MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Olympics 2016 liệu có thể làm phao cứu sinh nền kinh tế Brazil?

08-08-2016 - 16:40 PM | Tài chính quốc tế

Nếu mọi thứ cứ xảy ra như lịch sử đã từng chứng minh thì người Brazil vẫn còn có những lý do để tin về một bức tranh tươi sáng hậu Olympic.

Mỗi kỳ Olympics nổi lên, các quốc gia đăng cai lại đứng trước chỉ trích rằng sự kiện thể thao diễn ra trong 2 tuần này đem lại nhiều rắc rối hơn là lợi ích, đặc biệt là xét trên phương diện tài chính.

Trong kỳ thế vận hội mùa hè lần này, những ý kiến chỉ trích còn mạnh mẽ hơn cả bởi nó được tổ chức tại Brazil, đất nước có nền kinh tế vốn đã mong manh và khoảng cách giữa các tầng lớp trong xã hội cực kỳ lớn.

Không thể phủ nhận Olympics đem lại nguồn doanh thu vé và lượng khách du lịch tăng mạnh. Bên cạnh đó, để tổ chức một kỳ Olympics cần tốn một khoản tiền đầu tư ban đầu cực lớn.

Chỉ số Bovespa Index Brazil (chỉ số theo dõi 50 cổ phiếu biểu hiện tốt nhất trên sàn chứng khoán Sao Paulo) tăng 14,7% sau khi Rio công bố đăng cai tổ chức thế vận hội Olympics năm 2016. Nhưng sau đó nền kinh tế lại rơi vào suy thoái và lạm phát chậm thay đổi đã buộc NHTW Brazil phải nâng lãi suất đến mức cao nhất 9 năm lên 14,25%.

Nếu mọi thứ cứ xảy ra như lịch sử đã từng chứng minh thì người Brazil vẫn còn có những lý do xác đáng để tin về một bức tranh tươi sáng hậu Olympic.

4 năm trước, Mo Farah, Jessica Ennis, Sir Chris Hoy và những người đồng đội của họ trong đội tuyển vương quốc Anh đã đưa Olympics 2012 trở thành kỳ vận hội thành công nhất kể từ năm 1908 với 65 tấm huy chương đồng đội, vượt lên trên cả mục tiêu trước khi thi đấu là 48 tấm.

Thành công của đội tuyển Anh một lần nữa còn được phản ánh trên thị trường chứng khoán trong năm sau khi thế vận hội kết thúc. Khi đó, chỉ số FTSE 100 của London đã tăng 16,5% trong suốt 12 tháng hậu Olympics. Một báo cáo của chính phủ được công bố vào tháng 7 năm 2013 cho thấy thương mại và đầu tư của nước Anh đã tăng 9,9 tỷ bảng nhờ có sự kiện thể thao Olympics.

Thực tế, London vẫn chưa phải là đơn vị đăng cai thành công nhất trong lịch sử. Kể từ năm 1992, trung bình thị trường chứng khoán của các nước đăng cai thế vận hội Olympics mùa hè đều tăng trung bình ít nhất 25% trong năm sau khi sự kiện kết thúc.

Chỉ số IBEX 35 của Tây Ban Nha tăng 27,2% vào năm thành phố Barcelona của quốc gia này tổ chức Olympics năm 2000, trong khi Dow Jones tăng hẳn 45,4%, theo sau thành công của kỳ Olympics năm 1992.

Bên cạnh ảnh hưởng lên thị trường chứng khoán, lượng khách du lịch đến Barcelona năm 2000 tăng lên đến 3,5 triệu người – nhiều hơn gấp đôi số lượng khách đến đây vào kỳ Olympics năm 1992. Năm 1996, thành phố Atlanta đã trở thành nhà của gần 1000 liên đoàn vận động viên quốc tế. Đến mùa hè năm 2010, con số này đã tăng đột biến lên tới 2.400 liên đoàn.

“Sẽ là không khôn ngoan nếu quy kết tăng trưởng của cả thị trường chứng khoán vào việc đăng cai một sự kiện thể thao bởi còn rất nhiều những yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty và giá cổ phiếu. Tuy nhiên, các thành phố trên toàn cầu vẫn đang chạy đua để được làm chủ nhà cho các sự kiện thể thao”. Russ Mould – giám đốc đầu tư tại AJ Bell nhận định.

Anh Sa

ibTimes

Từ Khóa:
Trở lên trên