MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Oằn lưng gánh thuế, phí

L.T.S: Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới nhưng rất nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng kiệt sức do vướng phải “trùng điệp” rào cản từ môi trường kinh doanh trong nước.

Thuế, phí ở Việt Nam thuộc hàng cao nhất trong khu vực, đang bào mòn sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Mặc dù Chính phủ có chủ trương giảm thuế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) nhưng thực tế chưa thể hiện tinh thần này.

Chiếm gần nửa lợi nhuận

Bộ Tài chính đang dự thảo chuyển đổi thuế môn bài thành phí môn bài với mức thu tăng gấp khoảng 3 lần so với hiện hành. Ngoài điểm tiến bộ là đối tượng kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm không phải nộp phí môn bài, dự thảo này tăng thêm gánh nặng cho DN nhỏ (vốn dưới 10 tỉ đồng) sẽ phải nộp 3 triệu đồng phí môn bài/năm - bằng mức thuế môn bài đang thu của DN lớn (vốn trên 100 tỉ đồng); còn DN lớn sẽ có mức thuế mới là 10 triệu đồng/năm. TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho rằng đây là khoản phí không đáng thu vì số thu không lớn nhưng ảnh hưởng đến tâm lý xã hội, tác động không tốt đến tinh thần kinh doanh vì vài triệu đồng nộp thuế không đáng kể gì đối với DN lớn nhưng là cả vấn đề đối với hộ gia đình và DN nhỏ.

Câu chuyện tăng thuế, phí xuất phát từ áp lực thu ngân sách. TS Nguyễn Đình Cung cho biết DN tư nhân tại thời điểm này đang kiệt sức và phải chịu gánh nặng thuế, phí chiếm tới hơn 39% lợi nhuận, so với các nước trong khu vực chỉ thấp hơn Malaysia. Đó là chưa kể các khoản chi phí không chính thức khác, trùng điệp rào cản, lực cản và lực kéo. Có thể nói rằng DN Việt Nam rất đơn độc không chỉ trong thị trường nội địa mà khi ra ngoài hội nhập cũng không thấy bóng dáng của nhà nước, của thể chế hỗ trợ họ. Chưa tính những điều chỉnh có thể xảy ra trong ngắn hạn thì thuế, phí hiện nay đã là một gánh nặng đối với DN. Theo báo cáo Doing Business 2016 của Ngân hàng Thế giới, DN Việt Nam phải dành khoảng 39,4% lợi nhuận để nộp thuế. Tỉ lệ này rất cao so với mức 18,4% của Singapore, 27,5% của Thái Lan, 29,7% của Indonesia…

Minh chứng cho thực trạng nặng gánh thuế, phí của người dân và DN Việt Nam, PGS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cũng đưa ra con số cho thấy người Việt đang gánh tỉ lệ thuế, phí trên GDP cao gấp 1,4-3 lần so với khu vực. Cụ thể, trung bình giai đoạn 2007-2012, tỉ lệ thuế, phí/GDP của Việt Nam là 21,6% trong khi Trung Quốc là 17,3%, Thái Lan và Myanmar 15,5%, Indonesia 12,1%...

Khốn khổ vì hoàn thuế

Câu chuyện hoàn thuế GTGT đến giờ vẫn là “nỗi lận đận” của DN. Kể chuyện vừa giúp một DN viết đơn kiện Cục Thuế Bình Dương và Chi cục Thuế huyện Thuận An, luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, cho biết bất đắc dĩ DN mới kiện cơ quan nhà nước, đặc biệt là cơ quan thuế. “Hoạt động trong lĩnh vực xẻ gỗ, theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, DN này không được sản xuất tại trụ sở DN. DN không chấp hành, vẫn xẻ gỗ tại địa chỉ đăng ký trụ sở. Do vi phạm này mà năm 2014, cơ quan thuế Bình Dương không chấp nhận cho DN hoàn thuế hơn 700 triệu đồng. DN gửi khiếu nại lên Tổng cục Thuế, tổng cục có văn bản trả lời là không hoàn thuế những trường hợp DN kinh doanh ngành nghề nhà nước cấm, trường hợp này vẫn giải quyết hoàn thuế; những vi phạm liên quan đến giấy phép kinh doanh sẽ do cơ quan Kế hoạch và Đầu tư xử lý. Cục Thuế Bình Dương không đồng tình, gửi văn bản giải trình với Tổng cục Thuế. DN cũng một lần nữa gửi đơn khiếu nại đến Tổng cục Thuế, tổng cục ra văn bản lần hai yêu cầu giải quyết hoàn thuế cho DN nhưng đến nay, Cục Thuế Bình Dương vẫn không giải quyết. Vừa rồi, DN lại bị làm khó dễ khi nộp hồ sơ kiện. Số tiền hoàn thuế năm 2014 là 700 triệu đồng, đến nay đã tăng lên nhiều tỉ đồng, chiếm phần lớn số vốn của DN” - luật sư Trần Xoa cho biết. Cũng theo luật sư Trần Xoa, hoàn thuế GTGT là trả lại tiền của DN cho DN nhưng trong trường hợp này, DN gõ cửa khắp nơi vẫn không lấy lại được tiền, còn bị cán bộ thuế Bình Dương “hành” đủ kiểu.

Giám đốc một DN trong ngành cao su tại TP HCM thuật lại suốt 6 tháng qua, DN của ông phải trầy trật tới lui làm hồ sơ hoàn thuế nhưng vẫn chưa xong. Lần nào hỏi thủ tục hoàn thuế, chi cục thuế địa phương đều cho rằng không đủ thủ tục do nhà xưởng của công ty xây dựng xong nhưng chưa hoàn công. Chờ đợi mòn mỏi, DN phải phản ánh trực tiếp với phó cục trưởng cục thuế và được trả lời không có chuyện “chờ hoàn công xây dựng nhà xưởng mới được hoàn thuế”. Sau đó, chi cục thuế địa phương mới đồng ý cho làm thủ tục hoàn thuế. “Có thể một phần do ngân sách khó khăn và phần khác cũng là “phải có gì đó” mới được hoàn thuế. Số tiền hoàn thuế 2 tỉ đồng nhưng từ tháng 9-2015 đến giờ với DN quy mô nhỏ như chúng tôi là vô cùng khó khăn, vốn lưu động bị đọng đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh” - vị giám đốc DN này bức xúc.

Ông Lương Vạn Vinh, Tổng Giám đốc Công ty CP Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo, cho biết có rất nhiều lỗi không phải của DN nhưng khi thanh tra quyết toán thuế, DN phải chịu hết. Cách đây không lâu, DN của ông có thuê một công ty vận chuyển đang hoạt động, có báo cáo thuế đầy đủ. “Sau đó, họ ngừng hoạt động và đến lúc quyết toán thuế, cơ quan quản lý đổ ngược cho chúng tôi và những chi phí hóa đơn làm ăn với DN này cũng không được xác nhận” - ông Vinh nói.

Theo các DN, trước đây, việc hoàn thuế không bị trục trặc nhưng gần đây, có một số thông tư, hướng dẫn mới làm khó DN nên họ không hoàn thuế được. Tình trạng chung hiện nay là khi DN nộp hồ sơ hoàn thuế thì cơ quan thuế địa phương tìm mọi cách sử dụng các nghiệp vụ chuyển từ hoàn trước kiểm sau (6 ngày làm việc) sang kiểm trước hoàn sau (40 ngày làm việc) và thường kéo dài ít nhất 2-3 tháng mới hoàn tất thủ tục hoàn thuế. Sau khi kiểm tra, xác định số thuế DN được hoàn, DN phải “chung chi” mới được nhận tiền sớm. “Cơ quan thuế địa phương đổ cho Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đưa ra quy định, văn bản chỉ đạo siết chặt, kéo dài thời gian xử lý hồ sơ và không có tiền nên không giải quyết hoàn. DN muốn được ưu tiên lấy tiền về nhanh thì phải thỏa thuận với cán bộ thuế để lấy tiền về quay vòng vốn. Nhiều DN được ký lệnh hoàn thuế kêu trời vì chậm được hoàn, có trường hợp đã nhận được lệnh hoàn thuế nhưng không nhận được tiền, cơ quan thuế phải gia hạn lệnh hoàn thuế chờ… tiền về kho bạc.

Theo luật sư Trần Xoa, Bộ Tài chính ban hành nhiều văn bản dưới luật nhưng đứng trên luật nên DN khổ vì nếu làm đúng luật thì việc hoàn thuế rất đơn giản. Bộ Tài chính gặp khó khăn về tài chính nhưng tiền hoàn thuế là tiền DN đã nộp vào, vì lý do gì dẫn đến chậm hoàn thuế đều bất công và gây ảnh hưởng đến hoạt động của DN.

Giảm thuế là mong ước lớn nhất

Trong báo cáo kết quả xếp hạng tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam do Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố tháng 2-2016, cho thấy nguyện vọng đầu tiên của các DN lớn nhất Việt Nam là được giảm thuế thu nhập DN. Cụ thể, trả lời cho câu hỏi DN cần hỗ trợ gì trong thời gian tới, 81,4% trong tổng số 500 DN có tốc độ tăng trưởng doanh thu nhanh nhất cho rằng nên giảm tiếp thuế thu nhập DN. Tiếp theo mới là mong muốn đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (75%), giảm lãi suất (74,6%), cải thiện môi trường pháp lý và tăng cường hỗ trợ (70%).

Theo Thanh Nhân - Thái Phương

Người lao động

Trở lên trên