MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Biden ám chỉ người thân bị tộc ăn thịt người ăn thịt trong Thế chiến 2, hồ sơ Lầu Năm Góc tiết lộ gì?

20-04-2024 - 15:21 PM | Tài chính quốc tế

Theo AFP, Tổng thống Mỹ Biden dường như ám chỉ rằng những kẻ ăn thịt người trên đảo New Guinea đã ăn thịt chú ông sau khi máy bay chở ông này bị rơi trong Thế chiến thứ hai.

Hãng tin AFP ngày 18/4 đưa tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ lòng kính trọng đối với chú của mình, Thiếu úy Ambrose J. Finnegan, khi đến thăm Đài tưởng niệm Chiến tranh Cựu chiến binh trong chuyến đi vận động tranh cử tới quê hương của ông ở Scranton, bang Pennsylvania, vào ngày 17/4.

Vị tổng thống 81 tuổi - được 1 tuổi lúc chú ông qua đời vào năm 1944 - đã đưa tay chạm vào tên Finnegan được khắc trên bia tưởng niệm.

Ông Biden ám chỉ người thân bị tộc ăn thịt người ăn thịt trong Thế chiến 2, hồ sơ Lầu Năm Góc tiết lộ gì?- Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ lòng kính trọng với chú mình, Ambrose J. Finnegan - cựu chiến binh trong Thế chiến thứ hai - tại Đài tưởng niệm Chiến tranh Cựu chiến binh ở Scranton, trước khi khởi hành đến Pittsburgh, bang Pennsylvania, vào ngày 17/4/2024. Ảnh: AFP

"Ông ấy [Finnegan] bị bắn hạ ở New Guinea, và họ không bao giờ tìm thấy thi thể vì thực sự đã từng có rất nhiều kẻ ăn thịt người ở khu vực đó của New Guinea", ông Biden nói với các cử tri là công nhân thép ở Pittsburgh sau đó.

Ông Biden cũng nhắc lại câu chuyện với các phóng viên, đồng thời nói thêm rằng "ông ấy bị bắn rơi ở khu vực có rất nhiều kẻ ăn thịt người ở New Guinea" và chính phủ Mỹ đã thu nhặt được các bộ phận của chiếc máy bay bị bắn rơi.

Mâu thuẫn với hồ sơ Lầu Năm Góc

Theo AFP, lời kể của Tổng thống Biden về cái chết của chú mình và khả năng ông ấy bị những kẻ ăn thịt người ăn thịt, khác với hồ sơ quốc phòng của Mỹ.

Cơ quan kiểm kê tù binh, người mất tích (POW/MIA) của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, máy bay của Ambrose Finnegan đang hướng tới New Guinea trên một chuyến bay chuyển phát nhanh và "buộc phải hạ cánh xuống biển" ngoài khơi bờ biển của hòn đảo mà "không rõ lý do".

Trên trang web của mình, cơ quan này cho biết, máy bay đã lao xuống nước rất mạnh và ba thành viên phi hành đoàn không thể thoát ra khỏi xác máy bay đang chìm, trong khi một người đã sống sót và được cứu bởi một sà lan đi ngang qua.

"Một cuộc tìm kiếm trên không vào ngày hôm sau không tìm thấy dấu vết nào của chiếc máy bay mất tích hoặc các thành viên phi hành đoàn bị mất tích", cơ quan này cho biết.

Ông Biden ám chỉ người thân bị tộc ăn thịt người ăn thịt trong Thế chiến 2, hồ sơ Lầu Năm Góc tiết lộ gì?- Ảnh 2.

Thông tin về cái chết của Thiếu úy Ambrose J. Finnegan Jr. đăng trên báo chí Mỹ vào năm 1944.

Theo New York Post, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre ngày 18/4 thừa nhận rằng Ambrose Finnegan - chú của Tổng thống Biden - thực sự đã chết khi máy bay của ông lao xuống Thái Bình Dương trong Thế chiến thứ hai, và rằng ông này không bị những kẻ ăn thịt người ăn thịt như Tổng thống Biden đã ám chỉ hai lần liên tiếp trong ngày 17/4.

Nhưng bà Jean-Pierre cũng bảo vệ ông Biden, nói với các phóng viên trên máy bay Air Force One rằng vị tổng thống 81 tuổi chỉ bày tỏ rằng bản thân "vô cùng tự hào" về Finnegan khi ông Biden ám chỉ rằng người bản địa New Guinea đã ăn thịt chú mình vào năm 1944.

"Bạn đã thấy Tổng thống, ông ấy vô cùng tự hào về sự phục vụ của chú mình trong quân đội. Bạn đã nhìn thấy ông ấy ở đài tưởng niệm chiến tranh. Điều đó vô cùng xúc động và quan trọng đối với ông ấy", bà Jean-Pierre nói trên đường đến Philadelphia, nơi Tổng thống Biden đang thực hiện chuyến thăm ba ngày trong chiến dịch tranh cử của mình.

"Bạn đã thấy ông ấy trả lời tất cả các bạn khi được hỏi về khoảnh khắc ngày hôm qua và chú của ông ấy, người đã thiệt mạng khi chiếc máy bay quân sự chở ông này [Finnegan] bị rơi ở Thái Bình Dương sau khi cất cánh gần New Guinea", bà Jean-Pierre nói với các phóng viên.

Theo AFP, trong lịch sử, tục ăn thịt người đã được ghi nhận ở Papua New Guinea - quốc gia Thái Bình Dương chiếm nửa phía đông của đảo New Guinea, ngoài khơi bờ biển phía bắc Australia.

Theo Hữu Hiển

Đời sống Pháp luật

Trở lên trên