Ô tô nhập hết thời giảm giá, xe nội địa giá rẻ tha hồ mua
Ô tô nhập khẩu sẽ khó có cơ hội tràn vào Việt Nam vì bị siết chặt, trong khi ô tô sản xuất lắp ráp trong nước được hưởng nhiều ưu đãi. Các DN đang đứng trước ngã rẽ: nên lắp ráp hay nhập khẩu ô tô về phân phối, còn giá ô tô liệu có rẻ không?
- 28-06-2017Chính phủ khuyến khích phát triển thương hiệu ô tô Việt
- 28-06-2017Giá tiếp tục giảm sâu, thời điểm "vàng" mua ô tô đã đến?
- 27-06-2017Tranh cãi về đề xuất ‘thả cửa’ cho ô tô điện
Dự thảo Nghị định Quy định về điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô mới đây lại được bổ sung có thêm quy định mới dành cho ô tô chưa qua sử dụng nhập khẩu.
Theo đó, tại Điều 16: "Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô" quy định phải có cam kết từ phía nhà sản xuất về trách nhiệm triệu hồi, hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình bảo hành, bảo dưỡng và bảo đảm cung cấp các linh kiện, phụ tùng thay thế phù hợp đảm bảo chất lượng kỹ thuật của xe nhập khẩu.
Quy định này, nếu thành hiện thực, sẽ khiến cho hoạt động kinh doanh ô tô nhập khẩu phải chịu thêm điều kiện hết sức khắt khe. Các DN nhập khẩu ô tô không chính hãng coi như bị loại khỏi "cuộc chơi".
Hiện phần lớn phụ tùng và linh kiện ô tô phục vụ sản xuất, lắp ráp trong nước đều phải nhập khẩu.
Giá thành xe nhập khẩu sẽ tăng lên
Những DN này thường nhập khẩu xe qua trung gian và không có mối liên hệ trực tiếp với nhà sản xuất. Vì vậy, sẽ rất khó để xin được cam kết từ nhà sản xuất về triệu hồi, hỗ trợ kỹ thuật trong bảo hành bảo dưỡng xe.
Một số DN cho hay những điều kiện này không khác gì quy định: các DN nhập khẩu ô tô phải có giấy ủy quyền chính hãng, như tại Thông tư 20 của Bộ Công Thương trước đây. Tức, chỉ những DN nhập khẩu xe chính hãng mới có thể xin được cam kết này từ nhà sản xuất.
Chưa hết, mặc dù thời điểm 1/7 đã đến và điều kiện kinh doanh ô tô cần được ban hành, nhưng vẫn còn có đề nghị bổ sung thêm một số điều kiện nữa, chẳng hạn như: DN kinh doanh ô tô nhập khẩu phải mở các trạm dịch vụ ủy quyền chính hãng, trước khi bán ô tô. Hay kể cả ô tô nhập khẩu đã qua sử dụng, cũng phải có cam kết triệu hồi từ nhà sản xuất. Lý do là để bảo vệ người tiêu dùng.
Như vậy, cũng có nghĩa là kinh doanh nhập khẩu ô tô sẽ thêm khó khăn. Đấy còn chưa kể một số hàng rào phi thuế quan, hàng rào kỹ thuật, có thể được dựng lên trong thời gian tới.
Có thể nói, với những quy định này, ô tô nhập khó có cơ hội tràn vào Việt Nam. Số lượng ít thì giá bán sẽ cao và hy vọng mua những chiếc ô tô nhập khẩu, giá rẻ của người tiêu dùng, khó thành hiện thực.
Ưu đãi đổ dồn cho xe trong nước
Trong khi đó, ô tô sản xuất lắp ráp trong nước lại được các cơ quan chức năng đề xuất thêm ưu đãi. Mới đây, Bộ Công Thương đã chính thức đưa ra nhóm giải pháp phát triển ngành công nghiệp ô tô giai đoạn tới. Trong đó có đề xuất, không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước.
Theo đó, Bộ Công Thương sẽ ban hành quy định, xác định tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng sản xuất trong nước với ô tô. Phần gia tăng trong nước này bao gồm linh kiện nội địa hóa, công lao động, khấu hao máy móc, nhà xưởng,... DN nào sử dụng càng nhiều linh kiện trong nước, đầu tư máy móc hiện đại càng có lợi.
Chẳng hạn, với ô tô có dung tích 2.0L vào năm 2018 sẽ có thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt 40%. Nếu một DN nhập khẩu xe nguyên chiếc về phân phối, với giá 10.000 USD thì thuế tiêu thụ đặc biệt phải chịu là 4.000 USD. Nhưng một DN ô tô nhập bộ linh kiện về Việt Nam lắp ráp, chỉ có giá trị 8.000 USD, thì thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ có 3.200 USD.
Nếu các DN tăng mua linh kiện trong nước, giảm nhập khẩu, tức là gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, thì càng hưởng lợi. Một DN chỉ nhập 50% giá trị bộ linh kiện là 4.000 USD thì thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ có 1.600 USD.
Ngoài ra, còn có đề xuất giảm thuế suất, thuế nhập khẩu bộ linh kiện, từ 15% hiện nay về 0%, vào đầu năm 2018. Theo tính toán, một chiếc xe lắp ráp trong nước, có tỷ lệ nội địa hóa 20%, có giá bán 600 triệu đồng, nếu được miễn thuế tiêu thụ đặc biệt dành cho khâu lắp ráp và linh kiện mua trong nước, cộng với thuế nhập khẩu bộ linh kiện về 0%, sẽ có mức giảm giá tương ứng từ 10-12%. Nhưng nếu tỷ lệ nội địa hóa là 40% thì mức giảm lên tới 15%.
Một quan chức Bộ Công Thương cho hay, hiện phần lớn phụ tùng và linh kiện ô tô phục vụ sản xuất, lắp ráp trong nước đều phải nhập khẩu.
Cụ thể năm 2016, Việt Nam phải chi 3,5 tỷ USD để nhập khẩu linh kiện ô tô, cùng với đó là 2,3 tỷ USD nhập khẩu ô tô nguyên chiếc. Dự báo, kim ngạch nhập khẩu ô tô và phụ tùng có thể tăng lên mức 12 tỷ USD vào năm 2025 và 21 tỷ USD vào năm 2030.
Với chính sách này, chắc chắn các DN sẽ phải cân nhắc, nên sản xuất xuất lắp ráp hay nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về phân phối.
Vietnamnet