MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Hoàng Nam Tiến: 70% lao động có nguy cơ trở thành “tầng lớp vô dụng mới" trong tương lai

Theo ông Hoàng Nam Tiến, với sự bùng nổ của công nghệ này, nhiều lao động có nguy cơ rơi vào tình trạng thất nghiệp trong tương lai.

Ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT. Ảnh: MS

Ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT. Ảnh: MS

Đó là sự bùng nổ và phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) và robot.

Theo đó, tại "Diễn đàn mở cơ hội nghề nghiệp sinh ra từ công nghiệp mới" diễn ra tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC Hòa Lạc) ngày 2/10 vừa qua, các chuyên gia đã phân tích về những khó khăn cũng như thách thức mà người lao động phải đối mặt trong thời chuyển đổi số, đồng thời đưa ra các cơ hội tiềm năng cho giới trẻ.

Đáng chú ý, theo ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT nhận định rằng, thế giới luôn có những ngành nghề mới, đồng thời cũng sẽ có các ngành nghề cũ bị mất dần đi. Ông Tiến trích dẫn một báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới vào đầu năm 2024, vào năm 2030, có khoảng 40% lao động trên toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng bởi AI. 

Trong đó, giáo viên sẽ là một trong những nghề chịu tác động đầu tiên. Lấy dẫn chứng, ông Tiến cho biết, ĐH FPT đã tiến hành thử nghiệm sử dụng công cụ AI như ChatGPT để phân tích bài văn, trình bày đình lý toán học. Kết quả, AI có thể thực hiện tốt nhiệm vụ của một giáo viên và thậm chí là cá nhân hóa bài giảng dựa trên năng lực của từng học sinh. Đây là điều chỉ có AI mới thực hiện được.

Ngoài giáo viên, kế toán cũng là ngành nghề bị đe dọa mạnh bởi sự phát triển của AI. Phó Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT khẳng định, trong số 100 người làm kế toán thì chỉ có khoảng 20% sẽ được giữ lại, mặc dù những người mất việc có thể có kinh nghiệm và chuyên môn tốt. Trên thực tế, AI có khả năng thực hiện công việc của kế toán nhanh, chính xác và tiết kiệm chi phí hơn so với con người.

"Với tốc độ phát triển của AI và robot, có khoảng 20 – 30% lực lượng lao động sẽ được trả lương cao hơn, nhờ vào khả năng thích nghi với công nghệ mới. Tuy nhiên, 70% số lao động còn lại có nguy cơ bị rơi vào tình trạng "tầng lớp vô dụng trong tương lai" vì không còn phù hợp với thị trường lao động hiện tại. Tương lai này có thể đến sớm vào năm 2030", ông Hoàng Nam Tiến cho biết.

Vậy, các bạn trẻ phải làm gì trước tốc độ phát triển của AI?

Ông Hoàng Nam Tiến: 70% lao động có nguy cơ trở thành “tầng lớp vô dụng mới" trong tương lai- Ảnh 2.

Theo các chuyên gia, trong tương lai, AI có thể thay thế nhiều công việc của con người, nhưng đồng thời cũng tạo ra không ít việc làm mới. Ảnh minh họa

Theo ông Hoàng Nam Tiến, ở thời điểm hiện tại, thế giới đang thay đổi quá nhanh. Do đó, nếu các bạn trẻ không xây dựng khả năng tự học suốt đời để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, thì sẽ trở thành "tầng lớp vô dụng mới" trong tương lai. Các bạn trẻ làm ngành gì cũng được nhưng phải làm các ngành nghề có sự tò mò, sáng tạo và cảm xúc thì AI mới không thể thay thế được.

"Hãy nhớ rằng, sẽ có hàng trăm triệu công việc bị thay thế bởi AI và robot nhưng cũng có hàng trăm triệu công việc nữa sẽ ra đời" ông Hoàng Nam Tiến nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với ông Tiến, ông Lê Ngọc Anh – Giám đốc Dữ liệu của Viện Dầu khí Việt Nam, nhấn mạnh rằng các bạn sinh viên cần nuôi dưỡng tính tò mò và sự sáng tạo. Bởi đây cũng là hai kỹ năng mà AI khó có thể thay thế con người, nhất là trong các lĩnh vực về nghiên cứu và phát triển. 

Ngoài ra, việc hiểu biết về lịch sử, văn hóa sẽ giúp ích rất nhiều cho các bạn trẻ khi làm việc với AI, vì nó cung cấp nền tảng để sáng tạo cũng như giải quyết vấn đề một cách hiệu quả.

Không nằm ngoài "cuộc chơi" về AI, Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiềm năng trong việc phát triển AI, nhờ vào thị trường, nguồn nhân lực và hệ sinh thái khởi nghiệp...

Trên thực tế, Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo từ năm 2021. Đặc biệt, Ngày 21/9/2024 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.

Mặt khác, Việt Nam đã hình thành được một hệ sinh thái bán dẫn, AI có quy mô lớn trong khu vực, với sự tham gia của Google, Meta, Qualcomm, Intel… và rất nhiều doanh nghiệp công nghệ cao trong ngành điện tử.

Theo Minh Hằng

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên