MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Bùi Nguyên Khoa: “FED tăng lãi suất, Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng quá lớn”

05-03-2018 - 11:33 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo quan điểm của ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm Vĩ mô thị trường - CTCP Chứng khoán BIDV, nền tảng vĩ mô ổn định cùng kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp và hoạt động thoái vốn doanh nghiệp nhà nước vẫn tiếp tục là động lực đi lên của chỉ số chứng khoán. Theo dự báo, mức đỉnh VN-Index có thể lập được trong năm 2018 là 1.350-1.400 điểm .

Tiến trình cổ phần hóa, bán vốn doanh nghiệp nhà nước đang được đẩy mạnh sẽ tạo sức hút với nhà đầu tư, trong đó đặc biệt hấp dẫn nhà đầu tư ngoại. Quan điểm của ông về sức hút này tác động lên thị trường chứng khoán Việt Nam?

Với sự quyết liệt của cơ quan quản lý, cách thức bán linh hoạt và lộ trình công bố thông tin rõ ràng các đợt đấu giá và thoái vốn cuối năm 2017 và đầu năm 2018 đã rất thành công và thu hút đông đảo nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia. Về ngắn hạn, thị trường sẽ có thêm hàng hóa mới chất lượng, thu hút thêm các nhà đầu tư mới. Tuy nhiên hoạt động cổ phần cũng hút một lượng tiền lớn và có thể ảnh hưởng đến thị trường niêm yết.

Trong tháng 1 và đầu tháng 2, chỉ riêng 3 công ty lớn của Tập đoàn dầu khí gồm BSR, PV Oil và PV Power đã bán được 737 triệu USD theo giá bình quân, trong đó nước ngoài chiếm 54% tương đương 398 triệu USD. Thanh khoản thị trường niêm yết sau thời điểm nộp tiền có dấu hiệu sụt giảm, đồng thời những đợt đấu giá sau đó như Tập đoàn Cao su, Genko 3 đều không còn thu hút được nhà đầu tư. Bối cảnh khác nhau, chất lượng và mức độ hấp dẫn cổ phiếu đấu giá khác nhau được đưa ra giải thích cho hiện tượng trên tuy nhiên đây là yếu tố cần lưu tâm khi nhà nước thực hiện các đợt IPO.

Các đợt cổ phần hóa và thoái vốn có quy mô lớn tiếp theo cần được tính toán chi tiết về thời điểm, phân bổ quy mô, cân nhắc về khả năng hấp thụ cũng như có các biện pháp hỗ trợ về thanh khoản vừa đảm bảo mục tiêu và không tạo ảnh hưởng đến thị trường niêm yết. Xét về trung và dài hạn, hoạt động cổ phần hóa và thoái vốn sẽ giúp cho quy mô thị trường tăng mạnh, chất lượng cải thiện qua đó thu hút thêm nhiều tổ chức tài chính quốc tế lớn tham gia và sẽ là một trọng những yếu tố giúp thị trường được nâng hạng thị trường mới nổi theo MSCI.

Kỳ vọng và đánh giá của ông về những "bom tấn" IPO của các thương vụ lên sàn thuộc khối doanh nghiệp tư nhân Việt Nam?

Trong năm 2017, nhiều thương vụ IPO và niêm yết mới thuộc khối doanh nghiệp tư nhân như VJC, VRE, VPB, VIB, LPB… tạo tiếng vang và có sức mạnh với NĐT. Diễn biến thị trường tích cực là cơ sở kỳ vọng cho nhiều doanh nghiệp trong khối này niêm yết trong năm 2018.

Các doanh nghiệp như Thaco, FPT Retail,… và đặc biệt khối ngân hàng như Techcombank, Maritimebank, TPBank, OCB, Seabank, Saigonbank,… đang có kế hoạch niêm yết trong năm nay. Những doanh nghiệp chất lượng niêm yết sẽ mang lại cơ hội lựa chọn cho nhà đầu tư, thu hút thêm dòng vốn ngoại và nâng cao chất lượng thị trường chứng khoán.

FED được dự báo tăng lãi suất, điều này có ảnh hưởng nhiều tới dòng vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán như Việt Nam?

Xét về tổng quan, thì FED tăng lãi suất sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến thị trường thế giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển có hoạt động vay nhiều USD và kinh tế vĩ mô thiếu ổn định.

Tuy nhiên kinh tế vĩ mô Việt Nam trong những năm qua khá ổn định, các khoản vay ngoại tệ không lớn trong khi dự trữ ngoại hối tăng liên tục đạt gần 60 tỷ USD. Ngân hàng nhà nước có khả năng can thiệp ổn định tỷ giá và hạn chế hoạt động đầu cơ khi cần thiết.

Xét về dòng vốn đầu tư, nhiều các quốc gia chủ chốt ngoại trừ Mỹ vẫn duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ, đồng USD đang suy yếu trong khi Việt Nam neo theo USD đã kích thích dòng vốn nóng từ Châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, ...) đầu tư vào Việt Nam trong năm 2017 và đầu năm 2018. Khi đồng USD hồi phục thì khả năng đảo chiều hoặc hạn chế đầu tư của dòng vốn ngoại có thể xảy ra. Diễn biến này đang xảy ra trong tháng 2 ở các nước khu vực khi khối ngoại đồng loạt rút ròng trong tháng 2 trước biến động mạnh của TTCK Mỹ và khả năng FED tăng lãi suất trong kỳ họp tháng 3.

Dù vậy, tôi cho rằng ảnh hưởng này đến TTCK Việt Nam không quá lớn do thị trường vẫn đang có lợi thế thu hút NĐT nước ngoài từ nền tảng vĩ mô ổn định, doanh nghiệp tăng trưởng tốt, và hoạt động thoái vốn doanh nghiệp nhà nước.

Dự báo của ông về mức điểm số VN-Index có thể lên mức cao nhất bao nhiêu điểm trong năm nay

Nếu như không có biến động quá tiêu cực từ thị trường thế giới, tôi cho rằng thị trường có thể đạt đỉnh từ 1.350 – 1.400 điểm trong năm 2018.

Xin cảm ơn ông!

Theo Mai Hương

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên