MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Obama chiếm trọn tình cảm của người dân không phải vì ông là Tổng thống Mỹ mà bởi cách ứng xử của ông khi ở đây"

26-05-2016 - 16:21 PM | Doanh nghiệp

Bộ máy truyền thông của Tổng thống Obama đã được vận hành một cách hoàn hảo khi lên kế hoạch và thực hiện cho chuyến thăm Việt Nam.

Hơn 2 ngày công du đến Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tạo nên một làn sóng hâm mộ cuồng nhiệt trên truyền thông và mạng Xã hội. Sự kiện ông Obama gặp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chứng kiến những hợp đồng thương mại hàng chục tỷ USD, gặp gỡ trí thức, sinh viên, đi ăn bún chả, chụp ảnh với người dân dưới mưa… đều là những hình ảnh ấn tượng, ghi đậm dấu ấn Obama và chiếm trọn vẹn tình cảm của người dân Việt Nam.

Dưới góc độ truyền thông, chuyên gia sẽ lý giải như thế nào về hiệu ứng tạo ra với các thương hiệu từ chuyến thăm của Tổng thống Obama và có được bài học gì từ đó?

Tại buổi giao lưu trực tuyến trên fanpage Cafef, ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch Tập đoàn Truyền thông Lê đã chia sẻ các góc nhìn của mình.

Tổng thống Mỹ Barrack Obama đến Việt Nam chỉ trong hơn 2 ngày nhưng tạo ra một làn sóng hâm mộ cuồng nhiệt trên truyền thông và mạng xã hội không chỉ bởi những sự kiện chính thức mà còn bởi những hoạt động bên lề trông giống như rất ngẫu nhiên. Dưới góc nhìn của một chuyên gia truyền thông, ông thấy gì?

Có một vài hoạt động trông có vẻ tự nhiên, nhưng thực tế nó nằm trong kịch bản được sắp xếp rất chặt chẽ và chi tiết của bộ máy truyền thông Tổng thống Obama. Việc phối hợp với chính quyền địa phương, các nơi đến thăm đều là có sự hợp tác chặt chẽ và dàn xếp. Từng câu nói, hoạt động đều được tính toán chi tiết từ trước chứ không phải mọi thứ là ngẫu nhiên.

Tôi lấy một ví dụ đơn giản, mọi người nhìn trước tivi và thấy tổng thống Obama diễn thuyết cực kỳ tự nhiên, như mọi thứ nằm sẵn trong đầu, không cần giấy tờ gì mà vẫn có Kiều, có "Sông núi nước Nam vua Nam ở". Thực tế bài diễn văn ấy đã được chuẩn bị kỹ từ trước và có cả phần chữ chạy màn hình trước mặt khi ông diễn thuyết.

Việc này là bình thường thôi, bởi với vị trí cua một nguyên thủ Quốc gia như thế, đối với phương Tây, sự xuất hiện trước truyền thông phải hết sức chuyên nghiệp và hầu như không thể có sai sót nào.

Ví dụ như việc ông đi thăm chùa Ngọc Hoàng, chúng ta có đọc được chia sẻ của một ông giáo sư – người dẫn ông Obama đi thăm chùa, có thể thấy là mọi cử chỉ hành động đều được sắp xếp từng giây.

Ở đây, tôi muốn nói rằng, bộ máy truyền thông của Tổng thống Obama được vận hành một cách hoàn hảo khi lên kế hoạch và thực hiện cho chuyến thăm Việt Nam. Nói đúng ra là bộ máy này đã có chiến lược đúng và vận hành rất tốt trong cả 2 nhiệm kỳ Obama làm Tổng thống, nên khi ông sang Việt Nam thì kết quả đặc biệt xuất sắc. Điều này có thể thấy rõ ở sự nồng nhiệt một cách tự nhiên của giới truyền thông, cũng như người dân Việt Nam.


Ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch Le Group. Ảnh: Trần Thành

Ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch Le Group. Ảnh: Trần Thành

Tại TP HCM khi diễn thuyết trước các bạn trẻ, ông Obama dẫn cả ca sĩ Sơn Tùng MTP và cố rocker Trần Lập trong bài phát biểu khiến rất nhiều người ngạc nhiên. Ông có nhận xét gì về những chi tiết như vậy xuất hiện trong phần phát biểu của Tổng thống Mỹ?

Cũng giống như khi phát biểu tại Trung tâm Hội Nghị quốc gia, tất cả các bài diễn văn của Obama đều được chuẩn bị kỹ lưỡng bởi một bộ máy khổng lồ ở phía sau. Vì đối tượng diễn thuyết là những thủ lĩnh trẻ nên bộ máy truyền thông của ông Obama muốn thể hiện rằng ông có những hiểu biết về văn hóa, phong tục, về những con người tạo cảm hứng cho giới trẻ. Sơn Tùng MTP, Trần Lập là những lựa chọn rất phù hợp.

Họ cũng tham khảo và được tư vấn từ những người VIệt Nam am hiểu cho các bài phát biểu này với mục đích tạo ra hiệu ứng cao nhất với người nghe, truyền cảm hứng và chạm đến trái tim của người nghe. Đó là công nghệ diễn thuyết của Tổng thống Mỹ.

Bình thường, một chính trị gia nước ngoài đến Việt Nam sẽ không thể so sánh về độ hot với các ngôi sao giải trí nhưng khi Obama thì khác. Vị tổng thống Mỹ tạo ra mối quan tâm ngoại lệ và chưa một ngôi sao giải trí nào có thể làm được. Ông có nhận xét gì về hiện tượng đó?

Người Việt Nam nói chung có xu hướng trọng tình, chúng ta yêu quý những người thân thiện, gần gũi, không có khoảng cách. Những giá trị của Obama tạo ra được những điều như thế. Ông ấy sẵn sàng ngồi ăn ở quán bình dân, sẵn sàng bắt tay với người dân bình thường. Đó là những cử chỉ chạm được đến trái tim người Việt Nam khiến cho người ta cảm thấy ông ấy như một người bạn.

Trong khi nếu ở nơi khác, người ta trọng lý, những chính sách, những hành động tác động đến chính trị, kinh tế…

Còn một số ngôi sao khi đến Việt Nam, có thể họ hơi lạnh lùng một tí thì người Việt Nam không thích. Nếu ngôi sao mà gần gũi, thân thiện như Obama thì họ cũng có thể được yêu thích tương tự.

Theo ông, chiến lược truyền thông được xây dựng cho Tổng thống Obama dựa trên điều căn bản gì?

Việc xây dựng thương hiệu cá nhân cho một vị nguyên thủ quốc gia cần căn cứ vào tính cách, đời sống cá nhân và sự nghiệp trong quá khứ của họ. Obama là một hình mẫu đặc biệt bởi ông là tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ, với hình ảnh thân thiện, hòa đồng và ga lăng của một người đàn ông có cuộc sống hạnh phúc, thành đạt.

Chiến lược truyền thông cho cá nhân ông cũng được xây dựng theo xu hướng này và mọi người có thể thấy rất rõ điều đó trong chuyến thăm Việt Nam như việc ông đi ăn bún chả Hương Liên và chụp ảnh chung với mọi người trong quán, bắt tay với người dân khi rời đi, ghé vào quán trà đá ven đường và bắt tay người dân bình thường Việt Nam giữa trời mưa…

Những người làm truyền thông đã chọn những đức tính đó để làm giá trị cốt lõi và nhấn mạnh vào đó.

Trong khi đó, nếu là Tổng thống Bush, chiến lược truyền thông sẽ phải dựa trên tính cách cứng rắn vốn có của ông, với với Tổng thống Bill Clinton thì đó là tính cách hào hoa chẳng hạn…

Theo ông, có thể rút ra bài học thương hiệu gì từ việc xây dựng chiến lược truyền thông thành công của Tổng thống Obama?

Nếu là thương hiệu cá nhân, có thể rút ra bài học là sự thân thiện, gần gũi luôn luôn tạo ra tình cảm tích cực rất lớn. Obama đến Hà Nội 2 ngày nhưng chiếm trọn tình cảm người dân không phải do ông là Tổng thống Mỹ mà còn bởi cách ứng xử của ông khi ở đây và vì cả quá trình xây dựng hình ảnh được mọi người biết đến từ trước đó.

Theo như hầu hết hình dung của mọi người, Tổng thống Mỹ sẽ được bảo vệ cực kỳ nghiêm ngặt và rất ít người được tới gần, thậm chí có thể bị bắn nếu có hành động khả nghi. Thế nhưng ở Hà Nội, người ta thấy Obama bất ngờ đi ăn bún chả, rồi bắt tay người dân rất nhiều sau khi rời đi, thậm chí ghé một quán trà đá ven đường khi ra sân bay…

Mọi người đều thấy họ có thể tới gần Obama không phải là như tưởng tượng, thậm chí là có thể bắt tay, ngồi ăn, chụp ảnh chung với ông miễn là ở đó để chờ cơ hội.

Điều này xóa nhòa đi khoảng cách của người đàn ông quyền lực nhất thế giới và những người dân Việt Nam bình thường. Họ không còn cảm thấy một bức tường rào cực kỳ nghiêm ngặt bảo vệ Tổng thống ngăn cản người khác được tiếp cận người họ yêu mến. Sự thân thiện và tin cậy được xây dựng trong một thời gian cực ngắn như vậy là rất khó nhưng Obama đã làm được và rất thành công.

Nó cho thấy, một cá nhân luôn thể hiện sự chân thành, trí tuệ nhưng khiêm tốn,gần gũi là một phương pháp dễ chiếm được cảm tình của công chúng.

Với các thương hiệu thương mại, bài học để lấy được niềm tin của khách hàng cũng là sự chân thành.Nếu một thương hiệu được xây dựng bằng sự gần gũi người tiêu dùng, hướng tới những giá trị cơ bản được chia sẻ chung thì nó sẽ làm cho người ta không thấy khoảng cách nữa.

Hà Phương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên