MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

OGC: Sẽ có BCTC kiểm toán 2021 trước 15/6, ban lãnh đạo mới tiếp tục cam kết sẽ có chuyển biến tích cực sau khi tái cấu trúc toàn diện

05-06-2022 - 10:07 AM | Doanh nghiệp

OGC: Sẽ có BCTC kiểm toán 2021 trước 15/6, ban lãnh đạo mới tiếp tục cam kết sẽ có chuyển biến tích cực sau khi tái cấu trúc toàn diện

"OGC là tập đoàn có quỹ tài sản và hoạt động đầu tư nên có nhiều tiềm năng khai thác phát triển, cần nguồn lực lớn để tiếp tục đầu tư và tái khởi động các dự án đóng băng trước nay để tạo doanh thu và lợi nhuận. Thời gian qua và sắp tới HĐQT và Ban điều hành mới tiếp quản, đã và đang làm việc các tập đoàn bất động sản, tổ chức tài chính để triển khai nguồn vốn cho Công ty và tiếp tục thực hiện thời gian tới", Tổng Giám đốc nhấn mạnh.

Tập đoàn Đại Dương (OGC) vừa có thông báo về việc phát hành BCTC kiểm toán năm 2021, thời gian sẽ không chậm hơn ngày 15/6/2022. OGC cũng nhấn mạnh đang làm việc với đơn vị kiểm toán, đồng thời lấy ý kiến ĐHCĐ bằng văn bản theo hình thức biểu quyết điện tử về việc xử lý một số khoản nợ phải thu khó đòi làm cơ sở để công ty lập và phát hành báo cáo kiểm toán 2021. Thời gian thực hiện 13/6/2022.

Trước đó, Công ty vừa bị Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE) đưa cổ phiếu từ diện kiểm soát sang hạn chế giao dịch kể từ ngày 9/6 do chậm nộp BCTC năm 2021 đã được kiểm toán quá 45 ngày so với quy định. Đồng thời, HoSE cũng quyết định giữ nguyên diện kiểm soát với cổ phiếu OGC do BCTC kiểm toán năm 2019 và 2020 có ý kiến kiểm toán ngoại trừ.

Ban lãnh đạo cam kết OGC sẽ có những chuyển biến tích cực trong thời gian tới

Tại thông báo lần này, ban lãnh đạo mới tiếp tục khẳng định sau tái cấu trúc toàn diện, OGC sẽ có những chuyển biến tích cực trong thời gian tới, đặc biệt lĩnh vực phát triển dự án. Trong đó, với sự phục hồi của thị trường du lịch, Công ty tin rằng một số dự án trọng điểm như tổ hợp văn phòng trung tâm thương mại, khách sạn và căn hộ cho thuê – Starcity Trần Khánh Dư Holtel, khách sạn Starcity Westlake… sẽ tiếp tục mang lại dòng tiền đáng kể cho Tập đoàn.

Sau 1 năm biến động thượng tầng, cuộc chiến quyền lực tại OGC đã chính thức ngã ngũ. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 vừa qua, cổ đông đã thống nhất miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát trong thời gian còn lại trong nhiệm kỳ 2019-2024. Tương tự như OCH, đại hội OGC cũng thông qua việc đổi tên Công ty và thay đổi trụ sở.

Theo đó, Equity Holding đã nắm vốn chi phối, Chủ tịch là bà Lê Thị Việt Nga cam kết cùng cổ đông: "Với sự tham gia cổ đông lớn hiện tại là IDS Equity Holding và một số cổ đông khác, tức có người lèo lái mới, Công ty sẽ xây dựng định hướng phát triển mới và tháo gỡ khó khăn lớn nhất là vốn, tài chính.

OGC hiện có nguồn lực mới gồm nhân sự giàu kinh nghiệm, năng lực tài chính vững mạnh và sự hỗ trợ từ các tập đoàn bất động sản lớn, định chế tài chính - sẽ giúp công ty phát triển dài hạn. Đây là cam kết của ban điều hành mới, và cảm ơn các cổ đông đã đồng hành và tin tưởng Công ty".

Năm 2022, OGC đặt kế hoạch kinh doanh hợp nhất 937 tỷ đồng, tăng 80,5%, lợi nhuận kế toán trước thuế 51 tỷ đồng, sau thuế 18 tỷ đồng, giảm mạnh so với thực hiện 2021 là 99 tỷ đồng.

Trong năm, Công ty sẽ tập trung giải pháp thu hút khách hàng sau khi thị trường du lịch mở cửa trở lại; tìm thị trường mới cho hoạt động kinh doanh nghỉ dưỡng thay thế cho các thị trường khác đã bão hoà hoặc bị ảnh hưởng bởi Covid-19, mở rộng tối đa kênh bán hàng.

Đồng thời, với các dự án bất động sản, OGC sẽ hoàn tất pháp lý và đầu tư để triển khai dự án, trong đó, tổng mức đầu tư cho hai dự án ở công ty mẹ là 1.000 tỷ đồng mỗi dự án… OGC cũng sẽ mở rộng hoạt động sản xuất của Kem Tràng Tiền và bánh Givral; nghiên cứu để đầu tư, hợp tác đầu tư từ 1-2 dự án mới trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, kho vận, nhà ở.

OGC: Sẽ có BCTC kiểm toán 2021 trước 15/6, ban lãnh đạo mới tiếp tục cam kết sẽ có chuyển biến tích cực sau khi tái cấu trúc toàn diện - Ảnh 1.

Đang làm việc các tập đoàn bất động sản, tổ chức tài chính để triển khai nguồn vốn

"OGC là tập đoàn có quỹ tài sản và hoạt động đầu tư nên có nhiều tiềm năng khai thác phát triển, cần nguồn lực lớn để tiếp tục đầu tư và tái khởi động các dự án đóng băng trước nay để tạo doanh thu và lợi nhuận. Thời gian qua và sắp tới HĐQT và Ban điều hành mới tiếp quản, đã và đang làm việc các tập đoàn bất động sản, tổ chức tài chính để triển khai nguồn vốn cho Công ty và tiếp tục thực hiện thời gian tới", Tổng Giám đốc nhấn mạnh.

Riêng công ty thành viên là OCH, ban lãnh đạo mới cũng khẳng định đây là đơn vị cốt lõi và quan trọng của OGC với lĩnh vực kinh doanh trọng yếu khách sạn, dịch vụ, thực phẩm, trong đó có giải pháp tập trung vào yếu tố thị trường, thu hút khách hàng, tập trung vào cốt lõi là xây dựng nhà xưởng... OCH có tài sản lớn, thời gian tới có thể tái cáu trúc OGC trong đó không loại trừ phương án là các dự án bất động sản từ OCH sẽ chuyển trực tiếp về OGC để quản lý và phát triển dự án, nhằm tối ưu hoá nguồn lực 2 bên, tạo điều kiện thu hút vốn hợp tác trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, và tập trung cho các dự án khác.

Tựu chung, những bóng dáng cuối cùng của cựu lãnh đạo một thời Hà Văn Thắm đã biến mất khỏi OGC, sau 10 năm "lận đận" cổ đông đã có cơ sở niềm tin mới. Trong đó, IDS Equity Holdings là công ty quản lý tài sản rủi ro và chuyên đầu tư vào những doanh nghiệp bị định giá thấp tại Việt Nam. IDS Equity Holdings tiền thân là doanh nghiệp Việt nam hoạt động từ năm 1986, hoạt động trong dịch vụ in ấn. Vào năm 2014, Leadvisors đã đầu tư vào IDS và bắt đầu hợp nhất tất cả các khoản đầu tư chính. Đến năm 2017, Leadvisors đã nắm giữ quyền sở hữu chi phối tại IDS. Hiện, IDS chủ yếu đầu tư vào các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh cốt lõi ổn định và nhiều tiềm năng, đồng thời có sự phòng vệ rủi ro vững chắc từ tài sản và bất động sản của doanh nghiệp.

IDS đang đầu tư trong 3 lĩnh vực gồm: đầu tư cổ phần, đầu tư NPL (Non-Performing Loans – các khoản nợ xấu) và phát triển bất động sản. Đặc biệt, IDS là công ty có vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam được cấp phép cho hoạt động kinh doanh NPL.

Nhìn lại 10 năm sau sự cố Hà Văn Thắm

Về OGC, Công ty từng là tập đoàn đa ngành tầm cỡ 10 năm trước, với quy mô hàng chục công ty con hoạt động trong đủ mọi lĩnh vực từ bất động sản, du lịch - nghỉ dưỡng, truyền thông, chứng khoán, ngân hàng, thương mại... Trên thị trường, OGC còn được biết đến là cổ phiếu bluechip gắn với tên tuổi của doanh nhân Hà Văn Thắm.

Một số thương hiệu lớn thuộc OGC phải kể đến Sunrise Nha Trang, Sunrise Hội An, Starcity Nha Trang, Starcity Airport Ho Chi Minh City và Starcity Tây Hồ Hà Nội.. Ngoài ra, Công ty còn sở hữu các thương hiệu bánh Givral và Kem Tràng Tiền.

Đặc biệt, giai đoạn 2007-2010, trước thềm chào sàn và mơ ra biển lớn, OGC chứng kiến sự tăng trưởng thần tốc. Với số vốn chỉ 10 tỷ đồng năm 2007, 3 năm sau đó Công ty đã nhanh chóng tăng vốn lên 2.500 tỷ và tăng lên 3.000 tỷ đồng năm 2011.

Ở thời kỳ đỉnh cao 2010-2013, lợi nhuận OGC đạt hàng ngàn tỷ mỗi năm, thuộc Top doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất sàn chứng khoán. Năm 2013 trước khi xảy ra biến cố về nhân sự cấp cao, tổng tài sản của Ocean Group đạt hơn 11.400 tỷ với quy mô vốn chủ sở hữu hơn 3.200 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Ocean Bank và OGC vướng vòng lao lý cuối năm 2014, Công ty bắt đầu chuỗi ngày suy thoái khi hoạt động chỉ xoay quanh điệp khúc thua lỗ và bán tài sản.

Sang năm 2014, OGC báo lỗ sau thuế gần 2.548 tỷ đồng. Những năm sau đó, liên tục thua lỗ khiến tài sản Công ty "bốc hơi" mạnh, lỗ lũy kế ngốn gần hết vốn điều lệ. Trên sàn, cổ phiếu OGC cũng rơi, thậm chí có lúc chỉ còn 1.000 đồng/cp.

Năm 2018, OGC bước sang giai đoạn mới khi nhóm cổ đông mới xuất hiện. Dù vậy, tranh chấp thương trần khiến Công ty vướng vào những lùm xùm xoay quanh tính pháp lý các phiên họp cổ đông, tư cách cổ đông của doanh nghiệp đại diện cho ông Hà Văn Thắm và những người liên quan.

Từ đầu năm 2022, khi vướng mắc dần được tháo gỡ, cổ phiếu OGC cũng ghi nhận sự phục hồi đáng kể. Cũng trả lời cổ đông về thị giá tại Đại hội vừa qua, Chủ tịch cho biết: "Ngắn hạn hay dài hạn cổ đông cũng quan tâm về giá cổ phiếu. Việc đầu tư vào cổ phiếu có nhiều yếu tố tác động, đi từ tình hình vĩ mô, thị trường chứng khoán, ngành, thì OGC cũng bị ảnh hưởng tương tự. Ngoài ra, OGC có yếu tố nội tại về sức khoẻ tài chính, năng lực điều hành… đều ảnh hưởng tới giá cổ phiếu. Giai đoạn mới, tập trung đưa OGC phát triển mạnh và tạo giá trị tốt nhất cho cổ đông. Việc này tin tưởng sẽ ảnh hưởng tích cực tới giá cổ phiếu trong tương lai".

OGC: Sẽ có BCTC kiểm toán 2021 trước 15/6, ban lãnh đạo mới tiếp tục cam kết sẽ có chuyển biến tích cực sau khi tái cấu trúc toàn diện - Ảnh 2.
https://cafef.vn/ogc-se-co-bctc-kiem-toan-2021-truoc-15-6-ban-lanh-dao-moi-tiep-tuc-cam-ket-se-co-chuyen-bien-tich-cuc-sau-khi-tai-cau-truc-toan-dien-20220605083045119.chn

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên