MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ở châu Âu, người trẻ - chứ không phải người già - bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tự động hóa

16-12-2019 - 09:24 AM | Tài chính quốc tế

Nếu như ở Mỹ, giáo dục là sự đảm bảo cho việc con người không thể bị thay thế bởi tự động hóa trong môi trường làm việc, thì ở châu Âu, hợp đồng lao động của bạn mới là điều quyết định. Và điều này không hề có lợi cho những người trẻ.

Sự nổi lên của các chính trị gia theo chủ nghĩa dân túy ở những quốc gia giàu có đã dẫn đến sự thay đổi sâu sắc trong nhận thức về cách thức mà các nền kinh tế phát triển hoạt động. Cụ thể, tác động của tự động hóa lên thị trường lao động, và sự biến mất của các công việc sản xuất thông thường, đã được cho là một phần nguyên nhân giúp các nhà lãnh đạo như Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ý Matt Salvini đắc cử.

Tuy nhiên, có những yếu tố mang tính khác biệt sâu sắc trong việc quyết định nền kinh tế thắng cuộc và thua cuộc ở hai bên Đại Tây Dương. Ở Mỹ, yếu tố chính quyết định liệu một công nhân có thể phát triển sự nghiệp trong thời đại robot hay không dường như là sự giáo dục. Ngược lại, tại Liên minh châu Âu, dường như liệu nhân viên có nhận được bảo vệ mạnh mẽ trong hợp đồng lao động của họ hay không - như cách nó bảo vệ nhiều công nhân lớn tuổi, mới là yếu tố then chốt.

Sẽ thật ngu ngốc khi bất kỳ chính phủ nào ngăn cản các công ty đầu tư vào các máy móc đem lại năng suất cao hơn. Đổi mới là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, họ cần đảm bảo rằng những ảnh hưởng của tự động hóa được trải đều.

Mô hình của Mỹ ủng hộ những người có học thức có thể bị coi là "khắc nghiệt", nhưng ít nhất nó thể hiện sự trân trọng người tài. Ngược lại, xu hướng ở châu Âu bảo vệ nhân viên bằng các hợp đồng lao động là không công bằng đối với những người lao động trẻ tuổi không có những biện pháp bảo vệ đó. Và rõ ràng đó không phải là cách tốt nhất để đối phó với vấn đề bất công giữa các thế hệ.

Một nghiên cứu của Konstantinos Pouliakas cho Trung tâm Phát triển Dạy nghề Châu Âu cho thấy tự động hóa là một thách thức đối với Châu Âu. Sử dụng khảo sát trên gần 50.000 cá nhân, ông phát hiện ra rằng 14% số công nhân trưởng thành có thể phải đối mặt với nguy cơ rất cao trước tự động hóa. Các nghề nghiệp dễ bị tự động hóa thay thế nhất là các công việc lặp lại với yêu cầu thấp về các kỹ năng chuyển đổi hoặc sự tương tác xã hội.

Maarten Goos, Alan Manning và Anna Salomons, ba nhà kinh tế, đã cùng xem xét 16 quốc gia châu Âu từ năm 1993 đến 2006. Họ đã tìm thấy sự gia tăng tỷ lệ việc làm thu nhập cao của các chuyên gia và nhà quản lý, cũng như sự gia tăng ở số lượng công nhân dịch vụ thu nhập thấp, và sự suy giảm trong số lượng công nhân sản xuất và nhân viên văn phòng. Sự thay đổi này được giải thích bằng cái gọi là "giả thuyết về thói quen" - có thể hiểu đơn giản là vì máy tính có thể dễ dàng thay thế các công việc thường ngày mang tính chất lặp đi lặp lại, do đó công nhân làm những công việc này dễ bị thay thế hơn cả.

Thật kỳ lạ, không giống như ở Mỹ, không có nhiều dấu hiệu cho thấy tự động hóa đang phân cực mức tiền lương ở châu Âu. Các nhà kinh tế học Paolo Naticchioni, Giuseppe Ragusa và Riccardo Massari đã xem xét mức lương tại châu Âu trong giai đoạn 1995-2007 và thấy rằng công nghệ chỉ có tác động nhỏ đến sự phân hóa mức lương. Phát hiện thú vị khác của họ là giáo dục không có vai trò tạo ra sự bất bình đẳng về mức tiền lương ở EU, một tình trạng khắc hẳn so với tại Mỹ.

Tuy nhiên, có những "kẻ thua cuộc" rõ ràng trước làn sóng tự động hóa ở châu Âu, như được nhấn mạnh trong một nghiên cứu về Đức của Wolfgang Dauth, một nhà kinh tế tại Đại học Wuerzburg và các đồng nghiệp của ông. Dauth thấy rằng hầu hết áp lực đặt lên vai những người lao động trẻ tuổi mới bước vào lĩnh vực sản xuất. Sự cứng nhắc của thị trường lao động Châu Âu - thể hiện trong các chính sách bảo đảm việc làm cho nhân viên phục vụ lâu năm - đồng nghĩa với việc các công ty buộc phải giao các công việc ổn định hơn và được trả lương cao hơn cho những người đương nhiệm lớn tuổi hơn, và từ đó tạo ra sự bất công đối với lớp lao động mới. Những người công nhân trẻ hơn phải chuyển nhà máy hoặc từ bỏ công việc, và phải đối mặt với tổn thất thu nhập đáng kể.

Liệu chính phủ có nên đáp trả bằng cách ngăn chặn sự đổi mới? Chắc chắn là không. Minh chứng về nước Ý đã cho thấy rằng không có đủ tự động hóa gây tác động xấu như thế nào đến thị trường lao động. Gaetano Basso, một nhà nghiên cứu tại Bank of Italy, nhận thấy rằng từ giữa những năm 2000, người Ý đã không phải chịu sự phân cực mức lương, nhưng thay vào đó là sự xuống cấp hoàn toàn của thị trường việc làm. Chỉ có nhóm nghề thủ công với mức lương thấp gia tăng số lượng lên rõ rệt, trong khi nhóm việc làm thu nhập cao và thu nhập trung bình đều giảm mạnh. Việc thiếu tự động hóa là một nguyên nhân của tình trạng trên. Nền kinh tế Ý đã bị hủy hoại bởi năng suất lao động trì trệ trong ba thập kỷ, do đó, không có gì ngạc nhiên khi tiền lương và chất lượng công việc không được cải thiện.

Thay vì chống lại sự đổi mới, chính phủ nên xử lý tốt hơn các hậu quả không mong muốn của nó. Lĩnh vực có thể cải thiện rõ ràng nhất, ở cả hai bờ Đại Tây Dương và đối với cả lớp lao động già và trẻ, là giáo dục. Cải thiện các kỹ năng phù hợp có thể mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, các chính trị gia của Châu Âu cũng phải quyết định có nên giữ thị trường lao động nghiêng về phía những người lao động đương nhiệm hay không. Nếu họ làm như vậy, những người trẻ tuổi bị thay thế của ngày hôm nay sẽ là những người đàn ông và phụ nữ bị lãng quên của ngày mai.


Mỹ Linh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên