MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ở nhờ suốt 5 năm, thấy chủ nhà được đền bù giá tốt, người đàn ông quay lại đòi chia hơn 4 tỷ đồng: "Tôi xứng đáng được nhận tiền"

16-12-2024 - 15:25 PM | Sống

Ở nhờ suốt 5 năm, thấy chủ nhà được đền bù giá tốt, người đàn ông quay lại đòi chia hơn 4 tỷ đồng: "Tôi xứng đáng được nhận tiền"

Gia chủ đã vô cùng sững sờ khi nghe yêu cầu chia tiền của người đàn ông Trung Quốc này, dù suốt thời gian cho ở nhờ, họ chẳng thu một đồng tiền nào.

Nể mặt thân thích nên cho "ở nhờ"

Vào khoảng hơn 10 năm trước, ông Giang (*tên nhân vật đã được thay đổi) - một người đàn ông sống tại Bắc Kinh, Trung Quốc - nhận được cuộc gọi từ một người thân ở quê. Gia đình này mong muốn ông giúp chuyển hộ khẩu của con trai mình, Tiểu Khương (*tên nhân vật đã được thay đổi), vào nhà ông để cậu cũng có hộ khẩu Bắc Kinh, tạo điều kiện thuận lợi hơn khi đăng ký học tập tại các ngôi trường trong thành phố.

Nể tình thân máu mủ, ông Giang không nỡ từ chối nên đồng ý, nhưng cũng yêu cầu họ cam kết rằng sau khi tốt nghiệp đại học, Tiểu Khương sẽ chuyển hộ khẩu ra khỏi nhà ông để không làm xáo trộn cuộc sống gia đình ông.

Sau khi chuyển hộ khẩu tới Bắc Kinh, Tiểu Khương cũng chuyển đến học tại một trường cấp 3 trong thành phố, từ đây cuộc sống của cậu được gửi gắm cho vợ chồng ông Giang. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, cậu cũng thi đỗ một trường đại học ở đây. Trong thời gian 4 năm đó, ông Giang cùng vợ luôn chủ động chăm sóc cháu trai, từ bữa ăn đến sinh hoạt, dù không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ tài chính nào từ cha mẹ Tiểu Khương. Dẫu vậy, vợ chồng ông Giang vẫn giữ im lặng, coi như giúp đỡ người thân.

Tranh chấp dần xảy ra

Sau khi tốt nghiệp, Tiểu Khương không trở lại quê nhà mà tìm được công việc tại Bắc Kinh và tiếp tục ở lại nhà ông Giang. Điều này khiến bà Giang cảm thấy khó chịu vì sự bất tiện trong sinh hoạt. Trong lúc đang định nhắc nhở gia đình Tiểu Khương về việc chuyển hộ khẩu, ông Giang bất ngờ nhận được thông báo nhà mình nằm trong diện giải tỏa. Sau khi hoàn thành các thủ tục, gia đình sẽ nhận khoản tiền bồi thường đáng kể.

photo-1733384260312

Ảnh minh họa

Tại thời điểm đó, chính sách bồi thường của Trung Quốc có liên quan tới số nhân khẩu trong hộ khẩu gia đình. Vì thế, khoản tiền bồi thường mà gia đình ông Giang nhận được tăng thêm nhờ có sự hiện diện của Tiểu Khương. Là người sống minh bạch, ông Giang lập tức gọi điện, chủ động thảo luận với cha mẹ Tiểu Khương về việc phân chia khoản tiền này.

Cha mẹ cậu cho rằng số tiền đó nên được dùng để bù đắp chi phí ăn ở và sinh hoạt của con trai trong nhiều năm qua. Thỏa thuận này đã được các bên đồng ý. Đồng thời, cha mẹ Tiểu Khương đã nhắc con trai chuyển ra ngoài để cả nhà ông Giang di dời tới khu vực tái định cư.

Khi lòng tham lấn át tình thân

Tưởng rằng mọi chuyện đã kết thúc, nhưng hơn 10 năm sau, Tiểu Khương bất ngờ liên hệ với ông Giang yêu cầu trả lại khoản tiền 1,2 triệu NDT (khoảng 4 tỷ đồng) mà cậu cho là phần bồi thường đáng lẽ thuộc về mình.

Hóa ra, sau khi chuyển khỏi nhà ông Giang, Tiểu Khương bắt đầu cuộc sống thuê nhà ở Bắc Kinh, nơi tấc đất tấc vàng với giá bất động sản tăng lên từng ngày. Cuộc sống của chàng trai trẻ không mấy thuận lợi trong suốt nhiều năm liền.

Một ngày, Tiểu Khương đang "lướt mạng" thì vô tình đọc được 1 bài báo liên quan đến vấn đề tranh chấp tiền đền bù giải tỏa. Nhân vật trong bài báo là một cô cháu gái đang kiện chú họ với mong muốn được chia tiền đền bù mà đáng lẽ phải nhận từ vài năm trước, khi họ còn chung một hộ khẩu.

Sau vài ngày suy nghĩ, Tiểu Khương cảm thấy câu chuyện này có nhiều nét tương đồng với trường hợp của bản thân. Vì thế, cậu lập tức tìm tới nhà của họ hàng để nói chuyện. Không chỉ tảng lờ mọi công lao chăm sóc, Tiểu Khương còn khăng khăng cho rằng gia đình chú đã lợi dụng mình. Điều này khiến vợ chồng ông Giang vô cùng đau lòng. Dù ông cố gắng giải thích rằng khoản tiền bồi thường đã được gia đình Tiểu Khương đồng ý sử dụng để bù đắp chi phí ăn ở trước đó, cháu trai vẫn kiên quyết đòi tiền.

Thậm chí, cậu còn đòi chia tiền theo giá thị trường hiện nay, chứ không đồng ý số tiền của 10 năm trước. Nếu không đồng ý, cậu sẽ kiện ra tòa.

Cái kết cay đắng

Theo tờ 163 dẫn các quy định của Trung Quốc, về nguyên tắc, Tiểu Khương có thể được chia phần nếu thuộc hộ khẩu vào thời điểm giải tỏa. Tuy nhiên, khoản bồi thường cần được tính theo giá trị tại thời điểm xảy ra sự kiện, không phải theo giá trị thị trường hiện tại.

photo-1733384293031

Ảnh minh họa

Quan trọng hơn, nếu ông Giang chứng minh được rằng hai bên đã thỏa thuận dùng số tiền này để bù chi phí sinh hoạt của Tiểu Khương, cậu sẽ không có cơ sở pháp lý để yêu cầu thêm.

Câu chuyện của ông Giang và Tiểu Khương không chỉ là tranh chấp pháp lý mà còn là bài học về lòng người. Tiểu Khương không chỉ phá vỡ mối quan hệ thân thích mà còn nhận sự chỉ trích mạnh mẽ từ dư luận vì để lòng tham che mờ lý trí, quay lưng lại với gia đình từng giúp đỡ mình.

Kết cục, dù có được pháp luật bảo vệ hay không, hành vi của Tiểu Khương cũng được mọi người đánh giá là không biết tôn trọng ơn nghĩa. Trong khi đó, vợ chồng ông Giang, dù chịu tổn thương sâu sắc, vẫn giữ được sự tôn trọng trong mắt cộng đồng.

*Nguồn: 163

Thùy Linh

Đời sống pháp luật

Trở lên trên