áp lực lên giao thông đô thị mà còn nâng cao sức khỏe cho người dân. Tại Nhật Bản, trẻ con được khuyến khích đi bộ tới trường hoặc ra các bến tàu điện ngầm tới trường một mình. Điều này đã rèn cho trẻ con thói quen đi bộ ngay từ nhỏ.
Hệ thống giao thông công cộng cực kỳ đa dạng
Một điểm đáng chú ý là hầu hết các quốc gia ít sử dụng xe máy đều có hệ thống giao thông công cộng phát triển. Trong danh sách các quốc gia có hệ thống giao thông công cộng tốt nhất thế giới không thể thiếu những cái tên như New York (Mỹ), Zurich (Thụy Sỹ), Tokyo (Nhật Bản), Munich và Berlin (Đức)...
Gây ấn tượng hơn cả là Hà Lan, nơi được mệnh danh là thiên đường của xe đạp. Tại thủ đô Amsterdam của Hà Lan, điều đầu tiên khiến du khách choáng ngợp là không gian xanh sạch của thành phố và nhiều loại hình giao thông công cộng; từ đường thủy, đường bộ, đường sắt cho tới tuyến xe điện ngầm dưới mặt đất. Các phương tiện tại Amsterdam phù hợp cho mọi khoảng cách di chuyển của cả người dân và du khách.
Nếu bạn muốn di chuyển các quãng ngắn và thăm phú thành phố, tàu điện sẽ là một hình thức phù hợp. Ngoài ra, xe bus cũng là một hình thức được nhiều người lựa chọn.
Bên cạnh đó, với mục đích công việc hay đi tới các thành phố khác, tàu hỏa và tàu điện ngầm sẽ là giải pháp nhanh chóng cho hành khách. Hệ thống tàu hỏa của Amsterdam nối liền với các thành phố khác tại Hà Lan, thậm chí cả các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, để khám phá Amsterdam theo cách độc đáo nhất, du khách có thể đi tàu thủy hay thuê xe đạp. Việc Hà Lan đa dạng hóa các phương tiện công cộng tạo điều kiện cho người dân và du khách có thể thoải mái di chuyển mà không phụ thuộc vào phương tiện cá nhân.
Và không phải kể đâu xa, ngay cả các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, giao thông công cộng cũng đã rất phát triển. Tuy tình trạng tắc đường vẫn diễn ra tại Bangkok nhưng với hệ thống tàu điện ngầm, tàu trên cao BTS, tàu thủy và hệ thống xe bus, việc sử dụng xe máy đã được hạn chế hơn ở Việt Nam.
Nếu không có xe máy, người Hà Lan sẽ đi chợ, mua bán hay những quãng đường ngắn bằng cách nào?
Vốn được mệnh danh là thủ phủ hay thiên đường của xe đạp, bởi vậy, không hề khó hiểu khi người dân Amsterdam luôn lựa chọn xe đạp như người bạn thân trên mọi hành trình của mình. Việc đi xe đạp ở đây phổ biến đến mức người ta vẫn thường nói rằng người Hà Lan được sinh ra và lớn lên trên những chiếc xe đạp.
Ngay từ khi còn bé, người Hà Lan đã tập cho con cái mình đi xe đạp để chúng có thể tự đi xe đạp đến trường khi mới vào cấp 2. Sau quá trình tập luyện, các học sinh phải tham gia kỳ thi đi xe đạp để được cấp chứng chỉ giao thông Verkeersdiploma. Đây là chứng chỉ rất quan trọng, bởi hầu hết học sinh cấp 2 ở Hà Lan đều phải tới trường bằng xe đạp trong phạm vi dưới 5km.
Có được "nền văn hóa" đi xe đạp như hiện nay là bởi chính phủ Hà Lan đã có những thay đổi và chính sách phát triển giao thông vô cùng hợp lý. Trên mỗi tuyến đường, chính phủ nước này lại quy định xây thêm các làn đường dành cho người đi xe đạp, tại mỗi cửa hàng đều phải có một chỗ để xe đạp ở bên cạnh.
Ngoài ra, hệ thống cho thuê xe đạp cũng rất phổ biến và tiện lợi ở Hà Lan. Tuy nhiên, chỉ những người có vé giao thông công cộng mới được phép thuê xe đạp. Với quy định này, những người thường xuyên sử dụng tàu hỏa và tàu điện ngầm đi làm trong các thành phố sẽ được thuê xe đạp từ nhà ga để đến công sở hoặc về nhà. Giải pháp này giúp hạn chế đáng kể phương tiện cơ giới cá nhân lưu thông trong đô thị.
Có thể thấy, dù không có xe máy, người dân tại nhiều quốc gia trên thế giới vẫn có những cách di chuyển khác khá linh hoạt, mà trong đó, xe đạp và đi bộ là 2 phương án được sử dụng nhiều nhất. Có vẻ như, không có xe máy, cuộc sống của mọi người vẫn diễn ra thật nhẹ nhàng và... sạch sẽ.
Trí thức trẻ / kenh14