Ông Đỗ Hữu Ca bất ngờ thay đổi lời khai, nhận tội
Sáng 4-11, bị cáo Đỗ Hữu Ca bất ngờ thay đổi lời khai, thừa nhận cáo trạng của VKSND tỉnh Quảng Ninh truy tối về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điểm a khoản 4 điều 174 Bộ luật Hình sự là đúng người đúng tội và mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt
Sáng 11-4, TAND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục xét xử sơ thẩm bị cáo Đỗ Hữu Ca, cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng, cùng 12 bị cáo khác với các tội: "In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước", "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ", "Trốn thuế", "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Vào đầu giờ sáng 11-4, trong phần xét hỏi cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng bất ngờ thay đổi lại lời khai.
"Sau khi về trại giam, suy nghĩ lại tôi nhận thấy nhận thức có sự chưa chuẩn, phần do tuổi cao, phần do rời xa công việc khá lâu. Tôi xin thay đổi lại lời khai, đồng ý với nội dung cáo trạng đã nêu truy tố tôi về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tôi xin thành khẩn khai báo, xin ăn năn hối cải về hành vi của mình. Tôi mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bản thân tôi để có thể sớm trở về với gia đình"- bị cáo Đỗ Hữu Ca nói.
Bị cáo Đỗ Hữu Ca thừa nhận cáo trạng của VKSND tỉnh Quảng Ninh truy tối về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điểm a khoản 4 điều 174 Bộ luật Hình sự là đúng người đúng tội.
Ngay sau lời trình bầy của bị cáo Đỗ Hữu Ca, HĐXX chuyển sang phần trang tụng.
Trước đó, vào chiều 10-4, cũng tại phần xét hỏi, cựu Giám đốc Công an TP Hải nhiều lần khẳng định không biết mục đích vợ chồng Trương Xuân Đước, Nguyễn Thị Ngọc Anh mang tiền đến nhà mình để nhờ "chạy tội".
Bị cáo Đỗ Hữu Ca thừa nhận 4 lần nhận tổng số tiền 35 tỉ đồng từ vợ chồng Đước, nhưng một mực phủ nhận cáo buộc hứa "chạy án", mà chỉ có mục đích giữ hộ để tìm cách giúp đôi vợ chồng này khắc phục hậu quả.
"Ngọc Anh đến là kêu khóc rất nhiều, nói đi nói lại anh cứu em. Tôi coi Đước như em tôi, tôi rất lo cho Đước. Nhưng tôi cứu Đước là theo pháp luật. Đã lấy tiền của nhà nước là phải bồi hoàn thiệt hại để nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Vợ chồng Ngọc Anh mang đến nhà tôi số tiền rất lớn và không báo trước. Tôi rất bất ngờ. Cách chuyển tiền của Ngọc Anh không có địa chỉ đến, không có sổ sách, không nói rõ tiền này tiền gì, không nói rõ số tiền bao nhiêu"- bị cáo Ca nói.
Nói về việc 4 lần nhận 35 tỉ đồng, bị cáo Đỗ Hữu Ca phân trần, vì coi Đước như em nên khi vợ Đước đến nhà khóc lóc xin cứu chồng, cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng có suy nghĩ tìm cách cứu Đước trên cơ sở quy định pháp luật, với nguyên tắc đã xâm phạm tiền nhà nước thì phải bồi thường để hưởng khoan hồng, chứ bản thân bị cáo Ca không chấp nhận việc chạy chọt.
Khi bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Anh đến nhà, bị cáo Ca nói muốn cứu Đước thì phải hoàn trả số tiền chiếm đoạt nhà nước, chuẩn bị ngay 10% trên tổng số giá trị hóa đơn mua bán để đi khắc phục hậu quả và chuẩn bị thêm số tiền nữa nếu phát sinh thì dùng đến.
"Tôi không hề nói Ngọc Anh đem 20 tỉ đi chạy tội cho Đước, không nói mang tiền đến nhà tôi. Đây là sự ngộ nhận, hiểu lầm của Ngọc Anh kéo theo hệ lụy khác"- bị cáo khai tại tòa.
Theo bị cáo Ca, mỗi lần vợ Đước mang tiền đến nhà mình "cũng cập rập như chạy loạn". Lần nào Ngọc Anh mang tiền đến cũng nói "anh cất tiền cho em, anh cất tiền cho em", mà không nói rõ tiền gì.
"Tôi chỉ nghĩ anh em với nhau, trong lúc khó khăn thì cứu giúp nhau. Tôi không hề biết rằng mục đích của Ngọc Anh đem tiền để chạy tội. Cái sai của tôi là mặc định chủ quan số tiền này là để đem đi khắc phục hậu quả nên không hỏi tiền ở đâu, tiền dùng làm gì… Nhận tiền tôi cứ cất đi, không kiểm đếm. Khi nhận thấy tiền này liên quan vụ án Công an tỉnh Quảng Ninh đang điều tra nên đã chủ động nộp lại. Tôi không hề có ý định chiếm đoạt số tiền này"- bị cáo Ca khẳng định.
Trả lời câu hỏi "Vì sao sau đó Ngọc Anh đến đòi lại tiền bị cáo có trả lại không?", ông Ca khai "không có việc này. Trong đầu tôi từ đầu đến cuối không bao giờ có ý định lừa tiền chiếm đoạt của vợ chồng Đước".
Người lao động