MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông chủ FTX hậu phá sản: 'Thần đồng' giới tiền số từng có 26 tỷ đô ngậm ngùi chia sẻ 'tôi gần như chẳng còn gì'

02-12-2022 - 20:16 PM | Tài chính quốc tế

Ông chủ FTX hậu phá sản: 'Thần đồng' giới tiền số từng có 26 tỷ đô ngậm ngùi chia sẻ 'tôi gần như chẳng còn gì'

Sam Bankman-Fried - cựu CEO của FTX, từng có thời gian sở hữu khối tài sản 26 tỷ USD. Giờ đây, anh cho biết mình “gần như chẳng còn gì”.

Trong một cuộc phỏng vấn với nhà bình luận Andrew Ross Sorkin cho New York Times Dealbook 2022, “ông lớn” trong lĩnh vực tiền số cho biết anh để toàn bộ tài sản của mình trong sàn giao dịch FTX và công ty giao dịch Alameda Research.

Sau vụ bê bối, Bankman-Fried hiện đang ở Bahamas. Anh cho biết mình chỉ có một thẻ tín dụng còn hoạt động, được liên kết với tài khoản ngân hàng còn 100.000 USD. Anh cũng chia sẻ rằng mình đã tiết lộ gần như toàn bộ chi tiết về tài sản của mình và không giấu tiền ở bất kỳ đâu.

Từng được coi là “thần đồng” của ngành tiền số, Bankman-Fried giờ đây là nhân vật chính trong các cuộc điều tra pháp lý và quy định về việc liệu đế chế FTX của anh có xử lý dòng tiền của khách hàng sai cách hay không.

Ông chủ FTX hậu phá sản: Thần đồng giới tiền số từng có 26 tỷ đô ngậm ngùi chia sẻ tôi gần như chẳng còn gì - Ảnh 1.

Sam Bankman-Fried trong sự kiện New York Times Dealbook 2022 hôm thứ Tư.

John J.Ray III - chuyên gia tái cơ cấu đang tiếp quản FTX sau khi công ty này đệ đơn xin phá sản, cũng tuyên bố đây là sự thất bại bê bết nhất trong hoạt động quản trị doanh nghiệp mà ông từng chứng kiến.

Tháng trước, Ray cho biết các cố vấn đã yêu cầu các định chế tài chính đóng băng hoạt động rút tiền và từ chối mọi yêu cầu từ Bankman-Fried. Ngoài ra, các tài liệu cũng cho thấy Alameda đã cho Bankman-Fried vay 1 tỷ USD và nguồn vốn của FTX đều được sử dụng để mua nhà cùng các vật dụng cá nhân khác cho nhân viên.

Bankman-Fried cũng được hỏi về các thương vụ mua bất động sản của công ty, trong đó có thông tin cho rằng bố mẹ của anh cũng nhận được một căn nhà.

Vị CEO “sa ngã” trả lời: “Tôi không biết thông tin chi tiết về ngôi nhà của bố mẹ. Tôi chỉ biết rằng ngôi nhà không phải là tài sản được bố mẹ tôi nắm giữ lâu dài mà đó là tài sản của công ty.” Bankman-Fried nói thêm, các thương vụ mua bán khác đã được thực hiện để những nhân viên chuyển đến Bahamas “có một cuộc sống thoải mái, giúp họ sẵn sàng đến nơi này làm việc.”

Bankman-Fried đã trở thành một trong những người giàu nhất thế giới chỉ trong vài năm sau khi thành lập Alameda và sau đó là FTX. Sàn tiền số này có hơn 1 triệu khách hàng trên toàn cầu trước khi phá sản. Anh đã nhận được sự hậu thuẫn từ các quỹ phòng hộ và nhà đầu tư mạo hiểm, trong khi lợi nhuận của Alameda được Bankman-Fried tuyên bố sẽ được sử dụng vì mục đích chính trị, hỗ trợ các tổ chức phi lợi nhuận.

Tuy nhiên, mọi thứ sụp đổ chỉ trong chớp mắt. Mọi vấn đề bắt đầu vỡ lở vào đầu tháng 11, khi CoinDesk đưa tin về bảng cân đối kế toán của Alameda, cho thấy đồng FTT do FTX phát hành chiếm khoảng 1/4 tài sản trị giá 14,6 tỷ USD của quỹ này.

Chỉ trong 1 tuần, đế chế của Bankman-Fried đã rơi vào vòng xoáy lao dốc, tài sản của anh bị “quét sạch” nhưng khi đó anh vẫn còn 16 tỷ USD. Tuy nhiên, Bloomberg Billionaires Index đã giảm giá trị tài sản của Bankman-Fried trong FTX và Alameda xuống 0, sau khi anh đồng ý với thoả thuận tiếp quản từ phía Binance của tỷ phú Changpeng Zhao.

Bloomberg Billionaires Index cũng không liệt kê tài sản của Bankman-Fried trong Robinhood Markets - một trong những tài sản có giá trị cuối cùng còn lại của anh. Toàn bộ tài sản của anh đều được nắm giữ thông qua Alameda và có thể đã được mang đi thế chấp vay nợ.

Tuy nhiên, khó có thể xác minh liệu Bankman-Fried có nói thật hay không vì Bloomberg không thể theo dõi toàn bộ tài sản của anh ta. Hồi tháng 11, các báo đưa tin, Bankman-Fried có hơn 500 triệu USD trong các công ty đầu tư mạo hiểm bao gồm Sequoia và là nhà đầu tư vào startup truyền thông Semafor. Tuy nhiên, nếu số tài sản đó được nắm giữ thông qua Alameda thì chúng cũng đã “bốc hơi”.

Chi Lan

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên