MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ở trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam học gì? Phụ huynh có con đang theo học tại đây chia sẻ cực chi tiết, nhiều thông tin bất ngờ

01-07-2022 - 10:57 AM | Sống

Ở trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam học gì? Phụ huynh có con đang theo học tại đây chia sẻ cực chi tiết, nhiều thông tin bất ngờ

Có thể hơi bất ngờ với số đông nhưng sự thật là trừ MÔN CHUYÊN ra thì tất cả các môn còn lại ở Ams học theo chương trình của Bộ Giáo dục - giống hệt các trường công lập khác về nội dung và số tiết.

Với nhiều học sinh, được học tại trường chuyên Hà Nội - Amsterdam (gọi tắt là Ams) là một điều vô cùng vinh dự. Bởi đây là ngôi trường danh giá hàng đầu Hà Nội, là nơi đào tạo nên bao thế hệ học trò xuất sắc. Tất nhiên, tỷ lệ chọi do đó rất cao và để giành một suất nhập học không hề đơn giản.

Vậy học sinh trường Ams học những gì? Có gì đặc biệt tại ngôi trường THPT top đầu này?

Anh H.T, một phụ huynh có con đang theo học chuyên Hóa tại Ams 3 (khối THPT) đã có những review chi tiết và hữu ích về chương trình học tại ngôi trường đình đám này.

Ở trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam học gì? Phụ huynh có con đang theo học tại đây chia sẻ cực chi tiết, nhiều thông tin bất ngờ - Ảnh 1.

THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam là ngôi trường danh giá hàng đầu Hà Nội, là nơi đào tạo nên bao thế hệ học trò xuất sắc.

Sau đây là chia sẻ của phụ huynh này:

1. Các lớp chuyên:

- Ở Ams 3, các môn chuyên Toán, Lý, Hóa, Anh có 02 lớp, các môn chuyên Tin, Sinh, Văn, Sử, Địa, Nga, Trung có 01 lớp mỗi khối. Pháp có 02 lớp: 1 chuyên & 1 song bằng. Từ năm 2018 (lứa học sinh 2003) có thêm 02 lớp song bằng tiếng Anh nữa. Tuy nhiên theo thông tin mới nhất thì sau 05 năm triển khai thử nghiệm chương trình này, năm nay (2022) lứa "trâu" là lứa cuối cùng thực hiện - nghĩa là từ sang năm (2023) chưa biết có tiếp tục có hệ Song Bằng tiếng Anh nữa hay không.

- Thông thường sĩ số ban đầu mỗi lớp giao động từ 30 - 45 tùy lớp - tùy năm. Sau đó có thể "nở" ra hoặc "co" lại. Theo thông lệ (không chính thức) thì việc phân lớp (với các môn chuyên có 02 lớp) dựa vào điểm thi MÔN CHUYÊN ở đầu vào, sau đó đến tổng điểm. Tuy nhiên cũng có nhiều ngoại lệ và không có văn bản chính thức nào về việc này cả.

- Rất hay là ở đầu năm lớp 10 thì tâm lý chung của đa số là thích học ở lớp 1 hơn, nhưng vào lớp 11 thì số lượng thích sang lớp 2 khéo lại đông hơn chiều ngược lại - đặc biệt là với những bạn không có nguyện vọng thi HSG QG.

2. Nội dung học:

- Có thể hơi bất ngờ với số đông nhưng sự thật là trừ MÔN CHUYÊN ra thì tất cả các môn còn lại ở Ams học theo chương trình của Bộ Giáo dục - giống hệt các trường công lập khác về nội dung và số tiết. Tất nhiên với nền tảng đầu vào tốt như vậy thì trong quá trình giảng dạy thì các thầy cô cũng giảng kỹ hơn, yêu cầu cao hơn với học sinh ở những môn tương ứng với khối lớp. Ví dụ các lớp chuyên Tự nhiên sẽ học "kỹ" hơn ở các môn Tự nhiên và "nhẹ" hơn ở các môn xã hội, và ngược lại.

- Trừ môn chuyên, thi học kỳ là đề chung - chấm chung toàn khối. Thi học kỳ có chia phòng và coi thi, chấm thi chặt chẽ, điểm "vào máy" không thay đổi được, các bạn mới vào lớp 10 đặc biệt lưu ý chỗ này nhé.

3. Môn chuyên:

- Các lớp học theo chương trình CHUYÊN riêng biệt của Bộ GD&ĐT, nhưng thay vì học nội dung đó trong 03 năm 10-11-12 (theo SGK chuyên) thì ở Ams, và một số trường chuyên khác nữa, học nội dung đó cùng các nội dung nâng cao thêm ngoài chương trình trong vòng... 01 năm.

- Lý do tăng tốc: Mục tiêu là vào lớp 11 trang bị đầy đủ kiến thức để các bạn (nhóm thi HSG) có thể tham gia các kỳ thi HSG thành phố (TP), quốc gia (QG), quốc tế (QT)... Do đó ở Ams việc học sinh lớp 11 vào tuyển TP đi thi HSG QG là bình thường, thậm chí còn đông hơn học sinh lớp 12.

- Ngoài số tiết buổi sáng (theo quy định chương trình của Bộ GD), tùy theo từng lớp khác nhau nhưng thường là sẽ có thêm từ 1-2 buổi chiều học chuyên đề (môn chuyên) và có thể các môn Thể dục - Quốc phòng...

- Thông thường, có sự khác nhau một chút giữa lớp 1 và lớp 2. Lớp 1 (Toán 1, Lý 1, Hóa 1) được "ngầm hiểu" là có nhiều bạn, sẽ là nòng cốt của đội tuyển thi HSG QG năm sau, nên thường do các thầy cô có kinh nghiệm "lãnh tuyển" chuyên mảng ôn luyện HSGQG chủ nhiệm và phụ trách chính môn chuyên, cũng sẽ tập trung dạy kỹ hơn, yêu cầu cao hơn.

- Cũng chính vì lý do này mà các bạn xác định từ đầu không thi HSG nhưng học ở Lớp 1 cũng sẽ vẫn phải "gánh tạ". Ngược lại cũng không ít bạn ở lớp 2 có mục tiêu thi HSG thì cũng bị ảnh hưởng (được học ít hơn các bạn lớp 1) nhưng không quá nhiều. Vất vả cày cuốc thì vẫn đuổi kịp được các bạn lớp 1 - miễn là mình có quyết tâm. Thực tế năm nào cũng có bạn ở "lớp 2" thi lên lớp 1 và vào đội tuyển HSGQG. Thậm chí có nhiều bạn xuất phát từ lớp 2 đạt giải cao - Nhất QG hay HCV QT cũng có.

- Lớp 11, các môn CHUYÊN lại quay về với chế độ "Normal", học theo nội dung chương trình của Bộ GD + có các kiến thức nâng cao để trang bị đầy đủ kiến thức cho các con thi tốt nghiệp & Đại học. Khi đó lớp 1&2 học vui vẻ như nhau, còn "đội tuyển" thì khác.

Ở trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam học gì? Phụ huynh có con đang theo học tại đây chia sẻ cực chi tiết, nhiều thông tin bất ngờ - Ảnh 2.

Để được vào trường chuyên danh tiếng như THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, thí sinh phải trải qua một “cuộc đua” gay gắt với tỷ lệ chọi rất cao.

Kỳ thi chất lượng hay còn gọi là "chuyển hệ": Từ "chuyển hệ" là từ cổ do yếu tố lịch sử để lại. Ngày xưa ở Ams chia làm 02 hệ. Hệ A (lớp 1) học Sáng còn hệ B (lớp 2) học buổi chiều. Hàng năm có các kỳ thi đánh giá chất lượng để xếp lại lớp, hay còn gọi là "chuyển hệ". Ngày nay đã xóa bỏ chế độ "phân biệt hệ" nhưng kỳ thi kiểm tra chất lượng và xếp lại lớp thì vẫn còn giữ nguyên giá trị.

Trong năm học lớp 10 có 02 đợt thi, một vào tháng 11 (kỳ 1) và một vào tháng 5 (kỳ 2). Nội dung thi là chương trình kiến thức CHUYÊN. Căn cứ vào các điểm số này + điểm phẩy môn CHUYÊN để xếp lại lớp ở năm lớp 11. Ở lớp 11 và 12 không tổ chức kỳ thi này nữa.

4. Thi học sinh giỏi quốc gia

- Trừ môn Toán là giới hạn ở trong phạm vi kiến thức Toán Sơ Cấp (nhưng cũng rất nhiều thứ từ trên trời rơi xuống, đặc biệt mấy năm gần đây) thì ở các môn Lý Hóa Sinh, nội dung thi chủ yếu là kiến thức của... đại học. Thậm chí ở môn Hóa có nhiều kiến thức mới được cập nhật mà sinh viên chuyên ngành Hóa cũng chưa chắc biết rõ.

- Với khối lượng kiến thức đồ sộ đó và được nén vào trong khoảng 12-15 tháng (lớp 10, hè & đầu 11), đòi hỏi các bạn học sinh ngoài đam mê, có tố chất ra thì cũng rất cần sức khỏe và sự kiên trì kiểu "trâu bò" nữa. Việc thức đến 2-3 giờ sáng là "chuyện thường ngày ở huyện". Sức ép và áp lực "vào tuyển" là rất lớn. Để đi được đến đích thì 100% là phải chăm chỉ, làm việc nghiêm túc rồi chứ hiếm có bạn nào học kiểu tài tử (chắc vẫn có nhưng cực ít).

- Sản phẩm đầu ra là các giải HSGQG, QT, tuy nhiên theo mình cái được lớn nhất của các bạn không phải là ở giải thưởng, chế độ ưu tiên, cũng không phải ở lượng kiến thức vừa được học, mà là ở việc được rèn luyện khả năng tự học, tự đọc sách, làm việc khoa học bền bỉ & chịu đựng sức ép ở cường độ cao - đúng kiểu được "tôi luyện" trong lò vậy. Vượt qua kỳ thi này các bạn sẽ trưởng thành rất nhiều về trí lực.

5. Các hoạt động Ngoại khóa:

Ở Ams có khoảng 50+ câu lạc bộ, đủ các thể loại từ học thuật đến văn học nghệ thuật, thể thao, âm nhạc, hội họa... cho các bạn lựa chọn và tham gia (nếu đủ sức khỏe, thời gian & trình độ, sự đam mê).

6. Du học:

Có thể nói Ams là bệ phóng tốt nhất cho các bạn muốn "bay". Số lượng học sinh Ams đi du học ở các nước Mỹ, Anh, Úc, Sing... hàng năm có lẽ là cao nhất trong số các trường THPT tại Việt Nam. Đây có lẽ cũng là một trong những thế mạnh lớn nhất của Ams mà bệ phóng là môi trường mở - nhiều hoạt động phong trào - nhiều câu lạc bộ và mạng lưới kết nối của các cựu Amser nữa. Tuy nhiên mình khá mù mờ ở khoản này nên cũng không chia sẻ nhiều.

7. Thi ĐH trong nước:

Mấy năm gần đây, do các trường ĐH sử dụng chính sách xét tuyển ngoài điểm thi Tốt nghiệp THPT nên có thể nói đây cũng lại là một thế mạnh của các Amser. Như lớp của bạn lớn nhà mình, (Hóa 1 Ams 18-21) thì trừ 3 - 4 bạn có mục tiêu là Y Hà Nội nhưng chưa có giải QG thì phải nỗ lực thi nghiêm túc, các bạn khác chỉ thi tốt nghiệp để gọi là "hoàn thành thủ tục" lấy bằng tốt nghiệp THPT vì đã đỗ đại học bằng hình thức tuyển thẳng trước đó (các trường đại học top đầu như Bách Khoa, Ngoại Thương, Dược, Kinh Tế, Y Hà Nội...), hoặc đã được nhận vào các trường đại học ở nước ngoài hết rồi.

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, không thuộc về tòa soạn.

https://afamily.vn/o-truong-thpt-chuyen-ha-noi-amsterdam-hoc-gi-phu-huynh-co-con-dang-theo-hoc-tai-day-chia-se-cuc-chi-tiet-nhieu-thong-tin-bat-ngo-20220630204842055.chn

Theo Hiểu Đan

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên