Ôm cổ phiếu lớn cũng lỗ
Chứng kiến nhiều tuần tăng điểm mạnh liên tiếp, TTCK đã liên tục lập đỉnh cao nhất trong 10 năm. Trong đó có sự góp sức của những CP có vốn hóa lớn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo NĐT cần thận trọng...
Bất an với CTD
Phiên giao dịch ngày 15-11-2017, mã CTD (CTCP Xây dựng Coteccons) tăng chạm mốc 250.000 đồng/CP. Đây là mức giá cao nhất trong lịch sử giao dịch, kể từ ngày CP này chào sàn HOSE trong phiên giao dịch ngày 20-1-2010 với giá tham chiếu 95.000 đồng/CP. Tuy nhiên, sau khi chạm đỉnh, CTD đã bất ngờ đổ dốc mạnh và hiện đang giao dịch ở mức 158.000 đồng/CP (tương đương mức giảm lên tới 36%).
Đà giảm của CTD từ thời điểm đầu năm 2018, bắt nguồn từ việc doanh nghiệp này công bố BCTC quý IV-2017 với những con số đáng thất vọng. Cụ thể, biên lợi nhuận trong quý IV đạt mức thấp kỷ lục 6,4% do giá nguyên liệu tăng, một số dự án mới với khách hàng trung thành có biên lợi nhuận thấp (6%), một số dự án bị đẩy sang năm 2018.
CP có vốn hóa lớn là lực đẩy chính giúp VN Index chinh phục những mốc điểm số cao trong lịch sử. Tuy nhiên, không phải ông lớn nào cũng tăng, thậm chí nhiều CP còn lao dốc, khiến NĐT thua lỗ nặng nếu lỡ giải ngân ở mức giá đỉnh.
Lũy kế cả năm 2017, CTD ghi nhận doanh thu và lợi nhuận lần lượt 27.153 tỷ đồng và 1.653 tỷ đồng. Với kết quả này, CTD đã không hoàn thành mục tiêu lợi nhuận 2017 được cổ đông thông qua 1.750 tỷ đồng.
Cụ thể, khoản phải thu khách hàng ngắn hạn tăng lên gần 1.900 tỷ đồng trong quý IV, và tăng 2.800 tỷ đồng trong cả năm. Đây là con số đáng báo động bởi khoản phải thu này chưa bao giờ vượt quá 800 tỷ đồng ở các năm trước. Một trong những khoản phải thu lớn là dự án chung cư The Goldview do CTCP May Diêm Sài Gòn làm chủ đầu tư, với tổng giá trị hợp đồng lên đến 3.000 tỷ đồng.
Dù lãnh đạo CTD cho rằng khoản phải thu này sẽ hoàn tất trong năm 2018, nhưng nhiều cổ đông vẫn hết sức lo ngại. Thêm yếu tố khiến NĐT quan ngại về tương lại của CTD là việc rót quá nhiều vốn để mở rộng sang lĩnh vực bất động sản. Tháng 8-2017, CTD đã tăng vốn điều lệ công ty con là Công ty TNHH Covestcons từ 26 tỷ đồng lên 1.870 tỷ đồng.
Mục đích để thực hiện các hoạt động đầu tư cho công ty mẹ. Gần đây, công ty con này đã thông báo sẽ mua lại một phần hoặc toàn bộ 5 dự án tại TPHCM (3 dự án văn phòng, 2 dự án nhà ở), và giải ngân khoảng 300-400 tỷ đồng trong năm 2018.
Một cửa hàng của MWG.
Rớt giá hậu thâu tóm
Trước khi rơi vào tay tỷ phú người Thái, mã SAB (Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn) có đợt tăng giá chạm mốc 347.000 đồng/CP trong phiên giao dịch ngày 30-11-2017. Tuy nhiên, sau phiên chào bán hơn 53% cổ phần của Bộ Công Thương, SAB liên tục rớt giá và hiện đang giao dịch ở mức 244.000 đồng/CP. Tương tự là mã BMP (CTCP Nhựa Bình Minh).
Thông tin thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã giúp mã CP này có nhiều đợt sóng tăng phi mã trong năm 2017. Đỉnh điểm là đợt sóng tăng giá trong tháng 3-1017 khi BMP chạm mốc 209.000 đồng/CP. Thế nhưng, càng đến sát ngày SCIC chào bán cổ phần, BMP càng bị NĐT bán ra mạnh. Sau khi tập đoàn đến từ Thái Lan là The Nawaplastic Industries ôm trọn lô 29,5% cổ phần từ SCIC, BMP hiện giao dịch ở mức 73.000 đồng/CP.
Đối với BMP, động lực tăng trưởng CP lớn nhất trong cả năm 2017 đến từ thoái vốn của SCIC. Lẽ dĩ nhiên, sau khi thương vụ hoàn tất, NĐT quay lại với thực tế không mấy suôn sẻ của doanh nghiệp này. Theo BCTC năm 2017 được BMP công bố, doanh thu đạt 4.057 tỷ đồng, (tăng 10,2%), trong khi lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 471 tỷ đồng (giảm 25%).
Nguyên nhân chính do giá vốn tăng cao cùng với sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ truyền thống, và cả những doanh nghiệp mới thâm nhập thị trường như Tiền Phong, Hoa Sen hay Tân Á Đại Thành.
Năm 2018 tiếp tục được dự báo cực kỳ khó khăn cho BMP do giá nguyên liệu nhựa PVC có thể tiếp tục duy trì ở mức cao, với kịch bản giá dầu bình quân tăng 8% và điều này có thể tiếp tục tác động tiêu cực đến lợi nhuận của BMP. Tương tự, sóng thoái vốn cũng là yếu tố đẩy SAB lên đỉnh trong năm 2017 và nhanh chóng xìu xuống đáy.
Đặc biệt, những ngày gần đây SAB liên tiếp đón nhận thông tin không vui từ kết luận của Kiểm toán Nhà nước về các vấn đề, như lợi nhuận chưa được phân phối đến ngày 31-12-2016 là 2.930 tỷ đồng, chưa chia cổ tức cho cổ đông; công ty mẹ phải trích lập dự phòng tổn thất đầu tư tài chính đối với 10 khoản đầu tư dài hạn với số tiền 444,7 tỷ đồng, bằng 77,8% giá trị đầu tư; chi tiền thưởng của năm tài chính 2015 vượt quá tiêu chuẩn cho các chức danh chủ chốt trong năm 2016.
Thận trọng với MWG
Ngày 16-3, cổ đông của CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG) đã thông qua chỉ tiêu kinh doanh năm 2018 với doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt lần lượt 86.390 tỷ đồng (tăng 30%) và 2.207 tỷ đồng (tăng 18%), cổ tức tiền mặt 15% sẽ được thanh toán trong quý II. Dù HĐQT tiếp tục đưa ra những chỉ tiêu ấn tượng, nhưng MWG không được NĐT đón nhận theo chiều hướng tích cực.
Đây là nguyên nhân khiến giá CP vẫn đi ngang ở mức giá 114.000 đồng/CP, trong bối cảnh thị trường chung diễn biến hết sức tích cực. Như vậy, nếu so với mức giá 135.000 đồng/CP thời điểm đầu năm 2018, MWG đã sụt giảm hơn 15%.
Vậy đâu là lý do khiến NĐT hờ hững với những con số ấn tượng của MWG. Có thể nhắc đến là những dấu hiệu cho thấy thị trường bán lẻ di động và điện máy đang có nhiều dấu hiệu bão hòa. Để duy trì tăng trưởng trong bối cảnh này, MWG đã chơi “canh bạc” lớn là nhảy vào chuỗi bán lẻ mới mang tên Bách Hóa Xanh (BHX) trong năm 2015, với thị trường mục tiêu đầu tiên là TPHCM.
Tuy nhiên, mô hình này vẫn chưa đóng góp nhiều vào hiệu quả kinh doanh của MWG. Theo thống kê, năm 2017 chuỗi BHX có 235 cửa hàng, ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.387 tỷ đồng (đóng góp 2,1% vào kết quả chung) và chưa có lợi nhuận ròng.
Ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc MWG, thừa nhận mô hình kinh doanh của BHX gặp khó khăn do đội ngũ quản trị chưa đáp ứng được thực tế và doanh thu trung bình của các cửa hàng sụt giảm. Tốc độ phát triển chậm chạp của BHX cũng khiến lãnh đạo MWG nôn nóng. Chia sẻ với các NĐT, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT MWG, cho biết sẽ dốc hết lực cho BHX trong năm 2018, với mục tiêu đưa chuỗi cửa hàng lên 1.000 điểm bán vào cuối năm.
Việc dốc hết sức vào BHX chắc chắn không thể làm hài lòng tất cả cổ đông. Thực tế, BHX nhận được rất nhiều ý kiến chất vấn từ phía cổ đông trong mùa ĐHCĐ năm nay. Trả lời ý kiến cổ đông về lo ngại này, đại diện MWG đã nhắc lại chuyện quá khứ khi bắt đầu chuỗi cửa hàng Điện Máy Xanh: “Chúng tôi nhận được 2 luồng ý kiến khác nhau. Nhóm NĐT không đủ niềm tin chọn giải pháp rút lui. Nhóm đặt niềm tin cho rằng đây là cơ hội để cùng đồng hành và chia sẻ lợi nhuận sau đó. Quan điểm này tiếp tục xảy ra khi chúng tôi bắt tay làm BHX. Nếu lần này MWG tiếp tục thành công, những NĐT rút lui sớm sẽ không còn cơ hội chia sẻ lợi nhuận với chúng tôi”.
Sài Gòn đầu tư Tài chính