Ông chủ công ty bất động sản Trung Quốc nắm trong tay 20 tỷ USD dù lợi nhuận công ty bằng 0
"Phần khó khăn nhất là những thứ đúng đắn thường đi kèm với việc bạn phải hi sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn. Các thử thách ban đầu sẽ mở đường cho thành công trong tương lai", nhà sáng lập kiêm Chủ tịch của KE Holdings nói.
- 02-10-2020Top 10 thành phố có nguy cơ đối mặt bong bóng bất động sản
- 12-09-2020Tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc giảm giá bán nhà 30%
- 10-06-2020Niêm yết ở Mỹ, cổ phiếu công ty bất động sản Trung Quốc tăng 1.200% trong ngày trước khi bị ngừng giao dịch 1 tiếng vì quá sốc
Zuo Hui đang trên đường thực hiện nhiệm vụ mang sự minh bạch đến với thị trường bất động sản còn nhiều góc khuất của Trung Quốc, nơi người mua đôi lúc rất dễ gặp phải những vụ lừa đảo.
Công ty của anh, KE Holdings, đang kết hợp chuỗi các văn phòng bất động sản có mặt trên khắp cả nước đã hoạt động được gần 20 năm nay với 1 nền tảng kỹ thuật số kết nối người mua với người bán bằng các thuật toán sử dụng trí tuệ nhân tạo.
Tuy nhiên để xây dựng và duy trì hệ thống trực tuyến có tên Beike trong 2 năm qua, Hui đã phải chi rất nhiều tiền. Năm ngoái, công ty của anh chi 1,6 tỷ nhân dân tệ (tương đương 241 triệu USD) cho công tác nghiên cứu và phát triển (R&D), cùng với 8,4 tỷ nhân dân tệ cho các chi phí hành chính và chi phí khác. Do đó KE Holdings vẫn chưa thể có lợi nhuận nhưng đối với Zuo thì điều đó là xứng đáng.
"Phần khó khăn nhất là những thứ đúng đắn thường đi kèm với việc bạn phải hi sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn. Các thử thách ban đầu sẽ mở đường cho thành công trong tương lai", nhà sáng lập kiêm Chủ tịch của KE nói.
Cho đến nay thì chiến lược đó đã mang lại thành công bước đầu. Doanh thu năm 2019 của KE đã tăng 80% so với 2017, lên 46 tỷ nhân dân tệ. Hiện Beike đã trở thành nền tảng giao dịch nhà đất lớn nhất Trung Quốc.
KE được hậu thuẫn bởi một vài trong số các công ty lớn nhất châu Á, ví dụ như SoftBank, Hillhouse Capital và Tencent. Cổ phiếu KE mới chỉ niêm yết trên sàn New York từ tháng 8 nhưng giá đã tăng gấp hơn 3 lần. Điều đó giúp tài sản của Zuo tăng lên mức 20,5 tỷ USD, lọt top 100 tỷ phú giàu nhất thế giới do Bloomberg tính toán.
Theo Feng Linyan, chuyên gia phân tích cao cấp tại EqualOcen, kinh doanh trong ngành bất động sản đòi hỏi rất nhiều thời gian, nỗ lực và sự am hiểu sâu sắc. "Không giống như các ngành công nghệ tiêu dùng khác nơi bạn có thể liên tục cải thiện sản phẩm cho đến khi thống lĩnh thị trường, đối với bất động sản, phải thực sự hiểu được cách hoạt động của các đại lý và người mua. Đây chính là nơi mà KE xây dựng được "con hào kinh tế" của mình, khiến các công ty công nghệ khác khó có thể tiếp cận và đuổi kịp".
Dẫu vậy thành công đến với KE vào đúng lúc chính phủ Trung Quốc đang siết chặt quản lý 2 lĩnh vực được coi là then chốt đối với tăng trưởng kinh tế. Trong tuần này Bắc Kinh đã đưa ra luật nhằm hạn chế tình trạng độc quyền trong ngành kinh doanh internet, giảm quyền lực của những tập đoàn tư nhân hùng mạnh nhất. 3 ngày qua cổ phiếu KE đã giảm 8% do nhà đầu tư lo lắng về luật mới.
Trong khi đó một số chính quyền địa phương đang cố gắng kiểm soát giá nhà tốt hơn và giảm đòn bẩy trong lĩnh vực bất động sản dù gần đây thị trường đang gặp nhiều khó khăn.
Một mối đe dọa khác đối với KE là sự cạnh tranh. E-House (China) Enterprise Holdings, 1 công ty bất động sản đang niêm yết cổ phiếu ở Hồng Kông, từ tháng 8 đã tuyên bố kế hoạch hợp tác với Alibaba. Và đó chỉ là một trong số rất nhiều nền tảng tương tự cạnh tranh trực tiếp với KE.
Tuy nhiên Zuo không lo lắng. Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Thiểm Tây, anh lấy bằng cử nhân ngành công nghệ hóa chất của ĐH Bắc Kinh vào năm 1992 trước khi bước chân vào lĩnh vực kinh doanh và thành lập 1 công ty bảo hiểm.
Sau đó Zuo thành lập công ty môi giới bất động sản Beijing Lianjia Real Estate Brokerage vào năm 2001, khi mà thị trường bất động sản Trung Quốc còn khá non trẻ. Năm 2011 anh thành lập Ziroom, chuyên cung cấp các căn hộ cho thuê dài hạn. Năm 2018, Beike ra đời.
Nền tảng này sử dụng trí thông minh nhân tạo và dữ liệu lớn để cải thiện chất lượng dịch vụ và cung cấp những góc nhìn rất sâu về thị trường. Đến cuối tháng 6 vừa qua, KE có 39 triệu người dùng thường xuyên mỗi tháng trên các thiết bị di động và đã tung ra thị trường 226 triệu căn nhà. Nền tảng này cũng cho phép các công ty thiết kế, cải tạo nhà và các định chế tài chính kết nối với người mua, tạo ra 1 hệ sinh thái đa dạng.
Một số lãnh đạo của KE cũng đã hưởng lợi lớn. CEO Peng Yongdong, người rời bỏ IBM để gia nhập KE từ năm 2010, cũng sở hữu số cổ phần có giá trị 2,6 tỷ USD. Giám đốc điều hành Shan Yiang, người gia nhập KE năm 2007, cũng có 1,1 tỷ USD. COO Xu Wangang sở hữu số cổ phần trị giá 1,3 tỷ USD.
Tencent bắt đầu đầu tư vào KE từ năm 2018 và hiện đang nắm 12% cổ phần (có giá khoảng 9,5 tỷ USD). Hai bên cũng có thỏa thuận hợp tác mà theo đó KE có quyền tiếp cận dịch vụ đám mây và các nguồn tài nguyên quảng cáo của Tencent. SoftBank và Hillhouse lần lượt sở hữu 9,3% và 5,2% cổ phần.
Theo Maggi Hu, trợ lý giáo sư tại trường kinh doanh Chinese University of Hong Kong, thị trường bất động sản Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng nhưng với tốc độ ổn định hơn, và nền tảng của Beike sẽ hưởng lợi từ diễn biến của thị trường. Đà tăng nhanh của cổ phiếu KE là bằng chứng cho thấy nhà đầu tư tự tin về triển vọng của công ty, mà một trong những lý do quan trọng nhất là họ tin vào chiến lược kinh doanh mà KE đang theo đuổi.
Tham khảo Bloomberg