Ông chủ chuỗi pizza ở Hà Nội chia sẻ cách đàm phán giá thuê với chủ nhà giữa bão Covid-19: Nếu đồng ý giảm 1-2 tháng tiền nhà cũng quý, không được sẽ thấu rõ lòng nhau!
Theo CEO Pizza Home, quan hệ giữa chủ nhà với người thuê là quan hệ đối tác. Một đối tác không chia sẻ lúc bạn gặp khó khăn nhiều khả năng sẽ đuổi bạn đi nếu họ tìm được đối tác khác tốt hơn ở thời điểm làm ăn thuận lợi.
Tiền thuê mặt bằng là một trong những khoản chiếm tỷ lệ lớn trong chi phí kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, thậm chí có thể lên tới 50% với những mặt bằng đẹp. Vì vậy khi bão Covid-19 ập đến và vấn đề cắt giảm chi phí được đề ra, việc đàm phán với chủ nhà về tiền thuê mặt bằng là một trong những biện pháp cấp thiết cần nghĩ tới.
CEO chuỗi Pizza Home Hoàng Tùng đã chỉ ra dưới đây 3 điểm cần lưu ý để người kinh doanh nói chung có thể đàm phán với chủ nhà về vấn đề mặt bằng.
1. Chuẩn bị tâm lý
Anh Hoàng Tùng cho rằng từ trước đến nay nhiều người, trong đó có cả anh, thường cảm thấy ngại khi phải "xin" giảm tiền thuê nhà. Nếu cứ giữ tâm lý như vậy thì giới kinh doanh sẽ có vị thế yếu trong công cuộc đàm phán. Do đó, việc cần làm đầu tiên là thay đổi tâm lý cũng như tư duy của bản thân trong vấn đề này.
"Thực tế quan hệ 2 bên là quan hệ đối tác. Khi bạn nghĩ vậy bạn sẽ thấy việc san sẻ với nhau nếu một bên gặp khó khăn là chuyện cực kỳ bình thường và nên làm. Hãy ép bản thân nghĩ rằng đó là việc bắt buộc phải làm, tư thế của bạn khi ngồi đám phán với chủ nhà sẽ có trọng lượng hơn nhiều".
2. Ưu tiên gặp mặt trực tiếp, nếu không được thì gọi điện
Anh Tùng cho rằng để đàm phán vấn đề mặt bằng, tốt nhất nên gặp trực tiếp hoặc ít nhất là gọi điện. Vì khi bạn giao tiếp trực tiếp, chủ nhà sẽ không có thời gian để suy nghĩ nhiều và khả năng thành công cao hơn.
"Bạn nhắn tin cụ thể thì họ sẽ có thời gian suy nghĩ. Lúc ấy có người chia sẻ, nhưng cũng có người nghĩ lại và tìm phương án tốt hơn. Hãy tưởng tượng bạn là sales, và việc sales hiệu quả nhất chỉ diễn ra khi bạn gặp mặt trực tiếp khách hàng hoặc gọi điện. Nếu nhắn tin thì tỷ lệ thành công thấp lắm", anh Tùng giải thích.
Một mẹo khác anh đưa ra là hãy đề nghị gấp đôi kỳ vọng. Ví dụ bạn kỳ vọng giảm tiền nhà 3 tháng thì hãy đề nghị với chủ nhà 6 tháng. Khả năng thành công "hên xui" nhưng vẫn nên làm vì được thì tốt, không được thì bạn cũng chẳng mất gì.
Trong một số trường hợp đặc biệt, ví dụ bạn vừa đóng xong tiền nhà 6 tháng, nếu đề nghị chủ nhà giảm tiền hoặc trả lại sẽ khó được chấp nhận. Tuy nhiên bạn có thể xin kéo dài kỳ hạn thuê nhà, từ 6 tháng thành 9 tháng. Với những người chủ khó tính hơn, không chấp nhận giảm tiền thuê, hãy xin trả từng tháng 1 thay vì trả một cục trong vòng 6 tháng hoặc 1 năm.
3. Giữ thái độ quyết liệt khi đàm phán
Khi đàm phán tiền mặt bằng, CEO Hoàng Tùng khuyên người kinh doanh nên rà soát lại các địa điểm, đặc biệt với những người đang theo mô hình chuỗi. Với một số điểm không hiệu quả về mặt tài chính, chỉ giữ lại để tăng độ phủ cho chuỗi, khách hàng dễ tiếp cận hơn, ship hàng nhanh hơn,...hãy ngồi xuống đàm phán với tinh thần không được là bỏ, đại loại "cô/chú không giảm giá thì cháu không thuê nữa".
Một mặt vì những địa điểm này bình thường đã không quá sinh lời, giữ lại trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay sẽ lỗ triền miên. Mặt khác, bạn sẽ tăng sức mạnh khi thương thuyết, khả năng đàm phán thành công sẽ cao hơn.
"Bạn không nhấc điện thoại lên bạn sẽ không giảm được đồng nào. Nhưng khi bạn đã liên hệ, bạn sẽ được giảm không nhiều thì it. Trường hợp xấu nhất khi chủ nhà không đồng ý thì bạn cũng biết rõ chủ nhà này có phải đối tác phù hợp không, có đi lâu dài với nhau được không. Bạn sắp ‘tèo’ mà họ không chia sẻ thì chứng tỏ họ không có thiện chí. Như vậy không có lý do gì khi thị trường ấm lên, có người trả giá cao hơn, họ sẽ không đẩy bạn ra ngoài ngay lập tức".
"Kiểu gì các bạn cũng được chứ không mất, hãy mạnh dạn nhấc điện thoại lên đề nghị giảm giá tiền nhà ngay đi", CEO Hoàng Tùng nhắn nhủ.
Trí thức trẻ