MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Olympic Tokyo: Sẽ an toàn hay là sự kiện siêu lây nhiễm?

05-07-2021 - 10:03 AM | Tài chính quốc tế

Olympic Tokyo: Sẽ an toàn hay là sự kiện siêu lây nhiễm?

Chỉ còn gần một tháng trước khi Olympic Tokyo khai mạc, nhà tổ chức đang triển khai các biện pháp để giảm thiểu rủi ro.

Khoảng 15.000 vận động viên và 53.000 thành viên đoàn, quan chức thể thao từ 207 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới sẽ đặt chân tới Nhật Bản trong vài tuần tới để tham dự Olympic Tokyo, sự kiện sẽ chính thức khai màn trong vòng chưa đến 1 tháng tới.

Trong khi nhiều chuyên gia y tế cảnh báo sự kiện thể thao này có nguy cơ trở thành sự kiện siêu lây nhiễm Covid-19, đơn vị tổ chức cũng như nhiều quan chức lãnh đạo tại xứ sở Mặt trời mọc liên tục trấn an rằng họ đang tích cực thực hiện những biện pháp cần thiết để đảm bảo sự an toàn của người tham gia.

Tâm điểm của quá trình chuẩn bị cho Thế vận hội của Nhật Bản chính là làng Olympic, được xây dựng tại quận Harumi, Tokyo. Đây là một khu phức hợp, bao gồm 21 tòa nhà trên khu đất có diện tích lên tới 44 ha, nơi các vận động viên sẽ ăn, ngủ và tập luyện. Các vận động viên lưu trú tại đây sẽ được xét nghiệm Covid-19 và phải tuân thủ những quy định hết sức chặt chẽ từ ban tổ chức.

Olympic Tokyo: Sẽ an toàn hay là sự kiện siêu lây nhiễm? - Ảnh 1.

Phòng ăn tại làng Olympic với sức chứa 3.000 vận động viên, khoảng cách ngồi giữa hai người dự kiến là 2 m. Ảnh: Reuters.

Một phòng khám sẽ được mở 24/24 nhằm cung cấp dịch vụ y tế cho bất kỳ vận động viên nào nghi nhiễm Covid-19. Trong lúc chờ kết quả xét nghiệm chính thức, vận động viên đó sẽ được cách ly tại phòng riêng. Kể từ ngày 1/7, mọi vận động viên nước ngoài dương tính với Covid-19 đều sẽ được xét nghiệm khẳng định lại bằng phương pháp PCR. Nếu như kết quả tiếp tục dương tính, vận động viên đó sẽ được cách ly tại cơ sở chỉ định bởi ban tổ chức Olympic 2020.

Tất cả vận động viên được lấy mẫu xét nghiệm hàng ngày, với số mẫu ước tính có thể lên tới 18.000. Đơn vị tổ chức đang cân nhắc các biện pháp kiểm soát ví dụ như qua hệ thống camera và kiểm tra ngẫu nhiên nhằm đảm bảo các quy định được chấp hành nghiêm chỉnh.

Khoảng 45.000 suất ăn mỗi ngày sẽ được cung cấp tại hai nhà ăn lớn với 3.000 chỗ ngồi. Nhưng để tránh việc tập trung quá đông người, các vận động viên có thể chủ động nắm bắt số lượng người đang có mặt trong phòng ăn thông qua một màn hình. Màn hình này sẽ cập nhật thông tin sau mỗi 2 phút.

Một thay đổi khác chính là loại bỏ hình thức ăn tự chọn. Trong năm nay, nhân viên phòng ăn sẽ bày thức ăn trên khay cho các vận động viên. Họ sẽ ngồi ăn sau một tấm chắn nhựa và được khuyến cáo giữ khoảng cách 2 m với người bên cạnh.

Vận động viên có thể mua đồ uống có cồn, nhưng chỉ được sử dụng một mình trong phòng của họ. Bao cao su phải được giao nộp trong quá trình di chuyển tới Nhật Bản để đảm bảo các vận động viên sẽ không sử dụng trong thời gian lưu trú tại làng Olympic.

Với việc đặt ra rất nhiều các quy định và biện pháp phòng dịch, Olympic năm nay chắc chắn sẽ có nhiều công việc phải làm hơn so với các kỳ thế vận hội trước đó. Nhưng Chủ tịch Ủy ban Olympics Quốc tế (IOC) Thomas Bach khẳng định “đã sẵn sàng” trong một cuộc họp với đơn vị tổ chức hôm 21/6.

Ông chia sẻ sự tự tin đó với các thành viên Ban tổ chức Olympics 2020. “Chúng tôi sẽ vẫn tổ chức sự kiện này, không bởi vì lòng tự hào hay phục vụ cho lợi ích nền kinh tế, mà vì chúng tôi có thể thực hiện tốt những biện pháp phòng chống dịch bệnh”, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga chia sẻ với các phóng viên.

Ông Bach cho biết “trên 80%” vận động viên sẽ được tiêm vaccine Covid-19 nhưng những vận động viên đó, cộng với phần còn lại, vẫn phải tuân thủ những quy định đề ra.

Ngoài các vận động viên, đơn vị tổ chức cũng phải đối mặt với thử thách đảm bảo an toàn cho khoảng 8.000 tình nguyện viên làm nhiệm vụ tại làng Olympic. Đơn vị tổ chức cho biết những tình nguyện viên bắt buộc phải tiếp xúc gần với các vận động viên sẽ được tiêm vaccine Covid-19.

Olympic Tokyo: Sẽ an toàn hay là sự kiện siêu lây nhiễm? - Ảnh 2.

Làng Olympic có hơn 20 tòa nhà. Ảnh: Kyodo.


Sự an toàn của khán giả cũng cần được quan tâm. Cho dù lượng khán giả được giới hạn ở 10.000 người hoặc tối đa 50% tại mỗi khu vực thi đấu, con số đó vẫn chưa bao gồm các quan chức và nhà tài trợ, hoặc các trẻ em tham dự theo trường học.

Khản giả không cần phải chứng minh mình âm tính với virus, nhưng họ sẽ phải đeo khẩu trang, di chuyển thẳng từ nơi ở tới địa điểm thi đấu, và không được ăn mừng trong suốt trận đấu. Thủ tướng Suga cho biết ông có thể ra lệnh cấm khán giả tới các địa điểm thi đấu nếu như số lượng các ca nhiễm tăng đột biến.

Nhưng một số chuyên gia y tế lại đưa ra cảnh báo rằng vấn đề lớn nhất đó chính là cảm giác “an toàn giả” mà giải đấu này mang lại. Shigeru Omi, cố vấn y tế cao cấp của chính phủ về Covid-19, cảnh báo rằng việc tiếp tục tổ chức Thế vận hội có thể truyền đi “một thông điệp trái ngược”.

“Nhiều người phải chịu dựng các biện pháp hạn chế trong một khoảng thời gian dài và sự kiên nhẫn của họ đã tới giới hạn”, Omi cho biết. Ông bổ sung rằng người dân có thể lơ là các biện pháp phòng dịch khi họ thấy Olympic vẫn được tổ chức.

Hy vọng lớn nhất giờ đây nằm ở vaccine. Sau một khởi đầu chậm chạp, Nhật Bản đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng với khoảng 900.000 mũi được tiêm mỗi ngày. Hơn 7% dân số đã được tiêm phòng và chiến dịch tiêm chủng tại nơi làm việc đã chính thức bắt đầu từ ngày 21/6.

Sự ủng hộ của người dân đối với sự kiện lần này cũng tăng lên khi chính phủ Nhật Bản khởi động phong trào tiểm chủng. Trong khảo sát gần đây được thực hiện bởi Asahi Shimbun, 34% số người được hỏi cho biết Oympic nên được tổ chức vào mùa hè này, tăng 20% so với ghi nhận trong tháng 5. 32% số người tham gia cho biết sự kiện nên được hủy bỏ, giảm từ mốc 43% trong tháng trước.

Nhật Bản dành ra khoảng 40.000 mũi vaccine cho các vận động viên trong nước, những người có liên quan tới Thế vận hội. Kể từ ngày 1/6, các vận động viên đã bắt đầu nhận được những mũi tiêm đầu tiên. Ước tính có khoảng 95% tổng số lượng các vận động viên đươc tiêm phòng đầy đủ trước khi họ chính thức tham gia thi đấu.

Nhưng với việc ngày càng nhiều các vận động viên nước ngoài đến với Nhật Bản, thách thức trong một vài tháng tới có thể sẽ rất lớn.

Một huấn luyện viên đội tuyển Uganda có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 khi đặt chân tới Tokyo, dù toàn bộ đoàn thể thao nước này đã được tiêm vaccine đầy đủ. 8 thành viên còn lại của đoàn di chuyển tới Osaka bằng xe buýt. Theo đơn vị tổ chức, 8 người này được cho là không tiếp xúc gần với huấn luyện viên đó.

Biến chủng Delta siêu lây nhiễm bắt nguồn từ Ấn Độ cũng là nỗi lo lớn đối với ban tổ chức. Nobuhiko Okabe tới từ Viện Y tế công cộng Kawasaki, thành viên ban cố vấn các biện pháp phòng chống Covid-19 của Olympic Tokyo 2020, cho biết rủi ro đó chính là việc chúng ta vẫn chưa biết nhiều về chủng virus mới này.

“Chúng ta phải chuẩn bị thật cẩn thận trên tinh thần rằng rủi ro luôn thường trực”, ông cho biết.

Đây thực sự là một thử thách lớn. Ủy ban Olympic quốc tế trong tháng trước cho biết các vận động viên từ Bangladesh, Ấn Độ, Maldives, Nepal, Pakistan, và Sri Lanka phải được tiêm phòng đầy đủ. Đơn vị tổ chức yêu cầu các vận động viên Ấn Độ phải xét nghiệm hàng ngày trong vòng 7 ngày liên tiếp trước khi di chuyển tới Nhật Bản. Họ cũng được yêu cầu không tham gia tập luyện chung với các vận động viên đoàn khác tại làng Olympic trong vòng 3 ngày sau khi tới đây.

Tuy nhiên, Hiệp hội Olympic Ấn Độ cho biết các biện pháp thắt chặt hơn đối với vận động viên của họ là “không công bằng và phân biệt đối xử”, theo truyền thông địa phương. Kaori Yamaguchi, một thành viên Hội đồng Olympic Nhật Bản, cho biết thế vận hội lần này có thể sẽ “không công bằng” với một số vận động viên.

Bach sẽ tới Nhật Bản vào ngày 12/7, liên tục nhấn mạnh rằng sự an toàn chính là mục tiêu tối thượng của sự kiện Olympic chưa từng có trong tiền lệ này.

“Công việc vẫn chưa kết thúc và vẫn đang tiếp diễn”, ông cho biết.

Theo Trọng Đại

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên