Ông Andy Ho: “Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn ưa thích cổ phiếu Việt Nam”
Với P/E cao hơn trước, định giá của thị trường Việt Nam đã tăng phần nào nhưng vẫn rẻ hơn khá nhiều so với trung bình của các thị trường châu Á như Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Philippines.
- 24-07-2016121 triệu USD dùng để "tậu" Paul Pogba có thể mua được những gì trên thị trường chứng khoán Việt Nam?
- 22-07-2016VCBS: Cẩn trọng khi dòng tiền bằng cách này hay cách khác vẫn chảy vào thị trường chứng khoán...
- 22-07-2016Đây là những yếu tố chính chi phối xu hướng Thị trường chứng khoán trong thời gian tới
Ông Andy Ho , Giám đốc điều hành kiêm Trưởng Bộ phận Đầu Tư của VinaCapital cho biết như vậy khi nói với chúng tôi về những diễn biến trên thị trường chứng khoán Việt Nam nửa đầu năm 2016.
Thị trường chứng khoán Việt 6 tháng đầu năm 2016 vẫn có diễn biến tích cực, dường như nằm ngoài những tác động từ những yếu tố trong và ngoài nước. Ông có đánh giá gì về điều này?
Nhìn lại nửa đầu năm 2016, thị trường Việt Nam đã gây ấn tượng rất tốt với các nhà đầu tư, thể hiện qua việc VN-Index đã tăng 9.2% tính theo VND (10.1% tính theo USD), thuộc nhóm các thị trường chứng khoán có mức tăng trưởng tốt nhất thế giới.
Khối lượng giao dịch của sàn HoSE trong 6 tháng đầu năm nay tăng hơn 30% và giá trị giao dịch cũng tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm 2015. VN Index có giảm nhẹ trong Quý I nhưng đã tăng rất khả quan trong Quý II, được hỗ trợ bởi sức mua của các nhà đầu tư nước ngoài lẫn nội địa. Các nhà đầu tư ngoại đã mua ròng 55 triệu USD trong tháng 5 và tháng 6 và được biết các công ty môi giới đã tăng cho vay ký quỹ, qua đó góp phần vào đà tăng điểm của thị trường.
Tôi đồng tình với ý kiến cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam ít chịu ảnh hưởng từ các biến động của thế giới như việc FED trì hoãn nâng lãi suất hay nước Anh đã lựa chọn rời khỏi Liên minh Châu Âu, bởi lẽ nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa thực sự gắn kết sâu vào kinh tế toàn cầu. Những động thái quốc tế này có thể khiến tâm lý các nhà đầu tư bất ổn, được phản ánh qua một số phiên điều chỉnh trong ngắn hạn nhưng sau đó thị trường chứng khoán Việt Nam đã hồi phục khá nhanh cùng với các thị trường trên thế giới.
Về các yếu tố trong nước, dù tăng trưởng GDP có chậm lại trong nửa đầu năm 2016, đông đảo các nhà quan sát vẫn nhìn nhận lạc quan về triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm nay dựa trên các điều kiện như các chỉ số vĩ mô ổn định, Việt Nam đang có sức hút mạnh mẽ về đầu tư quốc tế nhờ các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, cùng với đó là các cam kết của nội các Chính phủ mới trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và tiếp tục đẩy mạnh việc cải cách kinh tế, đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, tạo ra nhiều hàng hóa cho thị trường ...
Bên cạnh đó là việc nới room cho các doanh nghiệp hàng đầu trên thị trường cũng như các doanh nghiệp đang niêm yết tiếp tục tăng trưởng ổn định. Những yếu tố này cũng tiếp tục là những thuận lợi lớn cho thị trường trong 6 cuối năm.
Qua trao đổi với các nhà đầu tư nước ngoài, hiện nay họ có cái nhìn ra sao về thị trường chứng khoán Việt, thưa ông?
Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn ưa thích các thị trường mới nổi nói chung (với điểm chỉ số đang cao nhất trong 8 tháng qua) và Việt Nam nói riêng, có thể thấy từ giá trị mua ròng đã đề cập và điều này cũng được các nhà đầu tư tại châu Âu và Mỹ thể hiện rõ trong các cuộc tiếp xúc gần đây với VinaCapital.
Với P/E cao hơn trước, định giá của thị trường Việt Nam đã tăng phần nào nhưng vẫn rẻ hơn khá nhiều so với trung bình của các thị trường châu Á như Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Philippines.
Tôi thấy là nhà đầu tư nước ngoài, dù là đầu tư tài chính hay chiến lược, đều sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để sở hữu cổ phần tại các doanh nghiệp đã hết “room” và điều này cho thấy sự tự tin của họ đối với các công ty này và vào thị trường Việt Nam.
Hơn nữa, khi các công ty tốt như Vinamilk nới room, nhà đầu tư nước ngoài sẽ tham gia sâu hơn và thị trường sẽ càng được hưởng lợi. Giá trị thị trường thay đổi như thế nào theo mức độ nới room thì vẫn là chuyện của tương lai, nhưng tôi tin rằng đây là một chất xúc tác tích cực.
Có nhiều nhận định tích cực được đưa ra về triển vọng trong thời gian tới của thị trường Việt Nam. Ông có đồng quan điểm?
Như đề cập, P/E của thị trường Việt Nam vẫn thấp hơn khá nhiều so với thị trường khu vực, trong khi theo các công ty môi giới thì tăng trưởng lợi nhuận vẫn đạt trên 10%, nên thị trường chứng khoán Việt Nam về cơ bản là không đắt.
Khi chiều sâu của thị trường cải thiện, chứng khoán Việt Nam hẳn sẽ có mức định giá cao hơn nhưng bù lại sẽ đón nhận thêm nhiều nhà đầu tư (trong 5 tháng đầu năm 2016, lượng tài khoản mới mở của các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đã tăng 58%).
Hơn nữa, đối với nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường Việt Nam, lợi nhuận không chỉ được tính bằng VND mà còn tính ròng bằng USD. Với tiền đồng khá ổn định so với USD từ đầu năm đến nay, hầu hết các nhà quan sát đều dự đoán VND sẽ phá giá không lớn và như thế sẽ tốt cho các nhà đầu tư quốc tế.
Ông có thể chia sẻ về hoạt động đầu tư tại quỹ VOF của tập đoàn VinaCapital trong thời gian tới? Quỹ đánh giá cao những cổ phiếu ngành nào?
Vì danh mục của VOF đa dạng hơn các quỹ đầu tư khác, chúng tôi có thể linh hoạt tham gia các cơ hội đầu tư có với tiềm năng tốt về lợi nhuận đã điều chỉnh theo rủi ro thuộc nhiều lĩnh vực, từ cổ phiếu niêm yết, các công ty cổ phần hóa/IPO và cả doanh nghiệp tư nhân.
Tùy theo tình hình thị trường mà chúng tôi sẽ ưu tiên các lĩnh vực cụ thể nhằm mang lại lợi nhuận tốt nhất với rủi ro hợp lý.
Tuy nhiên, một yếu tố quan trọng không kém với VOF là lợi nhuận phải có tính ổn định và chắc chắn, do đó chúng tôi đang dành nhiều tỉ trọng hơn trong danh mục cho lĩnh vực tiêu dùng, thấy rõ qua việc cổ phiếu VNM đã đem lại tăng trưởng lợi nhuận cao trong năm 2015 và chúng tôi cũng kỳ vọng tương đương cho nửa đầu năm 2016.
Xin cảm ơn ông!
Bizlive