MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ô tô biếu, tặng: “Cửa” lách chính sách, gian lận thương mại?

Thông tư 20/2011/TT-BCT của Bộ Công Thương đóng sập “cửa” NK ô tô du lịch của nhiều doanh nghiệp trong nước. Khi “cửa” này bị đóng, các doanh nghiệp tìm cách “lách” bằng nhiều “cửa” khác như: NK xe cũ, NK xe qua tiêu chuẩn ngoại giao, tiêu chuẩn Việt kiều hồi hương và gần đây nhất là hàng biếu, tặng…

Tuy đã kiểm soát chặt, nhưng lượng xe NK qua hình thức biếu, tặng đang ngày một nhiều, đặc biệt trong nửa đầu năm 2016, chủ yếu là các loại xe sang có giá từ 1 đến vài chục tỷ đồng. Không chỉ “lách” quy định NK, nhiều xe còn có dấu hiệu gian lận trị giá xe để gian lận tiền thuế. Đây đang là bài toán gian nan của các cơ quan quản lý như Hải quan, Thuế.

Tặng nhau từ xe sang đến siêu sang

6 tháng đầu năm 2016, ô tô NK theo hình thức biếu, tặng không chỉ gia tăng về số lượng mà còn tập trung vào các dòng xe sang, có giá trị cao, dung tích xi lanh lớn. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, đã có khoảng 500 xe ô tô được NK qua hình thức biếu, tặng. Đáng chú ý là các đối tượng biếu, tặng “rất thích” xe Lexus. Bởi chiếm phần lớn trong số lượng xe biếu, tặng thời gian qua, tới 252 xe, là thương hiệu xe sang Lexus, với mức trị giá doanh nghiệp khai báo toàn tiền tỷ (trung bình khoảng 65.000 đến trên 80.000 USD).

Chi tiết hơn có thể thấy dòng xe Lexus LX 570, dung tích xi lanh 5.7L là loại xe được “chuộng” hơn cả để đem tặng, biếu nhau (có tới 159 xe trong tổng số 252 xe). Mẫu xe này hiện đang được Lexus Việt Nam bán với giá trên 8 tỷ đồng. Tiếp đến là Lexus RX 350 (dung tích xi lanh 3.5L), Lexus RX 450 (3.0L)…

Sau Lexus là các dòng xe mang thương hiệu Toyota (khoảng 150 xe), và phần lớn cũng là những dòng xe có dung tích xi lanh lớn, đặc biệt là Toyota Land Cruiser (dung tích 4.6L); thương hiệu Bentlly (Bentlly Bentayga 6.0L); Rolls- Royce; Cadilac (Cadilac Escalade 6.2L); Jaguar; Land Rover Ranger Rover; Mercedes (Mercedes S550 dung tích 4.7L; Mercedes S500 Maybach dung tích 4.6L)… Đây đều là những dòng xe sang, đắt tiền, dung tích xi lanh lớn, sẽ có sự tăng giá đột biến do thuế TTĐB điều chỉnh tăng từ 1-7.

Chuyện biếu, tặng nhau xe sang đã khiến không ít người nghi ngờ bởi chả cứ vài tỷ đồng, mà vài chục tỷ đồng cũng được đem biếu, tặng nhau như thường (!?)

Tháng 5-2016, Công ty A. NK qua cảng Sài gòn KV 1 chiếc ô tô Mercedes Benz AMG G63 với trị giá doanh nghiệp khai báo 100.730 USD theo hình thức biếu, tặng. Chiếc xe được mệnh danh là “vua địa hình” này hiện đang được Mercedes Benz Việt Nam bán với giá trên 7 tỷ đồng.

Cũng có giá cả chục tỷ đồng là chiếc Bentlly Bentayga 6.0L (trị giá doanh nghiệp khai báo 140.000 USD) được Công ty L. NK qua hình thức biếu, tặng.

Hay như tháng 6-2016, Công ty T. mở tờ khai NK tại cảng Hải Phòng khu vực 3 chiếc xe Rolls-Royce Dawn sản xuất năm 2016, dung tích 6.6L với mức giá khai báo 254.300 USD (khoảng 5,58 tỷ đồng), cũng theo hình thức biếu, tặng. Chiếc xe này, theo tính toán, sau khi hoàn tất các nghĩa vụ thuế với Nhà nước, sẽ có mức giá trên 1,13 triệu USD (khoảng 25 tỷ đồng) - một con số đủ làm nhiều người “choáng váng” về giá trị được đem… biếu, tặng.

Việc biếu, tặng nhau toàn những chiếc xe sang có giá nhiều tỷ đồng không khỏi khiến nhiều người nghi vấn. Vì sao thời gian gần đây nhiều DN, cá nhân, tổ chức được biếu, tặng như vậy, và đã biếu là toàn biếu “xế” đắt tiền?

Rõ ràng đây là được xem là “cửa” để một số DN “lách” Thông tư 20 NK xe ô tô du lịch vào Việt Nam.

Vì sao trong khoảng thời gian 6 tháng đầu năm 2016 xe biếu, tặng tăng cả về số lượng và giá trị? Nguyên nhân được cho là doanh nghiệp NK để “né” thuế TTĐB. Theo Luật thuế TTĐB, từ 1-7-2016, các dòng xe có dung tích xi lanh từ 2.5L trở lên sẽ tăng thuế TTĐB từ 55% đến 150%. Và không khó để nhận thấy khoảng 500 xe NK qua hình thức biếu tặng đều có dung tích xi lanh từ 3.0L trở lên, và chiếm phần nhiều là xe có dung tích trên 5.0L. Việc thay đổi thuế TTĐB từ 60% lên 130% khiến doanh nghiệp tranh thủ “né” được không ít tiền thuế.

Hay như chiếc “siêu xe” Rolls-Royce Dawn nói trên, nếu NK sau 1-7 chiếc xe này phải nộp thêm một khoản lớn tiền thuế TTĐB mới với mức 150% (mức cũ 60%), ước khoảng 1 triệu USD (gần 23 tỷ đồng). Và như vậy, nếu tính hết các loại thuế Rolls-Royce Dawn về Việt Nam sẽ có giá ít nhất là gần 1,8 triệu USD (tương đương 40 tỷ đồng).

Thành lập doanh nghiệp chỉ để nhận xe… biếu

Thực tế này cũng đã được DN thừa nhận tại cuộc họp giữa Bộ Công Thương với các DN kinh doanh NK ô tô về Thông tư 20. Tại cuộc họp này ông Nguyễn Tuấn- đại diện doanh nghiệp NK không chính hãng cho rằng: Do không đáp ứng quy định tại Thông tư 20, một số DN đã tìm mọi cách “lách” để NK cho bằng được, trong đó có NK xe theo hình thức biếu, tặng.

Minh chứng rõ hơn cho “chiêu” lách này được thể hiện tại báo cáo số 2504/CT-THVNDT của Cục Thuế TP. Đà Nẵng. Theo Cục Thuế TP. Đà Năng, từ đầu năm 2014 đến nay, đặc biệt là 5 tháng đầu năm 2016, cơ quan này nhận được nhiều Giấy phép NK ô tô không nhằm mục đích thương mại để theo dõi tính thuế đối với các tổ chức được phép NK ô tô theo hình thức quà biếu, quà tặng (năm 2014: 27 xe; năm 2015: 153 xe; 5 tháng đầu năm 2016: 221 xe, chủ yếu là xe sang như Cadilac, Lexus, Lamborghini… dung tích 3.5L trở lên).

Điều đáng nói là qua theo dõi, rà soát, cơ quan này nhận thấy cùng với lượng xe NK qua hình thức biếu, tặng tăng thì lượng DN mới thành lập trên địa bàn cũng theo đó tăng nhanh. Có DN được cấp Giấy phép đăng ký DN ngày 10-5-2016, đăng ký hoạt động ngày 12-5-2016 và được cấp giấy phép NK xe ô tô không nhằm mục đích thương mại ngày 23-5-2016 (!).

Cơ quan này nhận định: Nhiều DN thành lập chủ yếu nhằm mục đích NK ô tô theo hình thức biếu, tặng (để đáp ứng với quy định tại Thông tư 143/2015/TT-BTC), ngoài ra không phát sinh hoạt động kinh doanh nào khác. Bởi qua kiểm tra, rà soát, cơ quan Thuế cũng nhận thấy các DN mới thành lập chủ yếu có quan hệ liên đới với một số DN kinh doanh ô tô lớn trên địa bàn; địa chỉ đăng ký thành lập DN mới cùng địa chỉ với DN ô tô lớn trên địa bàn (hoặc cùng 1 địa chỉ nhưng nhiều DN đăng ký); nhận xe quà biếu, tặng xong rồi bán lại cho các DN này.

Không chỉ vậy, hầu hết các DN có Giấy phép NK xe theo hình thức quà biếu, tặng đều nhằm mục đích thương mại (chuyển nhượng ngay khi nhập xe, rất ít DN đăng ký làm tài sản cố định). Có DN thành lập để NK xe, sau khi tiêu thụ xong thì thông báo giải thể, không thực hiện quyết toán với cơ quan thuế, bỏ địa chỉ kinh doanh…

Cũng trong thời gian qua, Cục Hải quan Bắc Ninh cũng phát hiện nhiều nghi vấn liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp để NK ô tô theo hình thức biếu, tặng. Đơn cử như năm 2016, Cục Hải quan Bắc Ninh tiếp nhận một đơn xin cấp phép NK ô tô qua hình thức biếu, tặng của Công ty A. Trong hồ sơ bên biếu, tặng (một công ty có trụ sở tại Mỹ) đánh giá cao sự hợp tác, giúp đỡ của Công ty A. Tuy nhiên trên đăng ký kinh doanh thể hiện Công ty A mới thành lập từ cuối năm 2015.

Đồng thời kiểm tra trên hệ thống quản lý rủi ro cơ quan Hải quan nhận thấy Công ty A chưa có hoạt động XNK, mà mới chỉ có hoạt động sản xuất, buôn bán ô tô và phụ tùng ô tô. Thực tế Công ty A khó có thể có sự “hợp tác, giúp đỡ nhau” trong hoạt động kinh doanh đối với đối tác là doanh nghiệp có trụ sở tại Mỹ. Cục Hải quan Bắc Ninh nhận định ở đây có sự lợi dụng quy định về NK ô tô theo hình thức biếu, tặng để “lách” Thông tư 20 của Bộ Công Thương.

Gian lận thuế?

Theo quy định xe ô tô NK theo hình thức quà biếu, tặng vẫn phải nộp đầy đủ các loại thuế: Nhập khẩu, Tiêu thụ đặc biệt, Giá trị gia tăng , Thu nhập cá nhân, Thu nhập doanh nghiệp... Chính vì vậy dù là xe biếu, tặng nhưng vẫn phải có trị giá xe để tính thuế. Và nhiều DN đã khai báo giá trị xe rất thấp.

Đơn cử cũng là một chiếc Lexus LX 570 (sản xuất 2016, số tự động 5.7L) được DN khai báo trị giá xe ở nhiều mức giá khác nhau, chênh lệch nhau khá lớn từ 15.000 USD; 50.000 USD cho đến 73.000 USD. Hay như Bentlly Bentayga 6.0L nhưng có DN khai 140.000 USD, có DN lại khai chưa bằng một nửa, 60.000 USD. Cùng Cadilac Escalade 6.2L có DN khai 65.938 USD nhưng có DN lại chỉ khai 30.000 USD…

Theo quy định, trị giá xe để tính thuế sẽ do cơ quan Hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa để xác định. Nhưng việc cùng một loại xe, doanh nghiệp khai các mức trị giá chêch lệch lớn như vậy cũng là những thông tin cần được cơ quan Hải quan lưu ý và cập nhật, đánh dấu nghi vấn vào hệ thống.

Quay trở lại với siêu xe Rolls-Royce Dawn nói trên được Công ty T. NK qua hình thức biếu, tặng, được doanh nghiệp khai báo với giá 254.300 USD. Được biết đây là mẫu xe mới, hiện đang rất “hot” trên thị trường, muốn mua cũng phải có “tiêu chuẩn”. Và tiết lộ từ một nhà NK có uy tín cho biết, dù là bản cơ sở, mức giá doanh nghiệp khai này cũng thấp hơn giá bán cho đại lý chính hãng (được chiết khấu) khoảng 40.000-50.000 USD. Ước tính doanh nghiệp (không phải là đại lý) mua chiếc xe này bản cơ sở thì giá cũng phải cao hơn giá khai báo 80.000-90.000 USD. Với mức chênh lệch giá này ước tính số tiền thuế phải nộp giảm khoảng 280.000 USD (tương đương trên 6 tỷ đồng). Và nếu doanh nghiệp được chấp nhận mức giá khai báo này, Nhà nước sẽ thất thu số tiền thuế nói trên.

Đó là chưa nói đến nếu chiếc xe được NK nói trên không phải là bản cơ sở, mà đã được trang bị thêm nhiều option (trang thiết bị, phụ tùng, linh kiện… đi kèm), khiến giá trị thật của xe còn tăng hơn rất nhiều so với con số 254.300 USD mà doanh nghiệp khai.

Thực tế một chiếc xe cơ bản với một chiếc xe trang bị thêm nhiều option có sự chênh lệch về giá trị rất lớn, nhất là đối với các dòng xe sang, đắt tiền. Nhiều khi giá 1 chiếc xe cơ bản chỉ bằng 1/2 trị giá một chiếc full option. Đó là chưa kể đến đời xe, xuất xứ, màu sắc… cũng dẫn đến sự chênh lệch về giá trị xe. Và đây đang là điểm “gian” của các DN khi NK nhằm giảm tiền thuế phải nộp.

Rà soát của cơ quan Hải quan đã cho thấy việc kiểm tra, khai báo, đánh dấu nghi vấn, xác định trị giá hải quan… đối với mặt hàng xe ô tô nhập khẩu của một số DN theo diện quà biếu, tặng là chưa phù hợp.

Liên quan đến thuế trong nội địa, những chiếc xe đội mũ “biếu, tặng” này cũng có hiện tượng “gian” ở khâu giá nhằm trốn thuế. Báo cáo của Cục Thuế TP. Đà Nẵng cho biết: các loại xe sang, có dung tích xi lanh lớn, NK theo hình thức quà biếu, tặng khi xuất hóa đơn bán ghi giá trị trên hóa đơn rất thấp, chỉ bằng 50-60% giá vốn xe xác định của hải quan (giá này chỉ cao hơn một chút so với các khoản thuế phải nộp ở khâu NK), không đúng với giá trị thực tế của xe ô tô, không phù hợp với giá thị trường. Tuy nhiên trước hành vi gian lận như vậy, cơ quan Thuế lại “lúng túng” không ấn định thuế dẫn đến thất thu cho ngân sách nhà nước.

Có thể thấy mặc dù cơ quan quản lý Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để “quản” chặt, song hoạt động NK ô tô theo hình thức quà biếu, tặng đang là “cửa” để các DN lách quy định, gian lận thương mại trốn thuế.

Theo quy định tại Khoản 3 điều 3 Thông tư 143/2015/TT-BTC ngày 11-9-2015 mỗi năm 1 tổ chức, cá nhân chỉ được NK 01 xe dưới dạng quà biếu tặng.

Chính sách thuế đối với xe ô tô, xe gắn máy NK dạng biếu, tặng sẽ không khác với xe NK thông thường, đồng thời phải chịu thêm thuế thu nhập: Đối với cá nhân, phải nộp thuế Thu nhập cá nhân; đối với DN phải hạch toán chịu thuế Thu nhập DN. Tuy nhiên trên thực tế những chiếc xe này, nhờ gian lận thuế nên giá bán vẫn thấp hơn xe NK theo con đường thương mại qua các công ty chính hãng.

Đối với những chiếc xe sang có giá trị cao dung tích xi lanh lớn, ước tính thường với giá xe 1 đồng, xe phải nộp 1,88 đồng tiền thuế, sau 1-7-2016 thuế TTĐB tăng thì 1 đồng giá xe sẽ phải nộp 3,5 đồng tiền thuế. Với công thức này, việc gian lận giá tính thuế sẽ làm thất thu cho ngân sách rất lớn.

Theo Nguyễn Hà

Báo hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên